13 thg 8, 2020

Ngân hàng ồ ạt trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ

Dù dịch Covid-19 tác động đáng kể đến thị trường ngân hàng và gây quan ngại cho giới đầu tư, nhiều tổ chức tín dụng vẫn tăng vốn thành công với cách thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.


Các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo thời hạn được Ngân hàng Nhà nước quy định.

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục công bố các quyết định chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng. Chẳng hạn, Ngân hàng ACB được phê duyệt tăng vốn điều lệ từ hơn 16,6 nghìn tỷ đồng lên hơn 21,6 nghìn tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2019.

Ngân hàng Bắc Á tăng vốn điều lệ từ 6,5 nghìn tỷ đồng lên 7,085 nghìn tỷ đồng theo 2 đợt. Đợt 1 sẽ tăng vốn điều lệ thêm 462 tỷ đồng thông qua việc phát hành 46.204.900 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016 và phân phối lợi nhuận để lại lũy kế đến hết ngày 31/12/2016. Đợt 2, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 37,9 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 3.795.100 cổ phiếu.

Ngân hàng VIB tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%, từ 9,245 nghìn tỷ đồng lên 11,094 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng, vốn tự có lên gần 34.000 tỷ đồng. Từ ngày 17/2/2020 đến ngày 27/4/2020, SHB chào bán thành công gần 300,8 triệu cổ phiếu và trong quý I, SHB đã phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 20,9% của 2 năm 2017 và 2018.

SeABank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng theo 2 đợt. Đợt 1, ngân hàng này sẽ phát hành gần 131,17 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ 14% được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2019. Đợt 2, SeABank sẽ phát hành tối đa hơn 140,7 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%.

Một số tổ chức tín dụng là công ty tài chính cũng thực hiện phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức để tăng vốn. Có thể kể đến Công ty Tài chính Điện lực phát hành 15 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn lên hơn 2.640 tỷ đồng.

Lý do tăng vốn của các ngân hàng nêu trên là nhằm mở rộng mạng lưới, thị phần; nâng cao khả năng quản trị rủi ro; bổ sung vốn trung, dài hạn trong hoạt động và đầu tư hệ thống công nghệ cho hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, lý do chính khiến các ngân hàng tăng vốn là đang khó khăn về nguồn vốn trung và dài hạn, đặc biệt nợ xấu có thể tăng khiến trích lập dự phòng tăng. Mặt khác, các ngân hàng cũng phải chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo thời hạn được NHNN quy định.

Từ phía cơ quan điều hành, tăng vốn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) là một nội dung được NHNN rất quan tâm. Trong công văn mới đây gửi các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN yêu cầu khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; tiếp tục xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước (VietinBank, Vietcombank…) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Thống đốc NHNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để có cơ sở thực hiện tăng vốn cho các NHTM nhà nước; xây dựng lộ trình tăng vốn cho các NHTM nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2026, trong đó có phần tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Về cách thức tăng vốn, thay vì chú trọng vào chiến lược bán vốn cho các nhà đầu tư chiến lược như những năm trước, năm nay nhiều ngân hàng lựa chọn cách thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu bởi việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược trong năm nay là không khả thi.

“Các nhà đầu tư nước ngoài gần như tạm dừng tất cả các chương trình đầu tư do lo ngại rủi ro từ dịch Covid-19. Còn với các nhà đầu tư Việt Nam, khi chỉ số VNIndex chỉ quanh mốc 900 điểm thì họ không mặn mà với kênh đầu tư này. Cuối cùng, chỉ có cách đơn giản mà trong khả năng là chia cổ tức bằng cổ phiếu”, ông Hiếu nói.

Thực tế, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt từng được một số ngân hàng áp dụng trong nhiều năm khiến cổ đông không thỏa mãn. “Đúng là cổ đông sẽ thiệt thòi với cách chia cổ tức như vậy. Họ đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng lâu dài nhưng dòng tiền thật từ cổ tức vẫn chưa về. Song trong điều kiện khó khăn hiện nay, đây là cách gần như duy nhất để giúp ngân hàng đáp ứng các yêu cầu về vốn và bảo nguồn tài chính để tiếp tục hoạt động bền vững, nên dù không muốn nhưng các cổ đông hầu như không thể phản đối. Do đó, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn bằng hình thức này sẽ thành công”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nguồn Báo Đầu Tư

0 comments:

Đăng nhận xét