31 thg 8, 2020

Ngăn chặn biến tướng lừa đảo tài chính

Gần đây xuất hiện khá nhiều sàn đa cấp tiền ảo để lừa đảo với các thủ đoạn rất tinh vi. Điểm chung của các sàn là đều yêu cầu người đầu tư phải bỏ tiền thật để mua tiền ảo có giá trị lớn như Bitcoin hay Ethereum… rồi nạp tiền ảo này vào tài khoản công ty để hoán đổi lấy tiền ảo nội bộ.


Theo các chuyên gia, việc các công ty trên phải đi đường vòng như vậy là để lách luật. Nếu NĐT nạp bằng tiền đồng, các cá nhân, công ty này có thể bị khép vào tội lừa đảo. Còn nếu NĐT mua tiền ảo để đầu tư tiền ảo, cơ quan chức năng sẽ không có căn cứ để xử phạt. Bởi tiền ảo ở Việt Nam không được công nhận là phương tiện thanh toán. Đây cũng là lý do khiến các sàn đa cấp tiền ảo biến tướng, công khai dụ dỗ NĐT trên các mạng xã hội.

Wefinex là một điển hình. Những người trẻ đang có ý định khởi nghiệp, hay những người muốn làm giàu nhanh là những nhóm đối tượng được chào mời tham gia đầu tư vào Wefinex. Anh Hồ Anh Minh – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh cho biết, sàn giao dịch này cam kết có các chuyên gia hàng đầu hướng dẫn đặt lệnh, người chơi chỉ cần đặt lệnh theo là có lợi nhuận 2-3%/ngày. Cách chơi Wefinex khá đơn giản: NĐT mở tại tài khoản công ty, sau đó dùng tiền thật mua quyền đặt lệnh, trong đó NĐT chỉ có hai lựa chọn là dự báo tăng hoặc giảm của các tiền điện tử danh tiếng trên thế giới hoặc là các chỉ số như vàng, dầu... Sau một phút nếu kết quả đúng như dự đoán người chơi được 95% số tiền đặt lệnh, sàn cắt “phế” 5%. Còn nếu sai thì khách hàng sẽ mất 100% số tiền.

Hình thức này theo anh Minh, thực chất là trò xóc đĩa chẵn – lẻ theo kiểu được ăn cả ngã về không chứ không như cam kết chắc chắn sinh lời mà các công ty chào mời. Việc chỉ được chọn tăng giá hoặc giảm giá lại giao dịch quá nhanh nên rất dễ bị thao túng bởi các chủ sàn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Wefinex là hệ sinh thái của Công ty đầu tư tài chính Winsbank holdings Limited, có trụ sở tại Belize - một quốc gia Trung Mỹ. Tên miền Wefinex mới được đăng ký hồi tháng 3/2020 và có hơn 90% lượng truy cập đến từ Việt Nam cho thấy nhiều khả năng sàn này do nhóm người Việt lập nên. Tại Việt Nam, WinsBank có cả một hệ sinh thái như Winsfund, eshare, Winscoin… đều hoạt động với mô hình đa cấp, chi hoa hồng 7 tầng như Wefinex.

NĐT Thanh Tùng – Hà Nội cho biết, sau khi tham gia vào các hệ thống trên, nếu giới thiệu thêm người khác vào hệ thống nhánh dưới của mình, cứ mỗi người tham gia thì được thêm 50% hoa hồng. Số tiền hoa hồng tiếp tục tăng lên khi giới thiệu thêm người vào tham gia hệ thống này. Cũng vì hám lợi, nhiều người không tập trung vào chơi tiền ảo mà đi chiêu dụ người quen tham gia để nhận hoa hồng.

Ban đầu, để thu hút người tham gia, các công ty này tạo tính thanh khoản từ tiền ảo sang tiền thật rất dễ dàng. Khi một lượng lớn người tham gia hệ thống thì công ty này lấy lãi người sau trả cho người trước. NĐT thấy rằng đầu tư dễ dàng không cần làm gì cũng có tiền nên theo nhau xuống tiền. Khi chủ sàn ôm trọn số tiền thật họ có thể đánh sập sàn hoặc đưa giá trị tiền ảo rác tụt dốc không phanh, thậm chí về 0 bất cứ lúc nào khiến NĐT mất trắng.

Thực chất, chiêu trò trên không hề mới và người dân biết là lợi nhuận cao rủi ro lớn, nhưng vì sự nhẹ dạ cả tin vào viễn cảnh mà đối tượng vẽ ra NĐT không thể chế ngự được lòng tham vẫn lao vào chơi bất chấp rủi ro. Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc phân tích CTCK Kim Eng, không khó nhận diện chiêu trò lừa đảo của các công ty đa cấp bởi có những đặc điểm khá giống nhau. Cụ thể, các công ty này có giấy tờ pháp lý không rõ ràng, trụ sở ở nước ngoài. Các nhóm đầu tư thường khoe nhà sang, xe sang, đưa ra những lời lẽ hoa mỹ cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro, bao cháy tài khoản... đánh vào lòng tham NĐT, làm sao để nộp tiền cho họ nhanh nhất có thể.

Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh khẳng định, đây là mô hình kinh doanh đa cấp mang tính chất lừa đảo và pháp luật Việt Nam không thừa nhận sàn giao dịch này. Do đó, sẽ rất khó để người bị hại thu lại được nguồn tiền đầu tư vì các đối tượng này không có công ty, trụ sở tại Việt Nam.

Điều đáng lo các nhóm đa cấp tiền ảo như Wefinex và nhiều nhóm đa cấp khác hoạt động rất công khai, rầm rộ, thậm chí tổ chức hội thảo quảng bá. Theo TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, nếu không sớm có chế tài điều chỉnh chắc chắn hoạt động này biến tướng, ngày càng nhiều người dân bị lừa đảo. Do vậy, trong thời gian chờ khung pháp lý, cần tăng cường cảnh báo tuyên truyền cho người dân. Các cơ quan chức năng cần chặn ngay từ khâu tải app các chương trình liên quan đến mô hình đa cấp; khoanh vùng có chế tài xử lý truy cứu hình sự đối với đối tượng tổ chức lừa đảo…

Nguồn Thời Báo Ngân Hàng

0 comments:

Đăng nhận xét