1 thg 8, 2020

Huy động tổng lực khẩn cấp: dập dịch ở Đà Nẵng!

Hôm qua 31-7, các biện pháp phòng chống dịch được nâng lên quy mô cao nhất với sự chi viện từ các nơi, và sự nỗ lực tối đa của lực lượng chức năng cũng như người dân tại Đà Nẵng.
Xe của lực lượng phòng hoá Quân khu V vào khử trùng khu vực phong tỏa - Ảnh: TẤN LỰC

Do số bệnh nhân được xác định nhiễm COVID-19 tăng đột biến trong ngày 31-7, bà Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - cho biết đã yêu cầu tất cả cơ sở y tế trên địa bàn sẵn sàng tiếp nhận cách ly y tế và điều trị các bệnh nhân COVID-19.

"Chia lửa" giảm tải cho bệnh viện bị phong tỏa
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 31-7, bà Ngô Thị Kim Yến cho biết việc giảm tải số bệnh nhân tại các ổ dịch ở bệnh viện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chống dịch. Khi giảm được số lượng, việc xử lý, làm sạch các ổ dịch tại ba bệnh viện đang bị phong tỏa sẽ bớt khó khăn hơn.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện dã chiến để có nơi tiếp nhận bệnh nhân liên quan đến COVID-19, việc "chia lửa" bệnh nhân sang các nơi là để giảm tải nguy cơ lây nhiễm. 

Trong những ngày sắp tới, các bệnh nhân Bệnh viện Đà Nẵng được chuyển bằng xe chuyên dụng đến các bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Gia Đình, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam...

Để huy động thêm tổng lực dập dịch, Đà Nẵng cũng đã thống nhất chọn Cung thể thao Tiên Sơn (phường Hòa Cường, quận Hải Châu) làm bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 1.000 giường. Hôm qua 31-7, đoàn khảo sát của ngành y tế Đà Nẵng đã đến khảo sát Cung thể thao Tiên Sơn. Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến này. Trong điều kiện thi công gấp rút, nơi này sẽ có thể tiếp nhận bệnh nhân sau 4 ngày xây dựng.

"Mục tiêu của chúng tôi là đưa số lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng về còn 200 - 300 ca. Sáng 31-7, TP đã có quyết định chuyển Trung tâm y tế huyện Hòa Vang làm đơn vị mới cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19" - bà Yến thông tin. Theo bà Yến, nhanh nhất đến ngày 2 hoặc 3-8 các bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ bắt đầu được đưa về đại bản doanh mới tại huyện Hòa Vang.

Bệnh viện dã chiến thuộc Sở Y tế tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang (thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn) có quy mô 200 giường. Trong chiều 31-7, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang đang gấp rút hình thành một số phòng cách ly áp lực âm và máy móc để chuẩn bị tiếp nhận cách ly khoảng 100 trường hợp nghi nhiễm và điều trị lâu dài cho các bệnh nhân COVID-19. Trong tuần, đã có hơn 10 máy chạy thận mới được chuyển giao về đây. 

Trong những ngày tới, số lượng máy chạy thận sẽ tiếp tục được bổ sung cho cơ sở y tế này. Cùng với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai, một khu nhà 2 tầng đã được "quy hoạch" riêng là nơi ăn chốn ở cho các bệnh nhân chạy thận những ngày sắp tới.

Nhân viên y tế sát khuẩn khu vực bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang chiều 31-7 - Ảnh: TẤN LỰC

Đẩy mạnh truy vết và xét nghiệm diện rộng
Bà Yến khẳng định việc xét nghiệm COVID-19 đang được tập trung khẩn trương, nhất là các trường hợp có biểu hiện của bệnh và nhóm dân cư nơi có ca dương tính với virus để khoanh vùng dập dịch. "Chúng tôi bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm cho người dân sống trong khu vực bị phong tỏa quanh các bệnh viện. Dự kiến riêng khu vực này có 2.789 người" - bà Yến cho biết.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong sáng qua 31-7, người dân quanh khu vực 3 bệnh viện bị phong tỏa là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng đã được thông báo đi lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Địa điểm lấy mẫu xét nghiệm nằm ở Trường THCS Nguyễn Huệ (trong khu vực phong tỏa).

Theo bà Yến, ngoài việc đẩy mạnh truy vết và lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, tất cả nhân viên ngành y tế tại Đà Nẵng đều được xét nghiệm COVID-19 vì đây là đối tượng có nguy cơ cao. "Chúng tôi có khoảng 8.000 nhân viên, trong đó chỉ tính riêng nhân viên của các cơ sở y tế bị cách ly là hơn 3.000 người. Số này đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm" - bà Yến thông tin.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết hiện nay ngoài việc truy vết lấy mẫu, đơn vị này cũng tăng cường nguồn nhân lực xét nghiệm. Cụ thể hướng tới việc xét nghiệm 3.500 - 4.000 mẫu/ngày, đồng thời sớm công bố kết quả xét nghiệm F1 để giảm áp lực F1. 

"Vừa qua TP cũng bổ sung 100 nhân lực là người trực tiếp đi lấy các mẫu xét nghiệm. Đây là công đoạn khá phức tạp nên có thêm người hỗ trợ, chúng tôi xây dựng kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng phù hợp với từng giai đoạn dịch" - người này nói.

Bà Yến khẳng định Đà Nẵng đã huy động các nguồn hỗ trợ xét nghiệm từ nhiều nơi trong cả nước, nên năng lực xét nghiệm đạt 8.000 - 10.000 mẫu mỗi ngày. Theo bà Yến, vừa qua Bộ Y tế đã có đề nghị mở rộng xét nghiệm tất cả người đến thăm, chăm sóc bệnh nhân hoặc đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 1-7 nên ngành y tế đang liên hệ rà soát xét nghiệm sàng lọc.

Hôm qua 31-7, đoàn khảo sát của ngành y tế Đà Nẵng đến khảo sát Cung thể thao Tiên Sơn, nơi được chọn xây dựng bệnh viện dã chiến - Ảnh: TẤN LỰC

5.500

Đó là số trường hợp được cách ly theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng. Chính xác là đã cách ly 5.594 trường hợp (bao gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên phục vụ, bảo vệ, căngtin) của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng.

Tính từ ngày 25 đến sáng 31-7 đã xác định được 7.056 trường hợp F1, 2.020 F2 liên quan đến các trường hợp nhiễm virus corona ở Đà Nẵng.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét