12 thg 8, 2020

Dự phòng biến động theo nợ xấu ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu đồng loạt tăng tại các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ bao nợ xấu tăng mạnh ở một số ngân hàng như Vietcombank, TPBank, MB... Vietcombank, ACB, BacABank là các đơn vị có nợ xấu thấp nhất hệ thống. Ngân hàng cần cẩn trọng với nợ xấu phát sinh trong tương lai khi thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 01 kết thúc.


Theo thống kê của Người Đồng Hành, nợ xấu của 20/25 ngân hàng khảo sát tăng sau nửa đầu năm 2020. Trong đó, nợ xấu của Kienlongbank tăng 5,5 lần, lên 2.249 tỷ đồng, tập trung tại nợ có khả năng mất vốn hơn 2.145 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,02% lên 6,59%.

Theo giải trình, nợ nhóm 5 có gần 1.900 tỷ đồng các khoản vay của một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB - Sacombank (HoSE: STB) được phân loại theo quyết định của NHNN. Từ đầu năm, Kienlongbank liên tục hạ giá rao bán số cổ phiếu này nhưng chưa thành công.

Nợ xấu tại các ngân hàng 6 tháng đầu năm. Đơn vị: tỷ đồng,%

Tỷ lệ nợ xấu của VietCapital Bank tăng 67 điểm cơ bản lên 2,26%, tương đương gần 807 tỷ đồng. SHB, VietinBank cùng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng 54 điểm cơ bản lên 2,45% và 1,7%. Một số ngân hàng khác có mức tăng dao động 18-37 điểm cơ bản. 

Tại một số bên, nợ nhóm 5 tăng mạnh, đơn cử NamABank cao hơn 180% so với đầu năm, ở mức 741 tỷ đồng. Hay như tại MB, con số này là 174%, với 1.614 tỷ đồng. Với Eximbank và VietCapital Bank, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 51-98%. 

Nợ nhóm 5 tại các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %

5 ngân hàng đi ngược xu hướng gồm SeABank, PGBank, NamABank và Techcombank. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tại Techcombank giảm 42 điểm cơ bản xuống 0,91%, vào top 5 các đơn vị thấp nhất hệ thống. Ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng 34% với 7.948 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng tốc xử lý nợ xấu. Nợ nhóm 5 giảm 1.600 tỷ đồng, còn 903 tỷ đồng. 

VPBank và NamABank cũng giảm tỷ lệ nợ xấu lần lượt 23-32 điểm cơ bản, xuống 1,66% và 3,19%, trong khi PGBank và SeaBank hạ 7-9 điểm cơ bản. 

Sau 6 tháng, danh sách ngân hàng dẫn đầu về chất lượng nợ nội bảng không nhiều biến động, SCB và ACB duy trì tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,67-0,68%, trong khi Vietcombank và BacABank giữ ở 0,8-0,84%. 

Tỷ lệ bao nợ xấu biến động

Cùng với diễn biến nợ xấu tăng, dự phòng cho vay khách hàng của một số nhà băng cũng nâng theo. Tới cuối tháng 6, dự phòng cho vay tại Vietcombank cao hơn 57% so với đầu năm, ở mức 16.371 tỷ đồng. Tỷ lệ bao nợ xấu cũng tăng từ 179% lên 254%, đứng đầu hệ thống. Một số ngân hàng khác như TPBank, Techcombank, NamABank, MB... bao nợ xấu cũng tăng 10-15 điểm phần trăm.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ bao nợ xấu giảm mạnh tại Kienlongbank, hạ từ 86,6% xuống 16,7%. Chỉ tiêu này của VietinBank, SCB và ACB cũng giảm 31-39 điểm phần trăm. 

Dù tỷ lệ bao nợ xấu giảm, ACB, SCB vẫn trong nhóm phòng vệ cao nhất hệ thống lần lượt ở mức 144% và 140%. Một số ngân hàng khác cũng trong top đầu về chỉ tiêu này có BacABank, MB quanh 121%. Ở nhóm dưới như TPBank, MB, Techcombank tỷ lệ này duy trì trên 100%. Hai ngân hàng quốc doanh BIDV và VietinBank giữ ở 80-81%. 

Dự phòng và bao nợ xấu tại các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01 quy định, hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.  Do đó, một phần dư nợ có thể chuyển thành nợ xấu được cơ cấu lại, sẽ vẫn hạch toán là nợ đủ tiêu chuẩn nên không phải trích dự phòng.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 01 giúp một số doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu, để tiếp tục vay tiền các nhà băng. Tuy nhiên, điều này cũng đẩy rủi ro về phía ngân hàng. Ông Hiếu cho rằng nợ xấu phát sinh thực chất vẫn tồn tại, Thông tư 01 khiến một phần nợ xấu không thể hiện trên báo cáo tài chính. Các ngân hàng nên thận trọng và có dự phòng cần thiết cho những khoản nợ xấu bị cơ cấu lại.  

Nguồn NDH - Link Tại Đây




0 comments:

Đăng nhận xét