10 thg 8, 2020

ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Cuối tháng 8 cạn tiền, trình phương án vay 4.000 tỷ và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ

Tổng giám đốc Dương Trí Thành cho biết mô hình dự báo tình hình ngành hàng không sẽ là hình chữ L kéo dài. Làn sóng Covid thứ 2 không phải dập tắt, nhưng bẻ gãy đà phục hồi. Chính phủ yêu cầu VNA hoàn tất thủ tục để trình các cấp cao hơn, cụ thể cho vay 4.000 tỷ và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ.

Sáng nay, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) chính thức diễn ra với các cổ đông tham dự đại hội nắm giữ tỷ lệ có quyền biểu quyết tương ứng 95,04% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, các cổ đông trước khi check in phải đi qua buồng khử khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào đại hội, các ghế được giãn cách nửa mét và đa số các cổ đông tham dự đều đeo khẩu trang.

Cổ đông tham dự đại hội đồng cổ đông VNA đều đeo khẩu trang, các ghế đặt giãn cách để đảm bảo an toàn phòng dịch

Kế hoạch kinh doanh 2020: Lỗ 15.177 tỷ đồng

Năm 2019, thị trường hàng không quốc tế đạt 34,9 triệu lượt khách, tăng 14,5% năm 2018, tăng trưởng phân khúc giá rẻ lên tới 23,4%, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan tăng trưởng nhưng tình trạng thừa tải rõ nét. Thị trường thuê chuyến tăng 22% nhưng chủ yếu tăng trưởng ở phân khúc LCC với 40%.

Tại thị trường nội địa, Bamboo Airways gia nhập ngành và tăng quy mô đội tàu bay lên tới trên 20 chiếc. Bên cạnh đó, Vietjet với mục tiêu giữ slot, giành thị phần đã liên tục tăng tải và triển khai giảm giá mạnh. Số ghế cung ứng năm 2019 tăng 18%, các tháng cuối năm tăng 30% khiến thị trường rơi vào tình trạng thừa tải nghiêm trọng.

Trong khi đó, sản lượng khách nội địa tăng 13,5%, thấp hơn 4% so với tăng trưởng tải. Điều này dẫn tới giá vé trung bình giảm 7%. Lượng khách tăng thêm đa phần ở phân khúc giá rẻ, chuyển từ đường sắt và đường bộ sang.

Năm 2020, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm gần 60% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 2.517,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, hãng hàng không quốc gia đạt 24.808 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% và hoàn thành 61% kế hoạch năm, lỗ sau thuế 6.642 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh dựa trên ước tính Tổng công ty sẽ tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Australia hết năm 2020. Năm 2020, số lượng khách vận chuyển dự kiến 14,5 triệu khách, giảm 36,8% và số lượng khách luân chuyển là 16,2 tỷ khách/km, giảm 57%. Số lượng hàng hóa là 204.800 tấn.

Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh kiến nghị ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch 2020 phù hợp tình hình thị trường. "Diễn biến thị trường hiện nay vô cùng phức tạp và biến động theo tuần", ông Minh trình bày.

Để giảm bớt gánh nặng vốn lưu động, phần lợi nhuận của năm 2019 Vietnam Airlines không trích quỹ đầu tư phát triển, không chi trả cổ tức để đảm bảo dòng tiền và cân đối tình hình kinh doanh.

Mô hình hồi phục hình chữ L kéo dài

Chia sẻ tại đại hội, Tổng giám đốc Dương Trí Thành cho biết mô hình dự báo tình hình ngành hàng không sẽ là hình chữ L kéo dài, khiến thị trường hành khách quốc tế phục hồi chậm hơn. Các hãng hàng không tại thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á dự kiến mở cửa thị trường nhưng hiện nay làn sóng Covid thứ 2 khiến chưa hãng nào bay được. Dự kiến 7 tháng cuối năm thị trường quốc tế giảm 83%. Con số này bao gồm các chuyến bay hồi hương và chuyên gia, còn thị trường hàng không Việt Nam từ cuối tháng 3 hiện nay vẫn đang đóng cửa.

Thị trường hàng không nội địa, theo đánh giá của CEO Vietnam Airlines đã phục hồi rất nhanh, phục hồi hình chữ V, khi nhu cầu du lịch trong nước tăng cao để bù cho suy giảm du lịch quốc tế. Trong tháng 6 và 7 đã mở thêm 18 đường bay mới, sử dụng tải và lực lượng phi công tiếp viên dư thừa do đóng đường bay quốc tế, tuần tháng 3 tháng 7 đã bay 500 chuyến nội địa, vượt 40% cùng kỳ 2019. Nhưng do cung ứng tải nội địa tăng mạnh làm cho giá vé giảm rất lớn. thời điểm này 5 tháng cuối năm, tổng thị trường nội địa sẽ chỉ còn 70% so với cùng kỳ 2019. Theo ông Thành, nhưng những ngày này, mỗi ngày Vietnam Airlines bay 109 chuyến, ngày hôm qua là 102 chuyến, thị trường lại sụt giảm xuống thời điểm tháng 5/2020.

Giá vé bình quân trên thị trường nội địa giảm 30% cùng kỳ 2019, giá nguyên liệu thấp tạo dư địa cho các hãng hàng không bù đắp chi phí biến đổi.

9h30, đại hội bước vào phần thảo luận.

Làn sóng thứ 2 không phải dập tắt, nhưng bẻ gãy đà phục hồi

CEO Dương Trí Thành: Năm nay là đại hội rất đặc biệt, trong tất cả các câu hỏi đều thấy Covid. Covid sẽ được ghi vào lịch sử phát triển của nhân loại. Đây là một trái đất kết nối, cự li không gian và thời gian rất ngắn bởi vì hàng không. Mạng xã hội làm cho sự sợ hãi lo âu lan toả. Chính phủ của các quốc gia hành động giống nhau là cách ly xã hội và hạn chế đi lại, đó là sự tự vệ. Ngành hàng không vì vậy là ngành đầu tiên bị tác động. Sau 12h đêm ngày 31/3, bầu trời Việt Nam mỗi ngày có 3 chuyến bay, lịch sử Việt Nam chưa bao giờ xảy ra như thế. Sự dừng lại của ngành hàng không một phần để ngăn chặn sự lan của dịch bệnh, do đó hậu quả của nó về mọi mặt được Chính phủ coi là nhiệm vụ của Chính phủ.

Ảnh hưởng của toàn cầu, IATA có 20 cập nhật báo cáo, mỗi tuần cập nhật một lần và đều xấu đi. VNA có 15 báo cáo lên các cơ quan nhà nước về phòng chống dịch bệnh trong đó có nhiều báo cáo về tình hình SXKD, chúng tôi đánh giá toàn cầu bị ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, khu vực ngay trước dịch bệnh đã tiềm ẩn khó khăn từ các hãng hàng không giá rẻ trong môi trường hạ tầng yếu về sân bay và các mặt.

Trước dịch bệnh, VNA đạt được nhiều thành tựu, lợi nhuận các năm tăng cao, đẩy mạnh công nghiệp hóa 4.0, chúng tôi đánh giá đến hết tháng 1/2020 chưa bao giờ vững mạnh và lớn như vậy. Thị phần tổng của VNA Group bao gồm cả Jetstar và Vasco (từ 1/8 Jetstar đã tái cơ cấu thành Pacific Airlines và phía Úc đã rút toàn bộ vốn và chuyển giao vốn cho VNA) đặt mục tiêu chiếm lĩnh trên 50% thị phần nội địa. Covid xảy ra, thực tế hãng nào càng lớn, chi phí cố định nhiều thì con số tổn hại sẽ lớn hơn. Vấn đề vượt qua khủng hoảng phụ thuộc vào tiềm năng thực tại, VNA đánh giá so với khu vực có nhiều ưu điểm, thị trường nội địa rất tiềm năng. Giai đoạn từ tháng 5-28/7 thị trường của chúng ta phục hồi 90%, duy nhất trên toàn cầu (quốc tế đánh giá là shining – tỏa sáng), Trung Quốc chỉ phục hồi 60%, Nhật Bản phục hồi 70%. Phục hồi như thế nào phụ thuộc vào vaccine và khả năng phòng dịch của từng Chính phủ các nước. Với VNA quán triệt chủ trương chuẩn bị tình huống xấu nhất, nhưng phải sẵn sàng để phục hồi, chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng mọi nguồn lực để vượt qua.

Trong báo cáo tháng 5, VNA xác định thị trường nội địa đến quý 4/2020 phục hồi nhưng tháng 7 đã đạt được rồi, làn sóng thứ 2 không phải dập tắt, nhưng bẻ gãy đà phục hồi. Tháng 4 cứ 3 chuyến thì có 2 chuyến đi Đà Nẵng, nhưng nay không có chuyến nào bay đi Đà Nẵng. "Khôn lường, khó tả, bất định" là hiện hữu.

Các giải pháp vượt bão

Trên thị trường quốc tế, IATA dự kiến đến tháng 7/2024 mới phục hồi, tức là kéo dài thêm 1 năm so với trước, VNA dự báo thị trường quốc tế sang đầu năm 2022 có khả năng phục hồi được nhưng thời điểm này rất thận trọng và đẩy lùi ra xa hơn.

Các kịch bản được đưa ra, bao gồm tái cơ cấu đội tàu bay. VNA đang thừa năng lực – ngày hôm nay thừa 72%, phi công tiếp viên kỹ thuật bị dư thừa và điều này tiếp tục kéo dài. Toàn cầu đều phải tái cấu trúc đội tàu bay, chúng tôi đã triển khai và đang thực hiện. Những máy bay có đơn hàng thuê hay mua, mình đàm phán giãn hoãn và cố gắng cái nào không cần thiết thì huỷ. Đan xen là đội máy bay sở hữu, chưa có Covid đã có kế hoạch bán để hiện đại hoá, chuyển dòng tiền đã có khấu hao nhanh về hiện tại, nhưng lần này dịch bệnh xảy ra mình bán đi, các tài sản khác phải tái cấu trúc lại.

Chính phủ thoái vốn tại VNA từ 86% xuống 51%, các công ty con có kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn thu nguồn tiền.

Đổi mới công nghệ, làm sao có sản phẩm an toàn chất lượng, cạnh tranh hiệu quả.

Tinh gọn bộ máy, tổ chức lại hệ thống để phù hợp với điều kiện mới về quy mô, đảm bảo mục tiêu sản xuất kinh doanh.

Việc nâng cao năng lực quản trị, cổ đông chiến lược ANA đã chuyển giao nhiều công nghệ, mô hình quản trị tổng công ty nhà nước đang được chuyển sang thành mô hình hiện đại của công công ty đại chúng, mô hình các khối thay cho các ban giàn trải để khắc phục khó khăn cố hữu của công ty Nhà nước.

Trong những thay đổi ấy, VNA kiên định với mục tiêu là hãng hàng không quốc gia dẫn đầu thị trường. Nhìn về tương lai sẵn sàng cho việc phục hồi. Việc khôi phục thị trường nội địa là điển hình, trong 3 tháng mở 18 đường bay mới, chưa bao giờ xảy ra. HĐQT ra quyết định ngay, có những đường bay chỉ bay mùa hè thôi đến tháng 9 các cháu đi học sẽ dừng.

Cách đây muốn mở đường bay phải báo cáo trước 6 tháng, từ ngày Covid tới giờ, mỗi ngày lãnh đạo Tổng công ty điều hành trực tuyến 2 lần một ngày, nhưng tháng 3 họp 7,8 lần/ngày, 12h đêm vẫn họp, đúng là chiến tranh.

Liên qua đến vận tải hàng hoá, tăng gấp rưỡi trong tháng 4,5 so với năm trước. Đội máy bay thân rộng bay đi Châu Âu 1 ngày 3-4 chuyến chỉ chở khẩu trang và thiết bị y tế, giờ hết rồi vì nhu cầu ổn định và không mang tính khẩn cấp. Hàng hoá giờ đi đường biển hết. Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Vietnam Airlines thời gian qua tháo ghế máy bay A321 để chở hàng, kiên định với nguồn lực hiện có, thích ứng với thị trường. Làm gì thì làm khai thác nguồn lực, đảm bảo công ăn việc làm, phi công, tiếp viên phải đảm bảo có đủ giờ bay để giữ nghề của mình. Chủ đề máy bay chở hàng hoá nằm trong chiến lược và là điểm chưa triển khai hẳn nhưng thời gian qua cũng đã làm rồi.

Thời gian tới, VNA có điểm mạnh cùng các hãng hàng không thành viên có thị trường ngách và phối hợp với nhau tạo ra sản phẩm có giá thành rất thấp. Dây chuyền đồng bộ, hãng hàng không quốc gia 60 năm hình thành phát triển có chuỗi đồng bộ bao gồm sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất, công ty xăng dầu, các công ty suất ăn, 3 công ty phục vụ hàng hoá, 3 sân bay căn cứ…đây là nơi cung cấp chuyên gia kỹ sư và phi công cho cả ngành.

Việc tăng vốn cho VNA đang được triển khai gấp rút và sắp có quyết định cuối cùng

Ông Thành tiết lộ, việc tăng vốn cho VNA đang được triển khai gấp rút và sắp có quyết định cuối cùng, "chủ sở hữu sẽ có biện pháp tăng vốn cho vay để VNA phát triển".

Khó khăn chưa bao giờ lớn như vậy, VNA xác định bây giờ phải cập nhật tình hình hàng ngày và ngày mai như thế nào phải chờ 18h về các ca nhiễm và quyết định của Chính quyền địa phương, các chuyến bay giải cứu tại Hoa Kỳ hay Canada phải chờ quyết định của chính quyền nước sở tại…Vấn đề chúng ta phải hành động ra sao. Với quan hệ đối tác với ANA, quy mô của họ về con số tài chính khó khăn gấp 10-20 lần VNA, nhưng vẫn đang đồng hành và họ đã vay được 10 tỷ USD.

Chủ tịch Phạm Ngọc Minh: Với tình hình như thế này, các nước tung ra gói giải cứu cho các hãng hàng không, cho đến thời điểm này những báo cáo chi tiết của VNA lên các cấp có thẩm quyền được phản ánh tích cực, Chính phủ yêu cầu VNA hoàn tất thủ tục để trình các cấp cao hơn, cụ thể cho vay 4.000 tỷ và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ. Tương lai ngành hàng không vô cùng bất định, chúng tôi luôn ở tình thế chủ động, cập nhật tình hình để xây phương án ít xấu nhất để ứng xử và cho các giải pháp phục hồi. Chúng tôi chủ động mở rộng và phát triển thị trường đường bay nội địa, có thời điểm thị phần đạt trên 55%.

Cuối tháng 8 cạn tiền

Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền: Cuối năm 2019 VNA lượng tiền dự trữ trên tài khoảng đạt 4.000 tỷ, VNA làm gì trong bối cảnh khi dòng tiền bị suy giảm để ứng phó với các khoản nợ vay. Chúng tôi tranh thủ hạn mức tín dụng ngắn hạn, cuối tháng 6 tăng hơn 4.000 tỷ, vay dài hạn từ 5.000 tỷ lên 9.000 tỷ để duy trì hoạt động. Giãn hoãn tiến độ thanh toán các khoản vay trung dài hạn, dự kiến nửa cuối 2020 và 2021 khoảng 2.400 tỷ, các NHTM trong nước dự kiến giãn 775 tỷ.

Dư nợ vay sẽ tăng, tỷ lệ nợ vay trên VCSH cuối năm 2019 là 1,6 lần, đến 30/6 tỷ lệ này tăng lên 2,4 lần và dự kiến cuối năm nay "lên đến 12 đến 14 lần", con số này "bình thường" so với con số lỗ dự kiến cuối năm nay. Dư nợ vay đầu năm 30.000 tỷ và VCSH cuối năm còn khoảng 4.000 tỷ.

Trong báo cáo phân phối lợi nhuận, để lại nguồn lợi nhuận chưa phân phối để giữ lại cho các năm sau, lợi nhuận các năm sau phải giữ lại để bù lỗ luỹ kế phát sinh năm nay và có thể phát sinh trong năm sau nếu dịch bệnh kéo dài.

Trước đây chúng tôi đã dự báo nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì tháng 8 VNA đã cạn tiền, tôi cho rằng cuối tháng 8 là cạn tiền nhưng duy trì quản trị dòng tiền được vì tháng 6,7 thị trường nội địa phục hồi, riêng tháng 6,7 tích cực hơn chúng tôi dự kiến, đẩy lùi khả năng đảm bảo dòng tiền hơn một chút. Chúng tôi dự báo dòng tiền xấu đi hơn dự báo trước đó.

Vietnam Airlines đảm bảo công khai tài chính và minh bạch trong cung cấp thông tin.

Đại hội thông qua 100% tờ trình.

Nguồn Tri Thức Trẻ




0 comments:

Đăng nhận xét