17 thg 8, 2020

Chứng khoán Mỹ khiến nhà đầu tư F0 của Trung Quốc thức giấc giữa đêm

Ngày càng nhiều nhà đầu tư “chân ướt chân ráo” tại Trung Quốc đang đưa ra những quyết định lớn nhất trong cuộc đời vào giữa đêm khuya.


Đó là vào lúc 4h sáng, ông Li Bohao (23 tuổi) – một cư dân Bắc Kinh – bỗng nhận được một cuộc gọi từ một người bạn có vẻ đang trong tình trạng hoảng loạn. Người bạn đó nói với ông hãy bán toàn bộ cổ phiếu Nio, một công ty xe điện Trung Quốc niêm yết ở Mỹ và được mệnh danh là “Tesla của Trung Quốc”. Cổ phiếu này đang trên đà trượt dốc và các chuyên viên phân tích dự báo Nio sẽ sớm trở nên vô giá trị.

Ông Li nghe theo lời khuyên ấy và rồi bỏ lỡ đà tăng sau đó trong cay đắng. Cổ phiếu Nio hiện có giá cao gấp 4 lần so với thời điểm ông bán trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, doanh nhân chuyên về đồ họa truyện tranh không hề nuối tiếc.

“Tôi không nhìn vào giá của những cổ phiếu đã bán”, ông Li nói. “Tôi đã rút ra bài học là không bao giờ nghi ngờ những quyết định của bản thân”.

Việc trader F0 của Mỹ tìm tới ứng dụng giao dịch Robinhood Markets liên tục thu hút sự chú ý trong khoảng thời gian gần đây, nhưng họ không phải những trader mới duy nhất rót tiền vào những cổ phiếu Mỹ. Ông Li là một trong đoàn quân trader nhỏ lẻ Trung Quốc vượt ra khỏi cơn sốt trên thị trường chứng khoán nước nhà và nhìn ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội.

Giá trị giao dịch chứng khoán Mỹ trên ứng dụng Futu Holdings – nền tảng giao dịch trực tuyến cổ phiếu nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc – cao hơn gấp 3 lần trong 3 tháng đầu năm 2020 sau khi gần như đi ngang trong cả năm 2019, theo ước tính của Citigroup. Giá trị giao dịch lại tăng vọt trong quý 2/2020 lên 55.4 tỷ USD.

Việc có ít hạn chế hơn – như khả năng bán khống và các giới hạn lỏng lẻo về mức độ biến động giá – đã giúp cổ phiếu trên sàn New York trở nên hấp dẫn ngay cả khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đang tăng nóng. Chỉ số Shanghai Composite đã leo dốc 10% trong năm nay, cao hơn mức tăng 4% của S&P 500. Những biện pháp giới hạn vốn của Trung Quốc cũng không thể ngăn cản các trader tay ngang chuyển tiền ra nước ngoài để đánh chứng. Được biết, mỗi cá nhân chỉ được phép mang 50,000 USD ra khỏi Trung Quốc mỗi năm. Futu không đổi Nhân dân tệ cho khách hàng, điều này có nghĩa họ cần phải có vốn bằng ngoại tệ.

Một điểm thu hút của Mỹ là nhận thức của nhà đầu tư. Tại Trung Quốc, nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm phần lớn hoạt động giao dịch chứng khoán trong nước. Nhóm nhà đầu tư này dễ bị tác động về tâm lý và do đó giá cổ phiếu có thể biến động cực mạnh.

“Ở thị trường cổ phiếu Trung Quốc loại A, nhà đầu tư thường mua đuổi”, Daphne Poon, Chuyên viên phân tích tại Citigroup, cho hay. “Tại thị trường Hồng Kông và Mỹ, phần đóng góp của nhà đầu tư tổ chức lớn hơn, vì vậy thị trường thường bị chi phối bởi giá trị hoặc các yếu tố cơ bản nhiều hơn”.

Điều này đã lôi kéo David Zhou (20) bắt đầu giao dịch ở chứng khoán Mỹ khi đang học đại học ở New York.

“Tôi nghĩ thị trường Mỹ ổn định hơn, vì nhà đầu tư hành động hợp lý hơn và có lịch sử dài hơn để bạn xem xét đến diễn biến quá khứ”, Zhou cho biết. “Với chứng khoán Trung Quốc, có quá nhiều cú trồi lên sụt xuống chóng vánh và định giá phi lý”.

Mặc dù khả năng sở hữu cổ phiếu của các thương hiệu toàn cầu như Apple và Tesla là một điểm lôi cuốn nhà đầu tư vào chứng khoán Mỹ, nhưng khả năng đầu tư vào những gì bạn biết cũng hấp dẫn không kém. Hơn 400 công ty từ Trung Quốc hiện đang niêm yết trên sàn giao gịch chứng khoán Mỹ và một số thương hiệu phổ biến nhất của Trung Quốc – bao gồm nền tảng thương mại điện tử Pindoudou và trang web chia sẻ video Bilibili – chỉ niêm yết thông qua chứng chỉ lưu ký Mỹ (ADR), từ đó mang lại cho nhà đầu tư Trung Quốc thêm động lực để phiêu lưu ra nước ngoài.

Zhou khởi đầu với những công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, bao gồm trang web chia sẻ video Bilibili – YouTube phiên bản Trung Quốc. Nhiều người bạn Trung Quốc của ông là người dùng trung thành của nền tảng này – vốn có lọc video theo độ dài và chất lượng – khi hầu hết người Mỹ chẳng hề nghe tới Bilibili. Ông bán ra trong tháng 6/2020 khi cổ phiếu đã cao hơn gấp đôi trong vòng 3 tháng.

“Một rào cản lớn ngăn tôi xem xét tới các công ty Mỹ là tôi chưa thực sự dùng sản phẩm đó, vì vậy mọi thứ chỉ kiểu như vô hình đối với tôi”, ông nói. “Trong khi với các công ty Trung Quốc, những sản phẩm của họ tôi dùng hàng ngày”.

Gần đây, một trong những rào cản lớn nhất với tăng trưởng là căng thẳng địa chính trị - vốn đe dọa tới các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Trong tháng 5/2020, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể buộc các công ty Trung Quốc hủy niêm yết tại Mỹ. Xuất hiện các dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc bắt đầu tìm tới nơi khác để huy động vốn, như Tập đoàn Ant Group của Jack Ma né tránh thị trường Mỹ, đồng thời niêm yết kép tại Hồng Kông và Thượng Hải.

“Trong quá khứ, rất nhiều công ty chất lượng cao mà nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc yêu thích được niêm yết tại Mỹ”, Kelvin Chu, Chuyên viên phân tích bảo hiểm tại Trung Quốc đại lục ở UBS Group AG, cho hay. “Điều đó có thể thay đổi trong trung hạn”.

Khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc niêm yết lần 2 ở Hồng Kông, ông Chu cho rằng dòng tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ theo chân các công ty này tới Hồng Kông. Tuy nhiên, ông không cho rằng nhà đầu tư Trung Quốc sẽ thôi mong muốn đầu tư ở nước ngoài. Khi tầng lớp trung lưu Trung Quốc tăng trưởng, lượng nhà đầu tư muốn đa dạng hóa ra nước ngoài được dự báo tăng gấp đôi lên 66.3 triệu người vào năm 2023, theo ước tính của CapitalWatch.

“Dòng chảy đầu tư vẫn tiếp diễn”, ông Chu nói. “Cho dù nó có chảy vào Mỹ hay một số khu vực khác trên thế giới”.

Nguồn Vietstock

0 comments:

Đăng nhận xét