22 thg 6, 2020

Vụ Phó Bí thư huyện bị “hack” facebook: Thêm nhiều nạn nhân bị lừa số tiền lớn

Bằng thủ đoạn “hack” nhiều tài khoản facebook rồi sau đó nhắn tin vào Messenger của các chủ tài khoản facebook hỏi mượn tiền, nên nhiều người đã tin tưởng và sau đó chuyển tiền nhiều lần với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.
Chỉ trong một thời gian ngắn các đối tượng đã “hack” nhiều tài khoản facebook rồi nhắn tin mượn tiền nên nhiều nạn nhân bị lừa đảo số tiền lớn. Ảnh minh họa.  

Liên quan đến vụ ông B.N.S (Phó bí thư huyện Ủy thuộc tỉnh Đắk Nông) bị “hack” tài khoản facebook, khiến nhiều người thân quen mất số tiền lớn vì đã tin tưởng nên chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Ngày 19/6 nguồn tin của Báo Bảo vệ pháp luật cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông vừa khởi tố bổ sung quyết định khởi tố vụ án về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" và khởi tố bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Đỗ Văn Giải (SN 2002) và Đoàn Quang Duy Tú (SN 1992, cùng trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Các quyết định tố tụng trên đã được VKSND tỉnh Đắk Nông phê chuẩn.

Trước đó VKSND tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Quang Duy Tú và Đỗ Văn Giải để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng tháng 4/2019, Giải gặp và quen biết với một người tên B. (chưa rõ lai lịch) tại tiệm internet ở tỉnh Quảng Trị. Quá trình quen biết, B. nhờ Giải tìm giúp tài khoản ngân hàng để nhận tiền có được do lừa đảo chiếm đoạt được của người khác qua facebook, Giải sẽ được hưởng 35%.

Đến khoảng tháng 8/2019, Giải gặp và nói với Đoàn Quang Duy Tú tìm tài khoản ngân hàng để chuyển tiền lừa đảo từ facebook và rút tiền mặt đưa cho Giải thì Tú được chia 20%.

Khoảng tháng 10/2019, Tú tìm mua được của một người trên mạng internet nhiều tài khoản ngân hàng và giao cho Giải gồm các tài khoản: số 2171000… (do T.Q.Đ làm chủ tài khoản), 1903501… (do L.B.T.Đ làm chủ tài khoản), 19035014… (do T.Đ.V làm chủ tài khoản), 1903417…, 19034174…, 190341740… (do N.T.V.A làm chủ tài khoản), 020083… (do N.V.A làm chủ tài khoản), 0200832… (do L.T.H làm chủ tài khản), 0200844… (do N.C.L làm chủ tài khoản).

Sau khi nhận các tài khoản từ Tú, Giải giao lại cho B. sử dụng. Mỗi lần có tiền chuyển vào các tài khoản nêu trên, Giải đều báo cho Tú để kiểm tra. Sau đó, Tú chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác nhau nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng và rút tiền mặt đưa cho Giải. Nhận được tiền, Giải đưa lại cho B.

Để thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã “hack” facebook của nhiều người, trong đó có facebook của ông B.N.S (Phó bí thư huyện Ủy thuộc tỉnh Đắk Nông). Sau khi “hack” được các tài khoản facebook, các đối tượng nhắn tin hỏi mượn tiền của những người thân quen của các chủ tài khoản facebook này, rồi chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng mà các đối tượng cung cấp. Chỉ trong một thời gian ngắn các đối tượng đã lừa đảo được 7 nạn nhân (ở nhiều tỉnh thành) và đã chiếm đoạt tổng cộng gần 200 triệu đồng.

Ngoài ra, trong tháng 2/2020 các đối tượng còn liên lạc qua điện thoại tự xưng là nhân viên của dịch vụ chuyển tiền western union và hướng dẫn cung cấp tài khoản internet banking của ngân hàng, đăng nhập theo đường link:....để chiếm đoạt của 6,2 triệu đồng của bà H.P.N.S (SN 1989) và 3,7 triệu đồng của bà P.P.C (SN 1989, cùng trú tại TP HCM).

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin trước đó, vào ngày 30/10/2019, Giải và đồng bọn đã dùng thủ đoạn “hack” tài khoản facebook của ông B.N.S (là Phó bí thư huyện Ủy thuộc tỉnh Đắk Nông). Sau đó, các đối tượng nhắn tin với nội dung nhờ bà H. (trú tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) là vợ của ông S. chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng số 1903501.......do Giải cung cấp (tài khoản ngân hàng này là do Tú đặt mua trên mạng).

Cùng ngày, bà T.T.P và bà L.T.X (cùng trú tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cũng nhận được tin nhắn từ facebook của ông S. đề nghị bà P. cho mượn 25 triệu đồng và bà X. cũng được đề nghị cho mượn 25 triệu đồng. Sau đó, cả bà P. và bà X. đã chuyển số tiền 50 triệu đồng vào tài khoản nói trên cho các đối tượng.

Đến chiều cùng ngày, 3 người phụ nữ nói trên đã liên lạc với ông S. thì được biết ông S. không sử dụng tài khoản facebook để nhờ những người này chuyển tiền vào tài khoản số 1903501.......của các đối tượng đã cung cấp trên. Trước sự việc này, nạn nhân đã làm đơn trình báo đến Cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông.

Với thủ đoạn tương tự, ngày 17/2/2020 đối tượng Giải đã đăng nhập và “hack” một tài khoản facebook của một người tên “L.N” (chưa rõ nhân thân lai lịch) để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng, khi Giải và Tú chưa kịp rút số tiền trên thì bị cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện bắt giữ./.

Nguồn Báo Bảo Vệ Pháp Luật.

0 comments:

Đăng nhận xét