3 thg 6, 2020

Vì sao phải tăng vốn điều lệ cho Agribank?

Nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ khó đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Các chỉ tiêu tăng trưởng ngân hàng này bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động toàn ngành.

Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) khi trao đổi với báo chí về vấn đề tăng vốn điều lệ của ngân hàng này.

Tỷ lệ an toàn vốn tại ngày 31/03/2020 chỉ đạt 6.9%
Agribank là NHTM do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

Về hoạt động tín dụng, Agribank tiếp tục tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn với tỷtrọng duy trì khoảng 70% trên tổng dư nợ. 

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm. Theo chuẩn mực vốn Basel II (được hướng dẫn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016), tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7.3%; thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6.9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).

Để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II, mức vốn tự có thiếu hụt của Agribank giai đoạn 2019-2021 là rất lớn. Do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên Agribank hiện đang được NHNN cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019.

Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN chỉ đạt 9.2%, đã sát ngưỡng tối thiểu quy định (9%). Tuy nhiên, để đáp ứng quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, mặc dù đã áp dụng tất cả các giải pháp tăng vốn từ lợi nhuận hàng năm, phát hành trái phiếu… Agribank vẫn cần được Nhà nước cấp bổ sung 3,500 tỷ đồng ngay trong năm 2020.

Do đó, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phượng, nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Trường hợp không được cấp đủ 3,500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay xuống còn 4.5-5%, tương đương giảm 60,000 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn khách hàng không có cơ hội tiếp cận vốn, trong khi đó chỉ riêng hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Agribank đã cần phải tăng trưởng tín dụng ở mức 9% (tương đương 100 nghìn tỷ đồng), chưa kể cho vay khác phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Nếu tăng đủ vốn, doanh thu Agribank có thể tăng thêm từ 4,500 - 5,000 tỷ đồng
Mới đây, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4/2020, Chính phủ đã thống nhất về phương án trình Quốc hội xem xét thông qua việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho Agribank. Mức tăng vốn điều lệ tương ứng với lợi nhuận năm 2020 Agribank nộp ngân sách nhà nước (tối đa 3,500 tỷ đồng). Khoản này không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Agribank triển khai tái cơ cấu, năm 2017- 2019 đạt lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2019 nộp NSNN 6,300 tỷ đồng (nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2,670 tỷ đồng; lợi nhuận còn lại nộp NSNN 3,630 tỷ đồng).

Năm 2020, Agribank phấn đấu đạt lợi nhuận trên 11,000 tỷ đồng, lợi nhuận nộp ngân sách tối thiểu đạt 3,500 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp).

Với việc được tăng thêm vốn điều lệ, năm 2021 và các năm tiếp theo, Agribank có điều kiện phát hành bổ sung trái phiếu tăng vốn (50% vốn cấp 1 tăng thêm), tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay tương ứng, doanh thu tăng thêm từ 4,500 tỷ đồng đến 5,000 tỷ đồng. Theo đó, Agribank sẽ tăng nộp ngân sách nhà nước tương ứng 900-1,000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại khoảng 1,000-1,200 tỷ đồng.

Mặt khác, tạo điều kiện để Agribank hoàn thành các mục tiêu theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và gia tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa.

Thực tế đã cho thấy, việc đầu tư vào ngân hàng quốc doanh đều đặn sinh lời, hàng năm góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế, cổ tức cho ngân sách. Với Agribank, các chỉ số sinh lời những năm gần đây tăng đều qua các năm. ROE tăng từ 5.91% năm 2014 lên 17.6% năm 2019; ROA tăng từ 0.35% năm 2014 lên 0.81% năm 2019.

Nguồn Vietstock

0 comments:

Đăng nhận xét