28 thg 5, 2020

Mỹ bắt đầu tấn công Trung Quốc về tài chính?

Sau khi khơi mào cuộc chiến thương mại cách đây đúng hai năm, tiếp đó là cuộc chiến công nghệ khi đưa hàng loạt công ty công nghệ lớn của Trung Quốc vào danh sách hạn chế giao dịch với các thực thể Mỹ và phương Tây, có vẻ như tài chính đang trở thành "chiến trường" kế tiếp của Tổng thống Trump.

Thắt chặt dòng vốn vào Trung Quốc
Truyền thông quốc tế vào những ngày giữa tháng 5 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Quỹ Hưu trí Liên bang rút 4 tỷ USD ra khỏi chứng khoán Trung Quốc. Cụ thể, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow trong lá thư gửi Bộ trưởng Lao động Mỹ Eugene Scalia và Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Tiết kiệm Hưu trí Liên bang Michael Kennedy cho biết, Nhà Trắng không muốn Quỹ Kế hoạch Tiết kiệm - các quỹ hưu trí cho nhân viên liên bang, đầu tư tiền vào cổ phiếu Trung Quốc.

Theo giới phân tích, động thái này xuất phát từ cách xử lý dịch Covid-19 của Trung Quốc khiến nhiều nước phương Tây mắc sai lầm trong cuộc chiến chống đại dịch, như những gì Tổng thống Trump đã liên tiếp chỉ trích gần đây. Tuy nhiên, dường như đây là chính sách đã được chuẩn bị sẵn như là đòn tấn công mới vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Còn nhớ, cuối tháng 9/2019, thị trường tài chính toàn cầu đã rúng động trước thông tin chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ hạn chế dòng tiền đầu tư vào Trung Quốc.

Cụ thể, ngoài chính sách ngăn chặn các quỹ hưu trí của Chính phủ Mỹ rót vốn vào thị trường Trung Quốc được hé lộ vào thời điểm cách đây 8 tháng, nguồn tin còn cho biết những đề xuất mà Nhà Trắng đang cân nhắc, gồm việc hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ và hạn chế mức độ phủ sóng của các công ty Mỹ tại thị trường Trung Quốc. Các quan chức của Chính phủ Mỹ cũng đang xem xét việc làm thế nào để Mỹ có thể đặt giới hạn đối với các công ty Trung Quốc, bao gồm các chỉ số chứng khoán do các công ty Mỹ quản lý.

Dù vẫn chưa rõ cơ chế giám sát và chặn đứng dòng vốn theo các đề xuất này nếu được thực thi sẽ ra sao, cũng như liệu ông Trump có quyền ban hành một chính sách như thế hay không, nhưng giới phân tích cho rằng, việc Mỹ "đóng băng" tài sản của Nhật Bản và cấm vận dầu mỏ đến Nhật Bản vào những năm 1930 và 1940 chính là một ví dụ về việc đạo luật quyền hạn khẩn cấp có thể được Tổng thống Mỹ sử dụng.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã duy trì xu hướng rút ròng ra khỏi Trung Quốc trong nhiều năm qua, gần đây mới có dấu hiệu tăng trở lại sau khi chứng kiến nước này chống được dịch Covid-19. Nhưng với chính sách đe dọa ngăn chặn các quỹ hưu trí của Chính phủ Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc, có thể sẽ một lần nữa khiến dòng vốn đảo ngược và rút khỏi Trung Quốc.

Theo đó, Tổng thống Mỹ có thể đơn phương cắt đứt dòng vốn đổ sang Trung Quốc và đóng băng các khoản thanh toán nợ khác của Mỹ với Trung Quốc, như là vũ khí trong cuộc chiến tranh dòng vốn và tiền tệ. Tổng thống Mỹ cũng có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn giao dịch tài chính ngoài nước Mỹ với Trung Quốc.

Dù Nhà Trắng không chính thức xác nhận, nhưng những thông tin rò rỉ cho thấy đó là kế hoạch tiếp theo trong một loạt chính sách trả đũa Trung Quốc của Mỹ. Tuy người phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng chia sẻ rằng, hiện tại chính quyền chưa có kế hoạch để hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch Mỹ. Tuy nhiên, giá các cổ phiếu của Alibaba, Baidu và các công ty Trung Quốc khác đã lao dốc không phanh sau thông tin trên.

Hệ quả
Tại thời điểm này, sau khi thông tin trên được đăng tải, chứng khoán Trung Quốc đã chịu áp lực điều chỉnh giảm, trong khi chứng khoán Mỹ cũng trải qua những phiên trồi sụt thất thường, khi nhiều nhà đầu tư lo ngại về sức ảnh hưởng của chính sách trên và nhất là đang trong thời điểm tháng 5 vốn luôn nhạy cảm với nỗi lo ngại thường trực của giới đầu tư.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã duy trì xu hướng rút ròng ra khỏi Trung Quốc trong nhiều năm qua, gần đây mới có dấu hiệu tăng trở lại sau khi chứng kiến nước này chống được dịch Covid-19. Nhưng với chính sách đe dọa ngăn chặn các quỹ hưu trí của Chính phủ Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc, có thể sẽ một lần nữa khiến dòng vốn đảo ngược và rút khỏi Trung Quốc, khi nước này đứng trước nguy cơ suy thoái nặng nề nhất từ khi đổi mới đến nay và càng làm gia tăng bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu khi sức ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng lên rất nhiều trong thời gian qua.

Ngược lại, Mỹ có thể cũng sẽ chịu những hệ quả tiêu cực. Thứ nhất, nếu vốn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc giờ ở lại Mỹ, chắc chắn sản lượng nhập khẩu ròng của Mỹ sẽ tăng lên và dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai. Thứ hai, với việc đưa thị trường Trung Quốc vào "danh sách đen", trong khi Bắc Kinh đang khuyến khích đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn và cố gắng tăng sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài vào ngành dịch vụ tài chính, thì ngân hàng và các công ty quỹ tương hỗ của Mỹ sẽ gặp bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu do bỏ qua một thị trường đầu tư hấp dẫn như Trung Quốc.

Nếu Mỹ tiếp tục thực thi những chính sách mạnh tay hơn, như hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán, các công ty khác ngoài Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ có cơ sở để lo ngại về viễn cảnh bị đối xử tương tự, trong khi những công ty có ý định niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ có thể phải cân nhắc lại lựa chọn và quyết định tìm kiếm thị trường khác để IPO, mà Hồng Kông, Luân Đôn hay Singapore cũng đều có tiềm năng.

Điều này đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán Mỹ đã tự khép mình với các công ty bên ngoài và nhà đầu tư Mỹ mất đi cơ hội tìm kiếm những khoản đầu tư hấp dẫn. Dù vậy, với kỳ bầu cử đang ngày càng đến gần, để phục vụ cho chiến dịch tái tranh cử thành công, ông Trump có thể sử dụng thêm nhiều giải pháp mạnh tay để ép Trung Quốc phải nhượng bộ cho các thỏa thuận mới, hoặc ít nhất để thể hiện hình ảnh mạnh mẽ của vị tổng thống trong việc đáp trả Bắc Kinh về dịch bệnh vừa qua, mà khiến nước Mỹ đang phải trả giá nặng nề. Đó phải chăng cũng là cách để xoa dịu người dân Mỹ và lấy lòng cử tri?

Nguồn DNSG

0 comments:

Đăng nhận xét