15 thg 4, 2020

Khó hiểu việc doanh nghiệp sở hữu hơn 88.000 thuê bao di động cho nhân viên sử dụng

Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, lợi dụng quy định không giới hạn số lượng SIM mỗi mạng với cá nhân, tổ chức nên nhiều doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM.
Kiến nghị giới hạn số lượng SIM cá nhân, doanh nghiệp được sở hữu.

Một cá nhân được sở hữu hàng nghìn SIM!
Theo kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động tại Viettel, VNPT- VinaPhone của thanh tra Bộ TT-TT, có tình trạng cá nhân, tổ chức đang sở hữu hàng nghìn SIM một cách bất hợp lý, không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khác.

Cụ thể, tại Viettel, đoàn thanh tra phát hiện nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng SIM di động với số lượng lớn, thậm chí rất lớn. Trong đó đáng chú ý là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Duy Thịnh sở hữu 88.637 số thuê bao di động.

Tiếp đến, công ty TNHH Thương mại và truyền thông Bình An sở hữu 62.967 thuê bao; Công ty TNHH Tiếp vận và thương mại Bến Thành sở hữu 46.626 thuê bao. Trong số 15 doanh nghiệp được thanh tra, Công ty Cổ phần Vcomsat sở hữu ít nhất cũng lên tới 10.763 thuê bao.

Đoàn thanh tra cùng cán bộ Tập đoàn Viettel mời 13 tổ chức và 2 cá nhân đã đăng ký sở hữu số lượng thuê bao lớn để xác minh thông tin chủ thuê bao và mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, chỉ có 5 tổ chức đến làm việc, đây là các công ty cung cấp dịch vụ giám sát hành trình. Các công ty này đăng ký thông tin thuê bao đúng quy định và sử dụng đúng mục đích cho việc giám sát hành trình. 

8 tổ chức dù sử dụng hàng vài chục nghìn thuê bao và 2 cá nhân còn lại, nhân viên của Tập đoàn đã liên hệ và mời nhưng viện lý do ốm hoặc đi công tác nên không đến làm việc.

Đáng chú ý, tiếp tục thanh tra, đoàn thanh tra phát hiện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Duy Thịnh đăng ký địa chỉ tại số 8 ngách 70/4 ngõ 194 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội nhưng đây là nhà riêng, không có biểu hiệu công ty.

Công ty TNHH Đầu tư thương mại tổng hợp Liên Minh sở hữu 33.308 thuê bao, đăng ký địa chỉ tại 15c Ngõ 5 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội nhưng thực tế lại không có địa chỉ này, cũng không có biển hiệu công ty. Ngoài ra, một số doanh nghiệp được thanh tra khác lại đang đóng cửa.

Thanh tra Bộ TT-TT cho biết, cách thức đăng ký thông tin của một số doanh nghiệp này như sau: Doanh nghiệp làm giấy ủy quyền cho các cá nhân (không rõ có phải là nhân viên của công ty hay không) thực hiện giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động.

Mỗi cá nhân này thực hiện ký hợp đồng rất nhiều lần (tần suất cách nhau một vài ba ngày) với Viettel để sử dụng sim thuê bao, số lượng mỗi lần từ 50 - 350 SIM. Do vậy, số lượng SIM sở hữu rất lớn.

Tương tự, tại VNPT, kết quả rà soát cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao trong thời kỳ thanh tra cho thấy có 20 chủ thuê bao đăng ký sở hữu lớn nhất số lượng thuê bao, không phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của cá nhân.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hằng Mơ (số chứng minh nhân dân: 3818xx35) sở hữu 9.661 thuê bao; bà Trương Thị Phượng (CMND: 3812xx938) sở hữu 6.906 SIM. Các cá nhân còn lại đều sở hữu từ hơn 1.000 SIM đến gần 6.000 SIM.

Đoàn kiểm tra cũng xác minh chủ thuê bao mang tên Lâm Ân Thiên (CMND số 381396149). Ông Thiên là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH dịch vụ viễn thông Lâm Thiên Ân, mã số doanh nghiệp: 2001278883, địa chỉ: Khóm 1, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Công ty này đã ký Hợp đồng uỷ quyền đại lý cung cấp sản phẩm, dịch vụ viễn thông (bao gồm nội dung là Điểm CCDVVT uỷ quyền) số 01 VNPT VNP-CM/HĐUQ ngày 14/11/2017. Đáng chú ý là ông Lâm Thiên Ân đã sử dụng thông tin của mình để đăng ký sở hữu 1.550 SIM. Tại thời điểm thanh tra, ông Lâm Thiên Ân đã bán ra thị trường 1.028 SIM nhưng chưa thay đổi thông tin thuê bao, đang giữ 522 SIM.

Kiến nghị giới hạn số lượng SIM mỗi mạng
Từ thực tế nêu trên, thanh tra Bộ TT-TT cho rằng, Nghị định số 49/2017/NĐ-CP không quy định hạn chế số lượng SIM, do vậy nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng quy định này để đăng ký số lượng lớn thuê bao sau đó đã bán ra thị trường.

“Việc doanh nghiệp mua SIM cho nhân viên sử dụng là vô lý và không có trên thực tế hiện nay, trừ trường hợp doanh nghiệp sử dụng SIM dữ liệu để giám sát hành trình. Mặc dù đoàn thanh tra liên ngành có các lực lượng khác tham gia nhưng cũng không thể yêu cầu các tổ chức, cá nhân đến làm việc nhằm làm rõ các SIM này đang ở đâu.

Do vậy, kiến nghị bổ sung quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu 3 SIM/mạng di động, doanh nghiệp sở hữu tối đa 100 SIM/mạng di động”- thanh tra Bộ TT-TT kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo Điểm b Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp viễn thông di động phải kiểm tra, giám sát, đảm bảo các số thuê bao đó được sử dụng cho bản thân, con đẻ, con nuôi đối với chủ thuê bao là cá nhân; cho nhân viên, thiết bị đối với chủ thuê bao là tổ chức.

Tuy nhiên do không quy định rõ về nội dung kiểm tra giám sát là gì, như phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ, hợp đồng lao động… dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân đã đăng ký hàng vài chục nghìn thuê bao nhưng không thể khẳng định doanh nghiệp viễn thông có thực hiện kiểm tra trước khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng hay không.

Thanh tra Bộ TT-TT kiến nghị bổ sung nội dung kiểm tra, giám sát vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP.

Thanh tra Bộ TT-TT cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ TT-TT chỉ đạo Cục Viễn thông bổ sung nội dung triển khai ứng dụng  trí tuệ nhận tạo (AI) vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết về Luật Viễn thông nhằm giúp doanh nghiệp có thông tin chính xách hơn và hạn chế thuê bao ảo.

Nguồn ANTĐ

0 comments:

Đăng nhận xét