VNDIRECT lưu ý một số công ty dầu khí như GAS, PVS hay DPM có lượng lớn tiền mặt ròng/cổ phiếu tại cuối năm 2019; điều này có thể giúp công ty trụ vững hơn qua giai đoạn giá dầu và giá dịch vụ sụt giảm.
CTCK VNDIRECT vừa có báo cáo đánh giá tác động của cuộc chiến giá lên chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam. Theo báo cáo, việc giá dầu giảm mạnh thời gian gần đây sẽ khiến nhiều doanh nghiệp thượng nguồn, trung nguồn trong chuỗi giá trị dầu khí chịu tác động tiêu cực. Ngược lại, một số doanh nghiệp hạ nguồn có thể hưởng lợi nhờ giá dầu giảm.
Giá dầu giảm sâu trong năm 2020
Giá dầu Brent giảm 23,5% trong 2T20 do bùng phát dịch Covid-19 trước khi tiếp tục giảm thêm 52% trong tháng 3 khi số ca nhiễm bệnh tăng nhanh dẫn đến việc hạn chế đi lại trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến nhu cầu.
Tuy vậy nguồn cung dự báo vẫn dồi dào do Ả Rập Saudi sẽ nâng sản lượng kể từ tháng 4 sau khi không đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung mới với Nga.
VNDIRECT dự đoán giá dầu có thể tạo đáy trong quý 2 khi nguồn cung tăng mạnh từ tháng 4 và dịch Covid-19 đạt đỉnh, sau đó tăng trở lại trong Q3/2020 cho đến năm 2021.
VNDIRECT hạ kịch bản giá dầu bình quân từ 62 USD/thùng xuống 45 USD/thùng cho năm 2020 và từ 65 USD/thùng xuống 55 USD/thùng cho năm 2021, dựa trên dự báo của EIA và trung bình thị trường trên Bloomberg.
Giá dầu giảm tác động ra sao tới doanh nghiệp dầu khí?
VNDIRECT cho rằng PVD sẽ ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm so với PVS do lượng công việc bảo đảm từ các hợp đồng đã kí cho năm 2020. Tuy nhiên giá dầu ở mức thấp so với giai đoạn 2018-19 nhìn chung sẽ làm giảm giá dịch vụ.
Trong khi đó với VNDIRECT đánh giá GAS sẽ bị ảnh hưởng bởi giá bán trung bình giảm, lợi nhuận ròng 2020 dự báo giảm 41,8% sv cùng kỳ. Đối với PVT, do đặc thù cấu trúc giá cước tàu đảm bảo một mức biên lợi nhuận gộp nhất định cho các tuyến nội địa và công ty chủ yếu cho thuê định hạn với các tuyến quốc tế sẽ giúp giảm thiểu tác động từ biến động giá dầu ngắn hạn.
Ở chiều ngược lại, giá khí đầu vào giảm có thể làm tăng biên lợi nhuận cho các ngành điện và phân bón nhưng ở các mức độ khác nhau. Đạm Phú Mỹ (DPM) là một trong những DN hưởng lợi nhất từ giá dầu giảm vì giá khí đầu vào chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất phân bón.
VNDIRECT ước tính biên lợi nhuận của DPM có thể tăng thêm 9 điểm % khi giá dầu trung bình giảm từ mức 65 USD/thùng xuống còn 45 USD/thùng trong năm 2020. Đối với PVPower (POW) thì những nhà máy điện khí (đặc biệt là NT1 và NT2) có thể hưởng lợi từ giá khí đầu vào giảm, nhất là với phần sản lượng bán trên thị trường điện cạnh tranh.
VNDIRECT cũng dự báo biên LNG của POW có thể tăng thêm 1 điểm % khi giá dầu 2020 dự báo giảm xuống mức 45 USD/thùng.
Nhà đầu tư nên cẩn trọng trong giai đoạn tâm lý thị trường còn yếu
VNDIRECT lưu ý một số công ty dầu khí như GAS, PVS hay DPM có lượng lớn tiền mặt ròng/cổ phiếu tại cuối năm 2019; điều này có thể giúp công ty trụ vững hơn qua giai đoạn giá dầu và giá dịch vụ sụt giảm.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của phần lớn các công ty dầu khí đã giảm mạnh do ảnh hưởng kép từ dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu, trong đó có nhiều cổ phiếu có mức cổ tức hấp dẫn ở mức khoảng 5-12%, điển hình như PVT và DPM.
Tuy nhiên VNDIRECT cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng trong giai đoạn thị trường chung vẫn còn yếu do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và nguồn cung dầu mỏ của Ả Rập Saudi sẽ được đưa ra thị trường từ tháng 4. Lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này là DPM, do (1) hưởng lợi từ giá khí đầu vào giảm, 2) vị thế tiền mặt ròng lớn, và 3) mức cổ tức cao, khoảng 8,6% trong năm 2020.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét