1 thg 4, 2020

Công nhân ở nhà để tránh COVID-19

Trở về nhà sau một ngày dài làm việc, đặc biệt là trong thời điểm đang có dịch COVID-19 như hiện nay, cách lựa chọn hữu dụng nhất của người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) là “cố thủ” trong phòng, trách nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm tiền.
Do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, sau giờ làm việc, nhiều công nhân khu công nghiệp chỉ quanh quẩn trong dãy trọ. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.

Điện thoại là phương tiện giải trí
Chị Mai Nga (23 tuổi), đang làm việc tại Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội (KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi làm xa trung tâm, không có nhiều khu vui chơi. Trước tăng ca nhiều, tôi về đến phòng là ngủ. Giờ công ty cắt giảm tăng ca, thời gian rảnh rỗi nhiều hơn nhưng tôi cũng chỉ có lựa chọn ở nhà xem điện thoại và ngủ”.

Không chỉ Mai Nga mà nhiều công nhân (CN) trẻ khác cũng lựa chọn “cố thủ” trong phòng vừa để nghỉ ngơi, vừa để phòng dịch. Mỗi người một chiếc điện thoại hết xem phim lại lướt Facebook nói chuyện online với bạn bè, gia đình.

Còn đối với những CN có con nhỏ, việc được cắt giảm tăng ca giúp họ có thêm nhiều thời gian để chơi cùng con hoặc dạy con học. “Tôi chủ yếu làm ca từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, cộng với 4 tiếng tăng ca nữa thì 6 giờ tối mới về. Nhưng đợt này ít tăng ca, tôi được về lúc 2 giờ chiều. Tầm đó về nghỉ ngơi, chơi với con, đến tối nấu cơm ăn, xong lại ngồi vừa trông con vừa xem thời sự trên điện thoại” - anh Vũ Văn Vịnh, CN Công ty TNHH Canon (KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội), cho hay.

Tự tạo niềm vui
Tuy nhiên, vẫn có CN tự tạo cho mình những niềm vui riêng nếu được nghỉ làm ở nhà. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tâm - CN Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (KCN Yên Bình, Phổ Yên, Thái Nguyên) - là một ví dụ. Chị Tâm sống ngay trong khu ký túc xá của công ty. Vì trước đây có theo học võ Taekwondo nên mỗi khi rảnh rỗi, chị lại tập võ.

Chị Tâm chia sẻ: “Giờ dịch thế này, ít phải tăng ca, tôi lại tập nhiều hơn, vừa nâng cao sức khỏe mà lại vừa đỡ chán”.

Theo chị Lan - một tiểu thương ở chợ Mun (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), hiện nay, CN tan ca ra chợ mua chỉ một lát rồi về luôn. Có người thì một lần đi chợ mua thực phẩm cho hai ngày rồi không ra chợ nữa. Các tiểu thương ở đây bán hàng cầm chừng rồi lại ngồi tán gẫu với nhau.

Từ hơn tháng qua, khi những thông tin về nguy cơ lây lan của dịch COVID-19 qua các đường tiếp xúc trực tiếp được phổ biến rộng rãi, sinh hoạt của nhiều NLĐ cũng có những thay đổi. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - nhân viên Cty May Phương Đông (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) - cho biết trước đây, thường cuối tuần, khi công việc nhàn, chị cùng con đi ăn ở bên ngoài, sau đó đi xem phim. Tuy nhiên, từ hơn 1 tháng qua, thói quen này đã được thay đổi bằng cách nấu ăn tại gia đình và sau đó là cùng con chơi ở nhà.

“Thay đổi thói quen lúc đầu cũng thấy khó chịu nhưng rồi cũng quen. Nói chung, cẩn thận vẫn hơn” - chị Nhung chia sẻ. 

Còn anh Vũ Chí Thanh - nhân viên bảo trì Công ty Dệt Liên Phương (ở quận 9, TP.Hồ Chí Minh) cũng cho hay, trước đây hay ăn ngoài, có khi đi nhậu với bạn bè, nhất là cuối tuần hay khi nhận lương. Từ khi thông tin virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm khi tiếp xúc gần, tiếp xúc gián tiếp, thì việc đi ra ngoài ăn phải hạn chế. 

Nguồn Báo Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét