19 thg 2, 2020

Tín hiệu đáng mừng của ngành ngân hàng

Trong năm vừa qua cả NIM và thu phí dịch vụ của các ngân hàng đều có sự tăng trưởng mạnh.

Theo báo cáo phân tích về các công ty đại chúng của FiinGroup vừa công bố, 18 ngân hàng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện chiếm 67,4% tổng dư nợ toàn ngành với mức tăng trưởng tín dụng 15,5% trong năm 2019, cao hơn so với toàn ngành (13,5%). Các ngân hàng này cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 29,3% năm 2019 - cao hơn bình quân ngành.

Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ cải thiện biên lãi ròng (NIM) ở mức 30 điểm cơ bản lên 3,4% từ mức 3,1% năm 2018. Cải thiện NIM của các ngân hàng chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng bán lẻ, bao gồm tài chính tiêu dùng ở một số ngân hàng thông qua công ty con như VPBank, HDBank, MBBank và gần đây là SHB. 

Thu phí dịch vụ của các ngân hàng tăng trưởng rất mạnh ở mức 30,7% và sự cải thiện đến từ ba ngân hàng chính là VIB (144,6%), VPB (84,2%) và Tiên Phong Bank (58,6%). Ba ngân hàng lớn có vốn nhà nước cũng đều tăng trưởng mạnh thu nhập về phí: Vietinbank (46,5%), VCB (26,6%) và BIDV (20,6%). 

Các hoạt động khác bao gồm đầu tư/kinh doanh chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu chính phủ), kinh doanh ngoại hối, vàng và thu nhập cổ tức tổng cộng chỉ tăng trưởng 5,4% trong năm 2019.



Tăng trưởng thu nhập lãi ròng và thu nhập phí dịch vụ của các ngân hàng trong năm 2019

Về nợ xấu, báo cáo của FiinGroup cho biết, ngành ngân hàng về cơ bản đã xử lý xong nợ xấu từ giai đoạn khủng hoảng lần trước. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 18 ngân hàng niêm yết trong năm vừa qua đã được kiểm soát xuống còn 2,82% (bao gồm cả dư nợ trái phiếu VAMC, số không bao gồm VAMC là 2,7%). Đây là tỷ lệ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. 

Hơn nữa, tính đến hết Q4/2019, chỉ còn 7/18 ngân hàng niêm yết chưa giải quyết xong trái phiếu VAMC với tổng dư nợ là hơn 6,3 nghìn tỷ đồng, trong đó Eximbank (EIB) chiếm 70%, tiếp đến là HDB và BAB lần lượt có tỷ lệ là 7,7% và 7,5%. 

Theo nhóm phân tích, đây là tín hiệu đáng mừng cho toàn ngành ngân hàng khi chất lượng tài sản đang ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng tài sản thì cần xem thêm nhiều yếu tố khác như chất lượng của các danh mục đầu tư chứng khoán và trái phiếu.

Theo Tài chính Plus

0 comments:

Đăng nhận xét