4 thg 2, 2020

Số lượng mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam giảm mạnh

Từ tháng 10 - 12.2019, Việt Nam có 13 triệu mối đe dọa trực tuyến và 70 triệu mối đe dọa ngoại tuyến. So với quý 4/2018, số lượng các mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam vào quý 4/2019 giảm hơn 50%.

Đây là những thông tin trong báo cáo Kaspersky Security Bulletin của Kaspersky Security Network (KSN) quý 4/2019.

Tấn công thông qua trình duyệt là phương thức mà tội phạm mạng thường sử dụng để phát tán mã độc. Trong quý 4/2019, Việt Nam có 12.923.364 sự cố, tương ứng với 25,6% người dùng tại Việt Nam bị tấn công bởi các mối đe dọa từ internet. So với cùng kỳ năm 2018, số lượng các mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam đã giảm 52,99%, từ 27.492.332 sự cố.

Đối với tấn công ngoại tuyến, là phương thức tấn công được thực hiện khi mã độc lây lan qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác, Việt Nam có 69.620.970 sự cố vào quý 4/2019. Theo đó, số lượng các cuộc tấn công ngoại tuyến đã giảm 36,5%, từ 109.652.285 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo báo cáo này, 46,8% người dùng Việt Nam bị tấn công ngoại tuyến, tương ứng với vị trí thứ 35 trên thế giới. Trong khi đó, Singapore là quốc gia có số người dùng bị tấn công ngoại tuyến thấp nhất khu vực Đông Nam Á (với 15,7%), tương ứng với vị trí thứ 140 trên thế giới.

Trong quý 4/2019, tỷ lệ sự cố an ninh mạng gây ra do các máy chủ đặt tại Việt Nam là 0,03%, tương ứng với 151.187 sự cố. Thái Lan và Philippines có số lượng sự cố do máy chủ gây ra thấp nhất Đông Nam Á, với số lượng lần lượt là 82.963 và 76.900 sự cố.

Để đảm bảo an toàn trước các mối đe dọa trực tuyến, các chuyên gia bảo mật của Kaspersky đề xuất:
  • Kiểm tra cẩn thận các liên kết trước khi truy cập vào một trang web, đặc biệt là lỗi chính tả hoặc những nội dung bất thường trong link, ngay cả khi đây là trang web được truy cập thường xuyên.
  • Chỉ nhập tên người dùng và mật khẩu qua những kết nối an toàn. Tránh đăng nhập vào ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ tài chính thông qua mạng Wi-Fi công cộng.
  • Các link URL bắt đầu bằng các https hoặc https không phải lúc nào cũng an toàn.

Nguồn TNO

0 comments:

Đăng nhận xét