22 thg 1, 2020

2000 năm trước, Khổng Tử đã giải đáp lý do nhiều sếp sẵn sàng trả lương cao cho nhân viên mới nhưng quyết không chịu tăng lương cho nhân viên cũ

Bỏ tiền nhiều để mướn một người mới còn hơn tăng tiền cho trăm người cũ. Dùng "hiệu ứng cá da trơn" để khiến nhân viên cũ làm việc chăm chỉ hơn. Đó là những bài học kinh doanh mà bất cứ người làm lãnh đạo nào cũng nên biết.


Hùng là nhân viên lâu năm ở công ty, anh ấy đã làm việc ở đây được 8 năm. Suốt 8 năm, mặc dù Hùng không có thành tích gì đặc biệt nổi trội, nhưng cũng coi như có đóng góp không nhỏ.

Gần đây, vì con trai lớn của Hùng vào đại học, chi tiêu trong nhà tăng lên rất nhiều. Do đó, Hùng phải đến gặp lãnh đạo đề nghị được tăng lương, với hi vọng giảm bớt gánh nặng cuộc sống.

Nhưng thật không ngờ, lãnh đạo lại lập tức từ chối, không đồng ý tăng lương cho Hùng. Anh ta không còn cách nào khác, đành tìm thêm công việc online làm vào mỗi tối.

Sau đó, lãnh đạo lại tuyển vào vài người mới, mà trong đó có một thanh niên, chẳng những không kinh nghiệm, mức lương còn cao hơn nhiều so với Hùng. Điều này khiến Hùng rất bất mãn.

1. Tại sao không chịu tăng lương cho nhân viên cũ?

Thực ra, Khổng Tử đã nói với chúng ta câu trả lời từ hơn 2000 năm trước:

"Vua chư hầu có nước, quan đại phu có nhà, chẳng buồn vì dân ít, mà buồn vì của cải phân phối không đều." – Trích Luận Ngữ.

Câu này có nghĩa là bất luận là chư hầu có nước hay quan đại phu được phong đất đi nữa, cũng không nên lo lắng vì không có nhiều của cải, mà chỉ cần lo lắng việc của cải phân chia không đều.

Trong công ty cũng như vậy, nếu ông chủ tăng lương cho một nhân viên cũ, vậy những nhân viên cũ còn lại sẽ thế nào?

Lấy lại ví dụ hồi nãy: Hùng đề nghị ông chủ tăng lương. Lần này, ông chủ đồng ý rồi. Khi Hùng vừa rời khỏi, Hoàng cũng theo vào đề nghị tăng lương, công ty cũng duyệt cho. Nhưng khi Hoàng vừa bước ra, một nhóm nhân viên cũ khác lại kéo vào phòng ông chủ muốn tăng lương, gặp trường hợp này lãnh đạo phải làm sao?

Nếu đều tăng lương hết, nhân viên cũ trong công ty nhiều như vậy, không chỉ khiến tiền lãi năm nay hao hụt, mà còn làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển và thu mua trong năm tới.

Nhưng nếu chỉ tăng lương cho một mình Hùng, những nhân viên khác sẽ nghĩ gì?

Tăng lương cho người thâm niên 10 năm, người đã làm được 9 năm trong lòng làm sao thoải mái được? Mà đối với những người có năng lực mạnh lại càng không phục. Nếu theo cách này, lãnh đạo làm sao quản lý được tiếp. Thế nên, ông ấy chỉ còn cách không tăng lương cho Hùng.

Mục đích của hoạt động kinh doanh là kiếm thật nhiều tiền và lợi nhuận, chỉ cần có thể ổn định toàn bộ nhân viên, ông chủ sẽ không quan tâm nhiều đến sự công bằng của từng cá nhân.

2. Tại sao thà tuyển nhân viên mới với mức lương cao?

Có 2 lý do:
  • Thứ nhất: Mức sống hiện tại đang được tăng cao mỗi năm, dùng mức lương ban đầu để tuyển nhân viên nhất định sẽ không theo kịp thị trường. Vì thế, họ chỉ còn cách tăng lương để thu hút nhân tài.
  • Thứ hai: Họ chưa hài lòng với nhân viên cũ, đồng thời để tránh tình trạng mâu thuẫn như trong ví dụ trên.

Cách làm này bắt nguồn từ "hiệu ứng cá da trơn":
Người Na Uy rất thích ăn cá mòi, đặc biệt là cá mòi sống. Trên thị trường, giá cá mòi sống cao hơn nhiều so với cá mòi chết, vì vậy nhiều ngư dân đã nghĩ ra trăm phương ngàn cách để mang cá sống về cảng. Nhưng tiếc là mọi nỗ lực của họ đều vô ích, bởi vì đa số cá mòi đều bị chết ngạt giữa đường.

Sau đó, một người thuyền trưởng nọ đã nghĩ ra cách bỏ một con cá da trơn vào chung với bể cá mòi. Những con cá mòi nhìn thấy cá da trơn liền trốn đi khắp nơi vì sợ bị ăn thịt.

Nhờ vậy, vấn đề cá bị thiếu oxi đã được giải quyết, ngư dân cũng có thể mang nhiều cá mòi sống về lại cảng cá.

Trong công ty cũng như vậy, rất nhiều nhân viên lâu năm bị đồng nghiệp đồng hóa, trở thành "cáo già" nơi công sở, làm ít hưởng nhiều, khiến lãnh đạo bất mãn nhưng không tìm được chứng cứ rõ ràng.

Thế nên họ phải dùng một người mới siêng năng, ngoan ngoãn, không kinh nghiệm mà lại có mức lương cao để kích thích một số nhân viên cũ làm việc chăm chỉ hơn.

3. Nếu gặp ông chủ không chịu tăng lương thì phải làm sao?

Tử viết: Sự quân, kính kỳ sự nhi hậu kỳ thực.

Khổng Tử nói: Thờ vua phải tận tâm, sau mới nghĩ đến bổng lộc.

Ở công ty, chỉ cần bạn cố gắng làm thật tốt công việc của mình, thành tích ưu tú, lương tất nhiên cũng sẽ tăng.

Ngay cả khi lãnh đạo không chịu tăng lương cho bạn đi nữa, nhờ nỗ lực làm việc, bạn cũng đã thu về một lợi ích vô hình: Nâng cao năng lực của bản thân. Mà như vậy thì "nhảy việc" cũng trở nên dễ dàng hơn đối với bạn.

Nếu bạn chỉ muốn được tăng lương mà không chịu khó làm việc, cuối cùng chỉ mất trắng thời gian một cách uổng phí.

Tử viết: Quân tứ thực, tất chính tịch tiên thường chi. Quân tứ tinh, tất thục nhi tiến chi. Quân tứ sinh, tất súc chi.

Vua ban cho thức ăn chín, Khổng tử nhất định trải chiếu ngay ngắn rồi mới ngồi ăn. Vua ban thức ăn sống, Khổng tử nấu xong, cúng tổ tiên rồi mới ăn. Vua ban cho con vật còn sống, Khổng tử giữ lại nuôi.

Tại nơi làm việc, nhiều người dựa vào việc mình là nhân viên lâu năm, hiểu rõ thói quen lãnh đạo mà suốt ngày tìm cách nịnh nọt, chèo kéo cấp trên.

Chúng ta có thể kính nể cấp trên, nhưng nịnh nọt để đi lên là không đúng.

Với một người lãnh đạo sáng suốt, hành động của họ chỉ khiến đồng nghiệp chán ghét, còn lãnh đạo cảm thấy họ vô năng lực.

Do đó, ở nơi làm việc, trước tiên nên rèn luyện tốt năng lực chuyên môn của mình. Như vậy sau này dù phát sinh sự cố gì, chúng ta cũng có nhiều quyền lựa chọn hơn.

Luôn duy trì sự tôn trọng với cấp trên, đây là thể hiện của sự trưởng thành. Đồng thời tôn trọng và học hỏi điểm mạnh của những người khác để cùng nhau tiến bộ.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét