31 thg 5, 2019

Làm gì khi bạn đánh mất nhiệt huyết với công việc?

Khi bạn không còn động lực và hứng thú với công việc hiện tại, bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn không thể lướt Facebook để giết thời gian và mong mau chóng đến giờ tan sở. Nếu đúng vậy, hãy tham khảo một số giải pháp sau.
1. Đề nghị những thử thách mới
Việc bạn cảm thấy chán công việc hiện tại cũng có thể được hiểu là do bạn đã vượt qua hầu hết các thách thức của công việc này. Vì vậy, đây là thời điểm để bạn thách thức bản thân ở một nhiệm vụ mới.

Bạn sẽ chẳng ngốc đến nỗi mong chờ một vị trí mới với mức lương mới hậu hĩnh hơn bằng cách nói với cấp trên là bạn đang buồn chán với công việc cũ. Bởi rõ ràng, việc thiếu cảm hứng với công việc có thể khiến cấp trên kết luận rằng tuyển dụng bạn là một quyết định sai lầm. Thay vì nói rằng công việc hiện tại quá chán hãy cho cấp trên biết rằng tôi đã sẵn sàng cho những thách thức và trách nhiệm mới.

Nếu sếp của bạn nhận được thông điệp này, bạn có thể được thông tin về một vị trí đang bỏ trống phù hợp hoặc được đưa vào một nhóm làm việc mới. Nhưng trách nhiệm mới mà bạn được đề nghị có thể sẽ không đi kèm theo việc tăng lương. Mặc dù vậy, chính nó lại là điểm cộng cho bạn khi bạn đề nghị tăng lương sau này.

Do đó, hãy tìm hiểu rõ ràng mong đợi của cấp trên, thể hiện thật tốt và sau đó là đề nghị một mức lương tương xứng với năng lực của mình.

2. Học hỏi những kỹ năng mới
Nếu bạn đang buồn chán, hãy tìm cách để hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc trong khoảng thời gian ngắn hơn. Sau đó, hãy dùng thời gian bạn tiết kiệm được để tham gia vào các dự án của đồng nghiệp. Việc giúp đỡ họ cũng là cơ hội để bạn tiếp xúc với những nhiệm vụ mới và rèn luyện những kỹ năng mới.

Hoặc bạn cũng có thể tham gia các chương trình tập huấn để học hỏi những kỹ năng mới. Ngay cả khi công ty bạn không có kinh phí để đào tạo nhân viên, việc bạn bỏ tiền túi ra để học tập cũng là một việc nên làm vào lúc này.

3. Chăm sóc các mối quan hệ công việc
Tại sao không dành thời gian rảnh rỗi để kết nối với những đồng nghiệp xung quanh? Bạn biết đấy, mối quan hệ công sở sẽ rất nhạt nhẽo nếu mọi người chỉ liên hệ qua email hay chỉ nói chuyện với nhau trong các buổi họp.

Hơn nữa, có thể một ai đó đang ấp ủ một ý định kinh doanh riêng rất thú vị mà bạn muốn hợp tác và sẽ rất hối hận nếu không được biết. Vì vậy, hãy tìm hiểu những gì mọi người đang làm hay sẽ làm sau giờ tan tầm, những ý định, kế hoạch và dự định tương lai mà mọi người đang ấp ủ.

4. Giúp đỡ những người trẻ mới vào công ty
Có rất nhiều người muốn có một công việc như của bạn. Họ là những người trẻ mới ra trường và không biết một ai để có thể nhờ tư vấn cũng như đưa ra các lời khuyên. Họ sẽ cần một thời gian dài để hiểu được hoạt động của công ty và cách thức mà mọi người ở đây giao tiếp.

Tại sao bạn không chủ động đề nghị sếp phân công bạn  hướng dẫn những người này? Tiếp xúc với những người trẻ, hằng ngày nhìn thấy sự nỗ lực của họ có thể sẽ nhắc nhở bạn rằng bạn cũng từng hoài bão với công việc như vậy. Và biết đâu đấy bạn sẽ tìm lại được động lực làm việc cho mình.

5. Ra đi
Nếu bạn đã nói với cấp trên rằng bạn đang sẵn sàng cho những thử thách và trách nhiệm mới, nhưng được yêu cầu là hãy im lặng và quay về bạn làm việc của mình, bạn nên nhanh chóng tìm kiếm việc làm mới ở một công ty mới.

Bạn không thể để một công việc mà bạn không còn hứng thú tiếp tục ăn mòn nhiệt huyết và tuổi trẻ của mình. Nếu tiếp tục, chắc chắn là mọi việc chỉ càng tồi tệ hơn thôi. Đừng để đến lúc bạn bị sa thải mới bắt đầu kiếm một việc làm mới. Bởi thời điểm dễ dàng nhất để tìm kiếm một công việc là khi bạn vẫn còn đang làm việc và vẫn còn những mối quan hệ cần thiết.

Nguồn Internet

0 comments:

Đăng nhận xét