22 thg 6, 2018

Mở rộng góc nhìn trong thời toàn cầu hóa

Mỗi người cần có thêm con mắt thứ ba để nhìn ra bên ngoài, biết bên ngoài đang nghĩ về mình như thế nào.

Tôi vừa xem một bộ phim Hàn Quốc ở Festival Phim tài liệu Trung Quốc 2018. Đạo diễn Steven nói chuyện với khán giả, kể ý tưởng để bắt đầu làm phim là nhiều năm qua, người Hàn Quốc và Trung Quốc xem người Nhật như kẻ thù. Nguyên nhân là Chính phủ Nhật chưa bao giờ nói lời xin lỗi về những tội ác quân đội Nhật đã gây ra cho người dân hai nước này trong chiến tranh, gồm cả các vụ thảm sát và bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục. Tuy rằng cuộc chiến đã kết thúc từ cách đây 70 năm và đã có hai thế hệ sống mà không biết đến chiến tranh. Anh cũng từng có thành kiến nặng nề với người Nhật.

Đến Nhật lần đầu năm 2010, Steven ngỡ ngàng thấy đất nước Nhật rất đẹp, văn hóa Nhật có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Hàn Quốc, người Nhật cư xử nhẹ nhàng, có văn hóa và chương sử tội ác trong chiến tranh đã không được đưa vào sách giáo khoa, mà chỉ đơn giản là "Chúng ta đã thua trận" nên giới trẻ Nhật ngày nay không biết người dân các nước láng giềng nghĩ gì về nước mình, về chiến tranh.

Anh làm bộ phim này để ghi lại những cảm nhận của cá nhân về đất nước và con người Nhật Bản, cùng hồi tưởng về những điều được nghe kể về nước Nhật trước đây, trong sự cố gắng lý giải tâm lý phức tạp "vừa chuộng văn hóa phẩm và hàng hóa của Nhật, vừa không ưa người Nhật" của người Hàn Quốc. Bộ phim đã gây ra làn sóng tranh cãi ở Hàn Quốc bởi dám đi ngược lại đám đông để đưa ra tiếng nói khác đa chiều, hiểu biết và khoan dung hơn với Nhật Bản và người dân ở đất nước đó.

Cũng ở festival này, một bộ phim Thái Lan cho thấy đạo diễn đến các vùng Đông Nam Á quay phim các cộng đồng có rất đông người Trung Quốc, họ đầu tư theo kiểu "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", dân địa phương có nơi chấp nhận, có nơi phản ứng. Cuối phim, một nông dân Lào phải ra đi, nhường chỗ cho nhà máy Trung Quốc đến đầu tư, ông ta nói: "Giờ mà thấy người Trung Quốc tôi không thích".

Nhiều khán giả là người Trung Quốc đã nói trong buổi giao lưu: "Chúng ta cần biết bên ngoài nhìn mình như thế nào và cần có thái độ cởi mở để tiếp nhận trong thời toàn cầu hóa". Đó là lý do hiện nay người Trung Quốc du lịch sang các nước láng giềng rất đông, với câu hỏi cần lý giải: Rút cuộc thế giới đang nghĩ gì về chúng ta, một quốc gia đông dân và đang phát triển mạnh về kinh tế?

Trong thời đại toàn cầu hóa và phong trào dịch chuyển, rất nhiều người nhìn thế giới, nhìn và hiểu các nước láng giềng thông qua những chương trình quảng cáo du lịch. Rất mơ hồ về nhau, đó là một sự thật. Có lần được mời đến nói chuyện với sinh viên ngành kinh tế ở Đại học Chiết Giang, Hàng Châu, Trung Quốc, tôi giới thiệu về Đà Nẵng, nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, các cử nhân tương lai ở một thành phố lớn như Hàng Châu mà còn tỏ ra rất ngỡ ngàng trước sự hiện đại của Đà Nẵng, trước những khu hội nghị đẳng cấp thế giới.

Trong suy nghĩ của lớp trẻ có học thức ấy, nước ta giống như một xứ xa xôi hẻo lánh và lạc hậu. Một bộ phận giới trẻ bên đó đang nghĩ đất nước chúng ta như vậy! Vậy mới nói mỗi người cần có thêm con mắt thứ ba để nhìn ra bên ngoài, biết bên ngoài đang nghĩ về mình như thế nào.

Nguồn DNSG

0 comments:

Đăng nhận xét