7 thg 5, 2020

Khó khăn của ngân hàng BIDV

Báo cáo tài chính gần nhất của BIDV cho thấy tổng tài sản của ngân hàng suy giảm, tiền gửi khách hàng và quy mô tín dụng đều thấp hơn cuối năm ngoái.

Báo cáo tài chính quý 1 của ngân hàng BIDV cho thấy các chỉ số tài chính có phần kém tích cực so với cuối năm ngoái. Cụ thể, Kho bạc Nhà nước đã rút ra hơn 40.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn khỏi BIDV, khiến tổng tài sản giảm hơn 3% so với thời điểm cuối năm 2019, xuống còn 1,44 triệu tỷ đồng.

Cùng với đó, tiền gửi của khách hàng trong kỳ cũng giảm hơn 4.000 tỷ đồng, xuống còn 1,1 triệu tỷ đồng so với mức 1,14 triệu tỷ đồng hồi đầu năm.

Trong khi huy động tiền gửi suy giảm, tín dụng của BIDV cũng tăng trưởng âm. Cho vay khách hàng trong kỳ đạt 1.105 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cuối năm 2019. Hồi tháng 2, ban lãnh đạo của ngân hàng cho biết do diễn biến kém tích cực từ đầu năm 2020 bởi dịch Covid-19, BIDV có khả năng điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận 2020 nếu tình hình dịch trở nên xấu hơn sau quý 1/2020.

Hiện tại, BIDV đăng ký 120 nghìn tỷ đồng các gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp bị ảnh bởi dịch Covid-19. Ngân hàng ước tính có xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng dư nợ nằm trong các nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch.

Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 1,75% cùng với việc đã mua lại hết trái phiếu của VAMC cho thấy nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu của BIDV. Cuối năm 2019, BIDV ghi nhận 9.300  tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt VAMC, trong đó 6.300 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng và xấp xỉ 1.000 tỷ đồng đã được xử lý.

Khoảng 2 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC còn lại đã được mua lại trong 2 tháng đầu năm 2020. Được biết, khoản này đã được chuyển trở lại thành khoản vay cho khách hàng trong bảng cân đối kế toán với phân loại nợ nhóm 5 và chờ xử lý.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ nhóm 2 của BIDV vẫn ở mức cao, hơn 25.000 tỷ đồng, tương đương 2,26% tổng dư nợ. Mặc dù BIDV đã nỗ lực thu hẹp quy mô nợ nhóm 2 trong vài năm trở lại đây song vẫn đang trong nhóm cao nhất hệ thống ngân hàng.

Theo Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), hoạt động thu hồi các khoản nợ xấu trước đây sẽ là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận cho lợi nhuận ngoài lãi của BIDV. Ngân hàng đã bắt đầu chủ động xử lý nợ nội bảng từ năm 2017 và ghi nhận tổng cộng 43 nghìn tỷ đồng (không tính VAMC) trong giai đoạn 2017-2019. 

Trong bối cảnh mức cơ sở lớn của tài sản thế chấp trong giai đoạn xử lý, VCSC tin rằng thu nhập từ thu hồi nợ xấu sẽ đạt mức đáng kể trong vài năm tới và đóng góp khoảng 50% cho lợi nhuận ngoài lãi cho BIDV.

Đáng chú ý, nhóm tài sản rủi có vấn đề của BIDV cũng tăng mạnh. Tài sản có khác trong quý 1 đạt 28.103 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi phải thu lên 14.501 tỷ đồng, tăng 13%. 

Lãi phải thu cũng là “gót chân Asin” của BIDV nhiều năm qua. Kể từ năm 2017, lãi dự thu của BIDV không ngừng phình ra, từ mức 8.400 tỷ đồng lên 14.500 tỷ đồng.

Trong quý vừa qua, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV tăng mạnh, lên 6.040 tỷ đồng, khiến lợi nhuận BIDV còn 1.444 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi phát hành vốn cho nhà đầu tư chiến lược KEB Hana Bank, trong năm 2020, BIDV tiếp tục với kế hoạch tăng vốn bổ sung. Kế hoạch tăng vốn điều lệ cho năm 2020 bao gồm phát hành 281,5 triệu cổ phiếu (7% vốn điều lệ năm 2019) bằng sử dụng lợi nhuận chưa phân phối 2019 để thanh toán cổ tức cổ phiếu và phát hành 341,5 triệu cổ phiếu mới (8,5% vốn điều lệ 2019) thông qua phát hành đại chúng/riêng lẻ.

Khung thời gian dự kiến là trong nửa cuối 2020 sau khi nhận được phê duyệt từ cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, ban lãnh đạo của BIDV cũng kỳ vọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng sẽ là vốn tương đương vốn cấp 2.

Nguồn The Leader

0 comments:

Đăng nhận xét