8 thg 4, 2020

Đã chuyển hồ sơ vụ TS Bùi Quang Tín tử vong bất thường lên công an TP. HCM

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhà Bè đã hoàn tất thủ tục điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ tiến sĩ Bùi Quang Tín tử vong lên Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP.HCM tiếp tục điều tra.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: LĐO

Như VNF đã đề cập, tối 5/4, TS Bùi Quang Tín được xác định tử vong sau khi "rơi từ tầng 14 một chung cư tại TP. HCM".

Thông tin điều tra ban đầu cho hay, khoảng 12h30 ngày 5/4, tại căn hộ D14.11 chung cư New Sài Gòn (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) của ông Trần Việt Dũng (32 tuổi, viện trưởng Viện đào tạo quốc tế Trường ĐH Ngân hàng) có tổ chức tiệc cùng 8 người đang làm việc tại Trường Đại học Ngân hàng.

Những người được mời gồm các ông: Bùi Quang Tín (44 tuổi), Bùi Hữu Toàn (45 tuổi, hiệu trưởng), Nguyễn Đức Trung (41 tuổi, phó hiệu trưởng, ở căn hộ khác cũng tại chung cư New Sài Gòn) và một số người khác.

Sau khi uống rượu cùng nhau, đến khoảng 15h30 cùng ngày, một số người lần lượt ra về và được ông Dũng dẫn xuống tầng trệt. Sau đó, ông Dũng quay về phòng dọn dẹp. Riêng ông Trung và ông Tín ở lại căn hộ nằm nghỉ, nói chuyện với nhau tại ghế salon.

Khoảng 17h cùng ngày, do có hẹn với bạn gái nên ông Dũng đi ra ngoài trước, còn ông Trung và ông Tín vẫn ở lại nói chuyện. Trong lúc đang nằm nghỉ, ông Tín đứng lên nói muốn đi về nhà nhưng ông Trung khuyên ông Tín ở lại nghỉ mệt, nếu có về thì gọi cho vợ ông Tín đến đưa về.

Tuy nhiên sau đó, ông Tín mở cửa căn hộ đi ra hành lang (để dép lại trước cửa phòng, hai điện thoại của ông Tín cũng để lại phòng) và nói với ông Trung rằng ông Tín tự đi về. Nghĩ ông Tín tự đi về được nên ông Trung quay vào căn hộ nằm nghỉ. Khi vào đến phòng, ông Trung nghe tiếng động ở ngoài và đi ra khu vực giếng trời kiểm tra.

Ông Trung khai lúc này do mắt cận và uống nhiều bia rượu nên ông không nhìn xuống phía dưới được. Dự cảm có chuyện chẳng lành, ông Trung gọi điện thoại cho ông Dũng về căn hộ. Thời điểm ông Dũng đi về đến chung cư thì mọi người xác định ông Tín đã chết.

Một bảo vệ đang trực tại tầng trệt block D2 chung cư New Sài Gòn cho biết khoảng 17h30 ngày 5/4, bảo vệ nghe một tiếng động lớn nên đi đến khu vực giếng trời kiểm tra và phát hiện một người đàn ông nằm bất động do rơi từ trên cao xuống.

Thấy vậy, bảo vệ gọi điện thoại trình báo sự việc cho Công an xã Phước Kiển. Nhận tin báo, lực lượng Công an huyện Nhà Bè có mặt tại hiện trường, xác định người tử vong là ông Tín.

TS. Bùi Quang Tín là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trường Doanh nhân BizLight; Thành viên sáng lập Công ty luật Globalink; Thành viên đoàn Luật sư TP. HCM.

Tiến sĩ Tín có hơn 23 năm nghiên cứu, giảng dạy và làm việc thực tiễn trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng và trên 7 năm nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực pháp lý. Ông đồng thời là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường Đại học lớn trong cả nước và tại các doanh nghiệp, định chế tài chính lớn về các chuyên đề tài chính, ngân hàng, pháp lý…

TS. Bùi Quang Tín cũng đã từng đi du học tại Mỹ để lấy bằng MBA về Quản trị Tài chính Ngân hàng từ năm 2003 và làm việc 3 năm tại ngân hàng Bank of America tại Bang Texas, Hoa Kỳ. Sau khi về nước, ông tiếp tục vừa làm việc tại ngân hàng Sacombank trong lĩnh vực ngoại hối ở vị trí Giám đốc Kinh doanh Ngoại hối và nhận học vị Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng vào năm 2013.

Đồng thời, ông cũng đã tốt nghiệp chương trình cử nhân Luật hệ chính quy tại Trường Đại học Luật TP. HCM năm 2013 và đã chính thức là Luật sư của Đoàn Luật sư TP. HCM cũng như hoàn thành chương trình Thạc sỹ Luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật TP. HCM tháng 9/2017.

Như VNF đã đề cập, ngày 4/4, ông đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về chủ đề giảm lãi suất, và trưa 5/4, ông vẫn còn chia sẻ một bài viết về chủ đề này trên trang facebook cá nhân.

Trong cuộc phỏng vấn này, ông Tín nói lãi suất huy động hiện nay hoàn toàn có cơ sở để giảm tiếp. Bởi nếu ngân hàng giảm mà người dân vẫn gửi thì không có lý do gì ngân hàng không giảm.

"Việc ngân hàng giảm lãi suất huy động cũng tạo điều kiện để ngân hàng giảm áp lực, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh, giảm lãi suất cho vay. Trong điều kiện hiện nay, lãi suất huy động giảm càng nhiều càng tốt để tăng tính cạnh tranh cho các ngân hàng", ông nói.

Nguồn VNF

0 comments:

Đăng nhận xét