9 thg 2, 2020

VPBank ở Top 300 ngân hàng giá trị thương hiệu.. vẫn đầy “phốt”

Không chỉ có số nợ xấu "khủng", Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng từng vướng nhiều lùm xùm khiến dư luận xôn xao. 

Theo bảng xếp hạng do Brand Finance - công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - công bố đầu tháng 2 vừa qua, thứ hạng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng 81 bậc, vượt lên vị trí thứ 280 (năm 2019 là vị trí thứ 361), và trở thành ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 300 ngân hàng có giá trị thương hiệu nhất thế giới.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, VPBank từng không ít lần khiến dư luận xôn xao vì vướng phải nhiều cú "phốt" lớn.

VPBank có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tổng mức nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của 26 ngân hàng đã công bố là 98.242 tỷ đồng. Trong đó, VPBank là một trong 4 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên mức 3%.

Cụ thể, nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank ghi nhận tới 8.901 tỷ đồng, tăng 14,6% so đầu kỳ.

Tuy nhiên do dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng 27% khi đạt 254.186 tỷ đồng nên tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này vẫn duy trì ở mức cao như đầu kỳ là 3,5%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 30%, lên tới 2.420 tỷ đồng.

Riêng nợ xấu của FE Credit lại giảm từ 6,36% xuống 5,21% cuối quý 3/2019.

Tiền trong ngân hàng mất như bị cướp
Theo thông tin trên báo Giao thông vận tải, chiều 4/12, chị N.K.M (trú tại Hà Nội) đã báo ngân hàng VPBank về việc bị kẻ gian lừa tiền để ngân hàng can thiệp và xử lý.

Theo đó, cuối chiều 4/12, chị nhận được tin nhắn từ tổng đài có tên Routee thông báo trúng 1 sổ tiết kiệm từ “SAN SO LOC VANG” tri ân và yêu cầu truy cập vào website http://trian.bank-vp.com để nhận giải, kèm theo số điện thoại liên hệ số 02439959368.

Khi chị M. đăng nhập vào website nói trên thì hiện ngay ra tên miền (https://online.vpbank.com.vn/cb/pages/jsp-ns/login-cons.jsrp), giao diện màu sắc logo, phông chữ, nền… giống hệt website của ngân hàng VPBank mà chị vẫn thường truy cập để thực hiện giao dịch.

Giao diện của website giả mạo. Ảnh: Baogiaothong.

Nhưng ngay lúc ấy, chị nhận được một cuộc gọi hỏi đích danh tên chị (cả tên cũ và tên mới chuyển đổi). Người này cũng đọc luôn 4 số đầu và 4 số cuối của thẻ tín dụng mà chị M. đang sử dụng ở ngân hàng.

Sau đó “nhân viên” này thông báo chị M. đã trúng sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng và yêu cầu chị đọc đầy đủ số tài khoản để hoàn tất việc trao giải.

Linh cảm có điều gì đó không ổn, chị M. gọi cho nhân viên ngân hàng. Và khi đang nói chuyện với nhân viên ngân hàng thì chị M. nhận được tin nhắn báo vào điện thoại với nội dung chị đã vay ngân hàng 360 triệu đồng.

5 giây sau, chị M. tiếp tục nhận được tin nhắn vay thêm 90 triệu đồng. Tiếp 2 giây nữa, chị nhận được tin nhắn báo tài khoản bị trừ 3.507.700 đồng, rồi 500.000 đồng, 500.000 đồng… liên tiếp cứ 2-5 giây lại có 1 giao dịch 500.000 đồng.

Tổng cộng chị M. nhận được 18 tin nhắn với 2 giao dịch vay tổng cộng 450 triệu đồng và 16 tin nhắn bị trừ 11,5 triệu đồng trong tài khoản.

Tin nhắn ngân hàng thông báo về các giao dịch. Ảnh: Baogiaothong.

Thông tin về vụ việc, VPBank cho biết đã tiếp nhận vụ việc của khách hàng N.T.M.K và đã triển khai ngay lập tức các biện pháp bảo vệ cho tài sản của khách hàng tại ngân hàng. VPB cũng đã báo cáo vụ việc tới các cơ quan chức năng để được điều tra làm rõ.

Theo VPB, qua kiểm tra kỹ thông tin nhận thấy, tin nhắn và đường link mà khách hàng nhận được đều là giả mạo VPBank.

Khách hàng mất 26 tỷ đồng trong tài khoản VPBank
Tháng 8/2016, bà Trần Thị Thanh Xuân – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân cho biết, công ty bà có trụ sở ở Củ Chi, TP HCM chuyên mua bán nông sản. Từ cuối tháng 3/2015, công ty có mở tài khoản tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trong mùa mua bán nông sản, khách hàng thanh toán tiền vào tài khoản này ước tính khoảng 26 tỷ đồng.

Tháng 7/2015, bà Xuân đến rút tiền thì nhận thấy 26 tỷ đồng trong tài khoản nêu trên đã biến mất, chỉ còn lại vài trăm nghìn đồng. Khi yêu cầu kiểm tra tài khoản khi đó, bà được nhân viên ngân hàng yêu cầu làm thủ tục đổi chữ ký, vì cho biết chữ ký của bà không giống với các giao dịch trước đây.

Xem sao kê tài khoản sau đó, bà thấy xuất hiện các giao dịch "rút, chuyển" liên tục từ số tiền khách thanh toán chuyển vào. Việc ký séc, chi séc cũng diễn ra liên tiếp trong khi bà chưa hề mua séc lần nào.

Sau khi kiểm tra lại thì thấy trong bản sao kê ghi rõ người mua séc của công ty bà là một nhân viên VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng. Theo bà Xuân, bà Hằng đã thông đồng với một số cá nhân khác tại công ty Quang Huân gồm ông Phạm Văn Trinh (kế toán), Nguyễn Huy Nhựt và Đỗ Đình Bảo.

Điều mà bà Xuân thắc mắc là khi mở tài khoản, bà có đăng ký thông báo giao dịch mobile banking vào số điện thoại cá nhân. Trong sao kê tài khoản cũng thể hiện ngân hàng thu phí mobile banking đầy đủ, nhưng bà không nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch trên.

Bà Xuân phản ánh đã yêu cầu ngân hàng làm rõ việc nhân viên nhà băng Đoàn Thị Thúy Hằng đứng tên mua séc của công ty bà và tiếp tay cho các giao dịch nêu trên nhưng không được hợp tác với lý do nhân viên đã nghỉ việc. Do đó, vị giám đốc này đã gửi đơn tố giác đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM từ tháng 9/2015 nhờ can thiệp.


Chữ ký và chữ viết thật của Phạm Văn Trinh tại phòng công chứng trùng với chữ ký mang tên Giám đốc Trần Thị Thanh Xuân trong tờ séc. Ảnh: SGGP

Trao đổi với báo chí về vụ việc, VPBank xác nhận đã mở tài khoản thanh toán nêu trên cho Công ty Quang Huân ngày 28/3/2015. Việc này dựa trên cơ sở đơn mở tài khoản, mẫu dấu, chữ ký của chủ tài khoản và các hồ sơ, tài liệu kèm theo của Công ty Quang Huân gửi tới ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi mở tài khoản, công ty này đã sử dụng để thực hiện các giao dịch nhận và chuyển tiền cho đối tác.

Đến ngày 19/10/2015, nhà băng đã nhận được đơn tố cáo của cá nhân bà Trần Thị Thanh Xuân với nội dung cho rằng ông Phạm Văn Trinh và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại của công ty số tiền 11,3 tỷ đồng, tức là khác với con số khoảng 26 tỷ mà bà Xuân phản ánh.

Ngân hàng khẳng định sau đó cũng đã hướng dẫn bà Xuân nhân danh Công ty Quang Huân thực hiện khiếu nại theo đúng quy định, làm cơ sở cho ngân hàng thực hiện giải quyết khiếu nại. Nhà băng này cho rằng qua kiểm tra, các chứng từ giao dịch tài khoản của Công ty Quang Huân như chuyển khoản, rút tiền, mua séc… đều được thực hiện ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân với chữ ký, con dấu khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký mẫu với VPBank tại đơn đăng ký mở tài khoản của công ty.

Liên quan đến tin nhắn thông báo giao dịch, VPBank khẳng định, các giao dịch, biến động số dư đều được ngân hàng gửi tin nhắn SMS đầy đủ đến số điện thoại Công ty Quang Huân đã đăng ký (số điện thoại này đã được VPBank xác minh chính là số điện thoại bà Trần Thị Thanh Xuân - chủ tài khoản và người đại diện pháp luật Công ty Quang Huân đang sử dụng).

Ngoài ra, VPBank cho rằng đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự và cần cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ. Mặc dù vậy, sự việc này đã gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của VPBank.

Giá chứng khoán VPB ngày 07/02/2020


Nguồn Báo Kiến Thức


0 comments:

Đăng nhận xét