3 thg 11, 2019

Vụ chuyển nhượng 43ha đất ở Bình Dương: Công ty Kim Oanh nói gì?

Liên quan đến vụ việc chuyển nhượng 43ha đất tại Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) ngày 23-10, CTCP Đầu tư Phát triển Kim Oanh TPHCM - là thành viên sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú - đơn vị liên quan đến việc chuyển nhượng, đầu tư dự án 43ha nói trên -  phát đi Thông cáo báo chí thông tin một số thông tin xung quanh việc chuyển nhượng “lùm xùm” này trong thời gian qua.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh TPHCM, cho biết toàn bộ Dự án Tân Phú là tài sản của doanh nghiệp, không phải tài sản công như thông tin thời gian qua. Ngay từ khi thành lập Công ty Tân Phú thì Thành viên là Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương chỉ là thành viên góp vốn với tỷ lệ 30%. Như vậy, Theo Điều 3 Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 cũng như Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Công ty Tân Phú không phải là doanh nghiệp nhà nước. Toàn bộ quyền sử dụng đất tại Dự án Tân Phú là tài sản, quyền tài sản của Công ty Tân Phú và do vậy, quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và các quyền khác của chủ tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật Dân sự và pháp luật về Doanh nghiệp với các thủ tục phù hợp pháp luật. 

Mặt khác, theo văn bản số 113/TCCT-TCKT ngày 29-10-2018 của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương gửi Thường trực Tỉnh ủy, VP Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương giải trình nguồn gốc tiền đền bù khu đất thuộc Khu Liên hợp Dịch vụ Bình Dương và Đầu tư tại khu đất 43 ha. Theo đó, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương chứng minh nguồn gốc tiền đền bù và chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ thuộc Khu Liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương được hình thành từ vốn vay các doanh nghiệp và vay tín chấp từ ngân hàng, không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Như vậy, từ nguồn gốc tiền để đền bù Khu đất, cho đến tư cách sở hữu tài sản của Công ty Tân Phú đối với Dự án và quá trình chuyển nhượng đều được thực hiện một cách hợp pháp và không hề có sự ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. 

Về giao dịch chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng Công Ty SX-XNK Bình Dương cho Công ty Âu Lạc là phù hợp với quy định pháp luật. Trước khi cổ phần hóa, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương là một doanh nghiệp do Tỉnh ủy Bình Dương thành lập và nắm giữ 100% vốn điều lệ. Do đó, căn cứ theo Điều 42.2(h) của Luật Quản Lý Sử Dụng Vốn Nhà Nước 20144, khi Tổng Công Ty SX-XNK Bình Dương thực hiện việc chuyển nhượng vốn đầu tư thì cần phải xin ý kiến phê duyệt của đại diện chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương. 

Căn cứ các hồ sơ được cung cấp, Tổng Công Ty SX-XNK Bình Dương đã có văn bản số 39/TCTY gửi Tỉnh ủy Bình Dương ngày 13-3-2017 về việc xin chủ trương cho phép chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, tương ứng với 30% vốn điều lệ của Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Ngày 20/4/2017, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã có Thông báo số 287/TB-TU (“Thông Báo 287”) đồng ý chủ trương và cho phép Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương được chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho Công ty Âu Lạc nhưng phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp và chịu trách nhiệm việc ký hợp đồng, thu tiền đúng theo quy định. Sau khi có chủ trương chấp thuận, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đã thuê 2 đơn vị tư vấn thẩm định độc lập để xác định giá đất và xác định giá trị doanh nghiệp làm cơ sở đàm phán với đối tác để chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công Ty Tân Phú. Ngày 02-8-2017, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 30% phần vốn góp của mình tại Công ty Tân Phú với Công Ty Âu Lạc với giá chuyển nhượng trên cơ sở kết quả thẩm định giá và các bên đã hoàn tất các nghĩa vụ của hợp đồng chuyển nhượng góp vốn này.

Mặc dù không tham gia vào việc chuyển nhượng trước đây với TCT Bình Dương nhưng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TPHCM (Công ty Kim Oanh TPHCM) được nhắc đến như một “bên liên quan” đến khu đất này.

Trao đổi với báo chí, bà Đặng Thị Kim Oanh – Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh TPHCM cho biết, tiền thân của Công ty Kim Oanh TPHCM là Công ty A Đông Hải - pháp nhân có chức năng kinh doanh bất động sản. Ngày 2-10-2017, Công ty Âu Lạc chuyển nhượng 1/2 vốn góp, chiếm 50% vốn điều lệ tại công ty Tân Phú cho A Đông Hải. Lúc này thì công ty Tân Phú trở thành công ty TNHH hai thành viên. 

Đến ngày 6-2-2018, công ty Âu Lạc chuyển nhượng 1/2 vốn góp còn lại, chiếm 50% vốn điều lệ tại công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh (lúc này Công ty A Đông Hải đã đổi tên thành Công ty Kim Oanh TPHCM). Quá trình chuyển nhượng 100% vốn của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú cho Kim Oanh đều thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Hiện tại Công ty Kim Oanh đang là chủ sở hữu 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú. 

“Khi mua, tôi hỏi thì dự án này có sổ, có 1/500, đất sản xuất kinh doanh, thấy điều kiện phù hợp quy hoạch, đã được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cơ quan chức năng Bình Dương phê duyệt... Quá trình chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp đều dựa trên Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật thì chúng tôi mới mua. Cụ thể, đầu tháng 10-2017 tôi bắt đầu mua phần vốn góp của công ty Âu Lạc tại công ty Tân Phú. Quá trình này, chúng tôi không hề biết TCT Bình Dương liên quan gì mà chỉ biết công ty Âu Lạc. Bởi vì lúc này công ty Âu Lạc là đơn vị đang sở hữu 100% phần vốn tại công ty Tân Phú, chứ đâu có liên quan gì đến TCT Bình Dương”, bà Oanh cho biết. 

Theo bà Oanh, thời điểm Kim Oanh mua dự án, thị trường bất động sản Bình Dương đang chạm đáy, giá đất rất thấp nhưng ít giao dịch mua bán, hạ tầng cơ sở, giao thông còn hết sức khó khăn, nhiều người nói rằng “thành phố mới Bình Dương vắng như thành phố ma” và không thấy đâu cơ hội phát triển…"Chúng tôi đầu tư vào khu đất 43ha này cũng đã mất đi cơ hội đầu tư các dự án khác tốt hơn, thậm chí mua rồi còn phải mất nhiều chi phí để chuyển đổi từ đất dịch vụ lên đất thổ cư… Kim Oanh quyết định đầu tư trong tình thế chấp nhận mất mát nhiều cơ hội khác, đó thực sự là một canh bạc với rất nhiều khoản vay ngân hàng với lãi suất phải trả hàng tháng rất lớn.

Trước những thông tin về việc thu hồi khu đất 43ha, đại diện Công ty Kim Oanh TPHCM cho biết: “Quá trình chuyển nhượng vốn đã được cơ quan chức năng Bình Dương đăng ký công nhận và hoàn tất pháp lý. Chúng tôi là doanh nghiệp, là bên mua vốn góp, chúng tôi thực hiện các quy định hợp pháp thì pháp luật phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp, không có chuyện nếu có những sai phạm từ lịch sử để lại (nếu có) lại bắt doanh nghiệp hiện thời phải chịu trách nhiệm? Chúng tôi mong sớm có kết luận thanh tra chính thức để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, tránh những tin đồn và ý kiến không chính thức được đưa ra như thời gian vừa qua”.

Nguồn SGGP

0 comments:

Đăng nhận xét