22 thg 4, 2022

Dư nợ cho vay margin vẫn lập kỷ lục ở cuối quý I dù tốc độ đã chậm lại

Dư nợ cho vay (bao gồm cho vay margin và ứng trước) của các công ty chứng khoán tiếp tục lập kỷ lục với trên 201.000 tỷ đồng tại 31/3. Mức tăng dư nợ cho vay margin so với quý trước chững lại với chỉ 3%. SSI là đơn vị có khoản cho vay hay dư nợ margin lớn nhất nhóm CTCK trong quý I/2022.


Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động không mấy tích cực trong quý đầu tiên của năm 2022 trước ảnh hưởng từ những thông tin liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine, Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm... Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, VN-Index đứng ở mức 1.492,15 điểm, tương ứng giảm 0,41% so với cuối năm 2021. HNX-Index giảm đến 5,14% xuống 449,62 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 3,87% lên 117,04 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm so với quý IV/2021. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 31.175 tỷ đồng/phiên, giảm 7%, trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân đạt 29.047 tỷ đồng/phiên.

Thị trường chứng khoán gặp rất nhiều khó khăn trong quý I nhưng lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản chứng khoán vẫn tiếp tục lập kỷ lục và đây là đối tượng ưu thích sử dụng margin (ký quỹ) trong hoạt động đầu tư. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3 đạt kỷ lục 270.011 đơn vị, tăng trở lại 28% so với lượng mở mới của tháng 2. Tính chung cả 3 tháng đầu năm 2022, cá nhân trong nước mở mới 675.081 tài khoản chứng khoán, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

Một lượng tiền rất lớn từ nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đổ vào thị trường. Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 12.421 tỷ đồng ở sàn HoSE trong quý đầu tiên của năm 2022, giảm 44% so với quý IV/2021, trong đó chỉ có 5.325 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.

Dư nợ cho vay (bao gồm cho vay margin và ứng trước) tại các công ty chứng khoán tiếp tục lập kỷ lục với hơn 201.176 tỷ đồng tại 31/3. Tuy nhiên, tốc độ tăng margin chỉ còn 3% (6.080 tỷ đồng), chậm hơn đáng kể so với mức tăng của quý trước luôn ở mức hai chữ số (riêng quý IV/2021 tăng 27%). Tổng lượng cho vay của 10 đơn vị dẫn đầu chiếm khoảng 63,7% toàn nhóm CTCK, thấp hơn so với mức 65% của quý IV/2021.

Tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán tại thời điểm. Đơn vị: Tỷ đồng.

Một số đơn vị đã tiệm cận tỷ lệ margin bằng 200% so với vốn chủ sở hữu được quy định tại Quyết định số 87 hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tiếp tục tham gia mạnh vào thị trường, nhiều CTCK liên tục thực hiện chào bán cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, giúp tăng hạn mức cấp margin bên cạnh nguồn lợi nhuận giữ lại.

Dư nợ cho vay margin của Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vẫn cao nhất nhóm công ty chứng khoán và đạt 21.203 tỷ đồng, tuy giảm 10,5% so với quý IV/2021 nhưng tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán này ở mức gần 137%. Dự nợ cho vay của SSI lớn hơn công ty thứ 2 là 2.720 tỷ đồng.

Theo BCTC hợp nhất quý I, doanh thu hợp nhất của SSI đạt 2.068 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 883 tỷ đồng, tăng lần lượt 36,2% và 66,6% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ dịch vụ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán ghi nhận 566,4 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. SSI cũng vừa hoàn tất giải ngân hợp đồng vay vốn tín chấp từ nhóm các định chế tài chính nước ngoài trị giá 148 triệu USD. Đây là hợp đồng tín chấp nước ngoài lớn mà một công ty chứng khoán Việt Nam tiếp cận được đến thời điểm này. Việc SSI liên tiếp ký được nhiều hợp đồng vay vốn tín chấp là minh chứng cho thấy định mức tín nhiệm của doanh nghiệp đối với các định chế tài chính nước ngoài.

Dư nợ cho vay của 10 CTCK dẫn đầu quý I/2022. Đơn vị: Tỷ đồng.

Trong khi đó, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam vẫn giữ được vị trí thứ 2 về dư nợ cho vay với 18.482 tỷ đồng, tăng 7% so với quý trước. Tuy nhiên, khác với SSI, dự nợ cho vay margin của Mirae Asset đã bằng 185% vốn chủ sở hữu và nếu tính cả phần ứng trước, tỷ lệ này đạt đến 210%.

Dư nợ cho vay của Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) vượt TCBS để đứng ở vị trí thứ 3 với 17.123 tỷ đồng (tăng 11% so với cuối năm ngoái), trong khi của Chứng khoán TP HCM ở vị trí thứ 5.

Dư nợ cho vay của 10 CTCK dẫn đầu quý I/2022. Đơn vị: Tỷ đồng.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét