6 thg 10, 2021

Khả năng sắp xuất hiện 2 cơn bão liên tiếp kết hợp không khí lạnh

Hiện nay áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 7. Ngoài ra, dự báo khoảng ngày 12-13.10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới, cơn bão số 8.

Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đã đưa ra một số nhận định sớm tình hình thiên tai 10 ngày tới và xu thế diễn biến 3 tháng cuối năm 2021. 

Bão số 8 theo sau bão số 7

Theo đó, đáng chú ý chỉ trong 10 ngày từ ngày 6.10 đến 15.10 năm 2021 khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão. Cụ thể, chiều 5.10, một áp thấp nhiệt đới đã hình thành trên vùng biển phía nam biển Đông, ngay trên dải hội tụ nhiệt đới có xu hướng hoạt động mạnh lên trong những ngày tới. Dự báo, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão số 7, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa, sau đó sẽ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 8.10 đến khoảng ngày 12.10.

Dự báo khoảng ngày 10 - 11.10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn áp thấp nhiệt đới/bão nên trong những ngày tới diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão được dự báo cón có diễn biến rất phức tạp, khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, dự báo khoảng ngày 12-13.10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới, cơn bão số 8.

Hiện nay, mưa lớn đang xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ. Dự báo từ ngày 6-8.10, mưa lớn tập trung ở khu vực Bắc Tây Nguyên, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ (từ Quảng Trị đến Phú Yên). Trong đó ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và Kon Tum có khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn.

Từ ngày 8.10-12.10, các tỉnh Trung Trung Bộ, bắc Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn do tác động của không khí lạnh kết hợp với cơn bão số 7. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có dấu hiệu xuất hiện một đợt mưa đặc biệt lớn.

Mưa lớn xảy ra liên tiếp trong thời gian tới với cường suất lớn, lượng mưa rất to. Các tỉnh/thành phố ở Trung Bộ và bắc Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý nguy cơ rất cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng diện rộng.


Tháng 10 và tháng 11 là cao điểm mùa bão

Theo các dự báo hạn dài thì ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 70-80% trong các tháng còn lại của năm 2021. La Nina thường làm gia tăng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới và gây mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Bộ. 

Dự báo trong tháng 10 và tháng 11.2021 sẽ có nhiều áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông. Trong 3 tháng cuối năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Tháng 10 và 11.2021, mưa bão tập trung cao điểm ở khu vực Trung Bộ. Đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức báo động 1 - báo động 2; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3 và có nơi trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất, các trận lũ lớn tập trung trong tháng 10, 11.2021.

Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10.2021. Đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 2 - báo động 3, một số trạm trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại Cần Thơ, Vĩnh Long.

Lượng mưa trong các tháng mùa khô tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa, nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.

Nguồn Báo Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét