15 thg 9, 2021

Nguyên nhân ca nhiễm tăng vọt ở Kiên Giang

Ngoài mầm bệnh âm thầm trong cộng đồng, lãnh đạo Kiên Giang cho rằng tỉnh chưa kiểm soát tốt nguồn lây từ các tài xế khiến ca nhiễm tăng vọt trong đầu tháng 9.


Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND Kiên Giang cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 13/9, tỉnh nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục, phấn đấu đến ngày 20/9, cơ bản chuyển hóa vùng nguy cơ cao và rất cao thành vùng "bình thường mới".

Kiên Giang phát hiện ca hai cộng đồng đầu tiên hôm 23/6, là người nhà của hai bệnh nhân trở về từ Malaysia. Tuy nhiên, dịch bệnh ở địa phương này chỉ bùng phát mạnh thời gian gần đây. Hai tuần đầu tháng 9, tỉnh phát hiện 2.025 ca, tăng 149% so với 14 ngày trước. Cao điểm ba ngày 5-7/9 số ca mắc lần lượt là 345, 201 và 242. TP Rạch Giá có số ca nhiễm nhiều nhất với 1.616 ca, kế tiếp Kiên Lương 570 ca, Hà Tiên 411 ca... Hiện tỉnh đã ghi nhận 3.385 ca nhiễm, 30 ca tử vong.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết nguyên nhân dịch bệnh tăng mạnh vào đầu tháng 9 là do mầm bệnh đã âm thầm ngoài cộng đồng. Tỉnh đã xét nghiệm tầm soát cộng đồng nhưng chưa phát hiện được, đồng thời xác định chưa đúng các khu vực có nguy cơ.

Tỉnh hiện có 669 chốt kiểm soát đường bộ và đường thủy với 5.461 cán bộ tham gia. Tuy nhiên, địa phương chưa kiểm soát tốt nguồn lây từ bên ngoài, đặc biệt là các tài xế chở hàng. "Tài xế có test nhanh âm tính trong 72 giờ nhưng có thể đã để lại mầm bệnh. Tỉnh đã phát hiện nhiều tài xế dương tính khi vào Kiên Giang, việc kiểm soát tại cửa ngõ và ở điểm giao nhận hàng hóa cũng chưa tốt", ông Trung nói.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cũng thừa nhận còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là thực hiện giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, "chặt ngoài nhưng lỏng trong". Tỉnh đã phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, Kiên Giang đã triển khai các tổ y tế, nhưng chưa lập trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn; việc trả kết quả xét nghiệm PCR có lúc chậm.

Theo lãnh đạo tỉnh, mục tiêu 5 ngày tới chuyển hóa vùng nguy cơ cao và rất cao thành vùng bình thường mới được đưa ra trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Tỉnh điều chỉnh công tác sàng lọc, khẩn cấp tách F0 ra khỏi cộng đồng. Trước đó, địa phương đã tầm soát diện rộng hai lần, lần đầu phát hiện 233 ca trong hơn 522.000 người lấy mẫu, lần hai ghi nhận 460 ca nhiễm trong 660.000 người lấy mẫu.

Lực lượng chức năng sẽ quản lý chặt chẽ việc di chuyển trên các tuyến giao thông, các khu cách ly, phong tỏa tại Rạch Giá, Hà Tiên, huyện Hòn Đất, huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành. Công tác này kết hợp giữa lực lượng làm nhiệm vụ với ứng dụng công nghệ trong kiểm soát như camera giám sát, flycam...

Để kiểm soát được dịch, tỉnh kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 20/9 đối với 6 huyện, thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương. Với 9 địa phương còn lại thực hiện Chỉ thị 15.

Trong khi đó, sau khi Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác phòng chống dịch cùng với Kiên Giang, tỉnh Tiền Giang cũng phấn đấu giảm vùng nguy cơ cao, rất cao thành vùng bình thường mới.

Chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường Nguyễn Trãi, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, chiều 14/9. Ảnh: Hoàng Nam

Đến ngày 14/9, Tiền Giang ghi nhận 156 ổ dịch, 12.468 ca nhiễm, 311 ca tử vong. Riêng thành phố Mỹ Tho phát hiện 118 ổ dịch, 5.939 ca nhiễm, 168 tử vong. Trong nửa tháng qua, số ca tử vong ở thành phố tăng cao, thêm 50 ca.

Làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế hôm qua, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND nhận định, hiện các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn tỉnh nguyên nhân chủ yếu là do quản lý các tài xế vận chuyển hàng hóa còn chưa tốt. Địa phương đã chỉ đạo tất cả đơn vị cấp xã, đặc biệt là tại huyện Chợ Gạo và Châu Thành phải kiểm soát chặt việc này. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai bảo vệ "vùng xanh", khi mở rộng đến đâu thì sẽ giữ đến đó.

Ông Vĩnh nêu một số lý do khiến nhiều ca tử vong, như số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỷ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, chưa làm tốt sàng lọc F0 tại tầng một, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức Covid-19 (ICU). Những ngày gần đây, sau khi các bệnh viện dã chiến và ICU hoạt động, công tác sàng lọc tại tầng một và tầng hai tốt hơn, trang thiết bị và đội ngũ y tế đầy đủ hơn, số ca tử vong đã giảm. Tỉnh đang điều trị trên 3.200 ca nhiễm, trong đó 150 trường hợp nặng, 39 bệnh nhân nguy kịch.

Theo ông Vĩnh, trước khi thực hiện chiến dịch tầm soát F0 trên diện rộng, tỉnh có 3 địa phương nguy cơ rất cao, 6 địa phương nguy cơ cao. Qua hai đợt tầm soát, đến ngày 9/9, tỉnh chỉ còn TP Mỹ Tho nguy cơ rất cao. Trong 8 địa phương còn lại, Tân Phước, Gò Công Tây, Cai Lậy, Tân Phú Đông trở lại "bình thường mới".

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét