20 thg 9, 2021

Hơn 53% F0 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 mắc rối loạn lo âu

TP HCM - Khảo sát của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) cho thấy 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm.

Nữ tu, Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy trò chuyện với một bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Đây là kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2), do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách và thực hiện, thông tin ngày 20/9. Những bệnh nhân từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và tỷ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy bệnh nhân hài lòng về mọi mặt trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Khoảng 67% bệnh nhân rất mong muốn được tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong điều trị và sau khi xuất viện.

Trước nhu cầu thực tế của bệnh nhân, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã mời nữ tu, tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (tình nguyện viên, chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) đến khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân Covid-19 tại đây.

Tiến sĩ Thúy cho biết ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, bà đi một vòng quanh bệnh viện, cảm thấy "rất bất lực" vì lượng bệnh nhân nặng nhiều quá. Nhiều trường hợp nặng phải thở máy, nằm hôn mê. Bà tự đặt câu hỏi "không biết mình sẽ giúp được gì" khi mà với ngành tâm lý, chỉ có thể giúp được người bệnh nếu họ còn tỉnh táo, nói chuyện được.

Sau đó, bà chủ động gặp những bệnh nhân còn tỉnh táo để lắng nghe họ giãi bày, trò chuyện. Tiến sĩ Thúy nhận thấy nhiều bệnh nhân cảm thấy lo lắng, hoảng loạn, trầm buồn..., một số khác không thiết ăn uống, trò chuyện. Thấu hiểu bệnh nhân cô đơn khi không có người thân bên cạnh lúc ốm đau, bà kiên nhẫn nói chuyện, giúp những việc đơn giản nhất như cho ăn, masage... Tôn trọng sự riêng tư của người bệnh, bà thỏa thuận nếu họ đồng ý trò chuyện thì ra ký hiệu, hoặc không đồng ý thì bà sẽ đến vào lúc khác.

Bước đầu, chuyên gia nhận thấy F0 ở đây thường gặp ba vấn đề chính là rối loạn lo âu, hoảng loạn, trầm cảm. Một số trường hợp bị hoảng loạn, sợ hãi là bệnh nhân nặng, nguy kịch phải nằm hồi sức tích cực (ICU). Khi tỉnh dậy sau hôn mê, thấy xung quanh nhiều máy móc, dây dợ, thậm chí có người bệnh tử vong khiến họ bị sốc, gặp ác mộng. Bệnh nhân có người thân tử vong vì Covid-19 thì cơn hoảng loạn "thực sự kinh khủng".

Những trường hợp này cần được chăm sóc tâm lý, có người kế bên, đồng hành, lắng nghe, trò chuyện, hoặc dùng một số kỹ thuật tâm lý để giúp họ nối kết, chấp nhận được thực tế từ đó vượt qua trở ngại. Hiện, một vài bệnh nhân được bà hỗ trợ tâm lý đã dần cải thiện.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (tầng cuối trong mô hình điều trị 3 tầng, có quy mô lớn nhất TP HCM) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách được thành lập hồi giữa tháng 7. Tròn hai tháng hoạt động, bệnh viện đã thu dung khoảng 2.900 bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó 2/3 tuổi từ 50 trở lên, kèm bệnh lý nền như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp... Khoảng 50% bệnh nhân đã xuất viện, hoặc giảm từ mức độ nặng sang nhẹ và được chuyển đến bệnh viện tầng dưới tiếp tục điều trị. Số còn lại đều là bệnh nhân nặng và một số đã tử vong.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét