4 thg 7, 2021

Bất chấp VN-Index vượt đỉnh lịch sử, gần trăm mã cổ phiếu vẫn ngược dòng giảm trong nửa đầu năm 2021

Đáng chú ý, danh sách sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2021 có sự xuất hiện của bốn "ông lớn" vốn hóa vượt tỷ đô của chứng khoán Việt.


Cập nhật tới hết phiên giao dịch 30/6, với mức tăng trưởng "nóng bỏng tay" trong thời gian qua, chỉ số VN-Index hiện chỉ xếp sau chỉ số chứng khoán của Abu Dhabi trong danh sách các chỉ số (chính) tăng mạnh nhất trên toàn thế giới.

Nhìn lại nửa đầu năm 2021, giới đầu tư đã chứng kiến đà thăng hoa chưa từng có trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt, hàng loạt kỷ lục liên tiếp bị xô đổ, chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 tại mức 1.408,55 điểm, vượt xa mốc 1.400 kỳ vọng đồng thời đánh dấu sự tăng trưởng 27,6% so với thời điểm bắt đầu của năm 2021.

Tuy nhiên, ngược dòng với xu hướng chung, thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận gần 100 mã cổ phiếu giảm giá trị, thậm chí mất đi hơn nửa về thị giá.

Top 20 cổ phiếu giảm giá trị mạnh nhất 6 tháng đầu năm 2021

Dường như đà lao dốc của cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 chưa có dấu hiệu dừng lại, thị giá chạm đáy lịch sử 20.100 đồng/cổ phiếu trong phiên 2/6, đến nay vẫn liên tục dò đáy. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cổ phiếu này đã đánh mất đi gần 56% giá trị.

Liên tục giảm sút sau sự cố với YouTube, trong năm 2021 Yeah1 đặt kỳ vọng vào sự hợp tác giữa nền tảng - hệ sinh thái bán hàng - phân phối - truyền thông Giga1 và các doanh nghiệp sản xuất. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ trong cả năm nay, dựa trên sự tăng trưởng Giga1 là chủ yếu. Kết thúc quý 1/2021, tuy doanh thu tăng so với cùng kỳ lên mức 289 tỷ đồng, song công ty vẫn báo lỗ sau thuế 52,5 tỷ, lỗ ròng tương ứng 45,6 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu YEG 6 tháng qua

Xếp thứ 2 trong danh sách sụt là cổ phiếu CTCP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings (mã chứng khoán: TN1). Chốt phiên 30/6, TN1 tăng 1,5 điểm lên mức 58.500 đồng/đơn vị, nhưng so với mức đầu năm 2021 vẫn ghi nhận mức giảm hơn 34%. Diễn biến cùng chiều, cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai kết thúc nửa đầu năm 2021 có giá trị giảm gần 26% xuống còn 10.800 đồng (chốt phiên 30/6). 

Bên cạnh đó, cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương đã đánh mất hơn 23% về thị giá trong vòng 6 tháng, chốt phiên cuối tháng 6 tại 6.150 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh quý 1/2021 của OGC không thực sự tích cực khi doanh thu giảm 31% so với cùng kỳ, qua đó ghi nhận mức lỗ hơn 26,3 tỷ đồng.

Mã VJC của Hàng không VietJet trong nửa đầu năm cũng đã ghi nhận giá trị giảm 2,8%, chốt phiên 30/6 tại 121.500 đồng/cổ phiếu. Nếu so sánh với thời điểm kết thúc 5 tháng đầu năm 2021, thị giá VJC đã có sự đi lên qua các nhịp điều chỉnh.

Với dự báo thị trường quốc tế sẽ khởi sắc lại vào quý 4/2021, VietJet đã sẵn sàng cho kế hoạch khai thác thường lệ mạng đường bay quốc tế. Công ty đặt kế hoạch 2021 với doanh thu hợp nhất đạt 21.900 tỉ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2020 nhờ vào việc thúc đẩy mạnh mẽ doanh thu vận tải hàng hóa, mở rộng kinh doanh chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi.

Diễn biến cổ phiếu VJC 6 tháng qua

Những mã cổ phiếu quay đầu giảm trong nửa đầu năm 2021 còn có một số mã khác như FRT của Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (-15,3%), BHN của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (-11,8%), PHR của CTCP Cao su Phước Hòa (-10,2%) hay HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (-3,7%)


Sự góp mặt của các "ông lớn" trong danh sách giảm giá trị

Đáng chú ý, danh sách sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2021 có sự xuất hiện của bốn "ông lớn", vốn hóa vượt tỷ đô của chứng khoán Việt.

Cụ thể, mã cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) sau thời gian dài điều chỉnh đã ghi nhận mức giảm hơn 15,1% về giá trị so với đầu năm 2021, đóng cửa phiên giao dịch 30/6 tại mức giá 90.400 đồng/cổ phiếu. VNM cũng xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại 6 tháng đầu năm nay với giá trị lên đến 6.200 tỷ đồng. 

Tín hiệu đáng mừng là trong tháng 6, cổ phiếu VNM đã bắt đầu được khối ngoại mua ròng trở lại, kéo theo đó là sự lao vào "bắt đáy" của nhà đầu tư nội. Sự thay đổi này có thể xuất phát từ việc Vinamilk chốt quyền trả cổ tức tiền mặt vào đầu tháng 6 cũng như hoạt động kinh doanh trở lại ổn định sau quý I chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Diễn biến cổ phiếu VNM 6 tháng qua.

Ngoài VNM chịu tổn thất do đại dịch, ảnh hưởng của Covid-19 còn tác động nặng nề nhất lên các doanh nghiệp kinh doanh bia rượu - lĩnh vực vẫn chưa thể vực dậy sau chuỗi khủng hoảng bởi dịch bệnh. Trong đó, một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất thị trường hiện nay là SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sau khoảng thời gian trượt dài đã bắt đầu có những tín hiệu khả quan hơn về giá. Tuy vậy, đà phục hồi này cũng chưa thể giúp SAB trở lại vùng giá hồi đầu năm 2021, giá trị sau 6 tháng ghi nhận mức giảm gần 12,6%. 

Cùng tốc độ giảm, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt đã mất 11,5% giá trị kể từ thời điểm đầu năm nay, chốt phiên 30/6 đạt 58.400 đồng/cổ phiếu. Riêng trong quý 1/2021, BVH ghi nhận lãi sau thuế xấp xỉ 499 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước, tuy vậy thị giá từ tháng 2/2021 trở lại đây chỉ loanh quanh ngưỡng 55.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa hiện trong ngưỡng hơn 43,8 nghìn tỷ đồng (~1,8 tỷ USD).

Diễn biến cổ phiếu BVH 6 tháng qua

Giữa bối cảnh hàng loạt mã tăng phi mã trong nhóm cổ phiếu vua, ông lớn NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) lại quay đầu, mất đi 1,4% giá trị so với đầu năm 2021. 

Ghi nhận trong 6 tháng, khối ngoại đã bán ròng gần 1.360 tỷ đồng cổ phiếu BID, đến tận những phiên cuối tháng 6 vẫn chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại khi vẫn tiếp tục "xả hàng". Còn theo BCTC đã công bố, lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của BIDV đạt 3.396 tỷ đồng, tuy tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mức lợi nhuận này vẫn thấp hơn VPBank, MBBank, Techcombank, VietinBank, Vietcombank, những điều này đã tác động lên giá cổ phiếu BID.

Diễn biến cổ phiếu BID 6 tháng qua

Nguồn Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

0 comments:

Đăng nhận xét