21 thg 7, 2021

32 CTCK cho vay 128.600 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán tới cuối quý II/2021

Tổng lượng cho cho vay của 32 CTCK tại thời điểm 30/6 ở mức hơn 128.600 tỷ đồng, tăng gần 25,6% so với quý I. SSI là đơn vị có khoản cho vay hay dư nợ margin lớn nhất nhóm CTCK trong quý II. 


Trong quý II, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của quý II, VN-Index đứng ở mức 1.408,55 điểm, tương ứng tăng 217,11 điểm (18,2%) so với cuối quý I. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 36,65 điểm (12,8%) lên 323,32 điểm. UPCoM-Index tăng 9,11 điểm (11,2%) lên 90,25 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch bình quân quý II đạt 974,6 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 10,5% so với quý I, giá trị giao dịch bình quân tăng đến 38% lên 26.300 tỷ đồng.

Sự cải thiện thanh khoản trong quý vừa qua không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán (CTCK). Theo thống kê của Người Đồng Hành, dư nợ cho vay tại thời điểm 30/6 của 32 CTCK đã công bố báo cáo tài chính quý II đạt hơn 128.600 tỷ đồng dù trong danh sách này còn thiếu 2 cái tên có dư nợ cao ở quý trước là Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và Chứng khoán Vietinbank (CTS). Mức dư nợ margin nói trên cao hơn 25,6% so với cuối quý I, tương ứng mức tăng là 26.200 tỷ đồng và cao hơn 52,8% so với cuối năm 2020 (44.450 tỷ đồng).

Tổng dư nợ cho vay của 32 công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý. Đơn vị: Tỷ đồng.

30 CTCK dẫn đầu có dư nợ cho vay lên tới 120.376 tỷ đồng, chiếm 94,6% tổng dư nợ kể trên, con số này cũng tăng 24,7% tương ứng 23.870 tỷ đồng so với cuối quý I.

Dòng tiền margin từ các nhà đầu tư nội  được cho là góp phần quan trọng giúp thị trường liên tục đi lên trong quý II, trong đó, VN-Index vượt qua mốc 1.400 điểm ngay trong tháng 6. Tuy nhiên, với lượng margin liên tục tăng thêm và duy trì ở mức cao, khiến nhiều công ty chứng khoán gặp phải tình trạng "căng margin" và dẫn đến những đợt rung lắc mạnh của thị trường như đợt đầu tháng 7 vừa qua.

Trước việc thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động, nhiều CTCK muốn tăng nguồn cho vay margin. Để làm được việc này, CTCK cần tăng vốn chủ sở hữu, qua đó nâng giới hạn margin được phép cho vay. Thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán có xu hướng chào bán tăng vốn điều lệ, vừa giúp tăng vốn chủ sở hữu - giúp gián tiếp tăng hạn mức cấp margin, vừa tạo nguồn cho vay khi việc huy động vốn từ trái phiếu đã không còn dễ dàng như năm ngoái do bị siết chặt lại bởi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020.


SSI vươn lên đứng đầu về dư nợ cho vay

Sau 8 quý liên tiếp đứng đầu về dư nợ cho vay của các CTCK, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đã bị Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vượt qua ở quý II này. Trong đó, chỉ tiêu này của SSI (báo cáo công ty mẹ) đạt mức 16.159 tỷ đồng, tăng 45% so với cuối quý I. Trong khi đó, khoản này của MASVN là 15.111 tỷ đồng, tăng 8,8%.

Dư nợ cho vay của 20 CTCK lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. (*) CTCK mới công bố BCTC riêng lẻ.

Theo BCTC riêng mới công bố, doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý II của SSI đạt lần lượt 1.741,8 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) và 703,5 tỷ đồng (tăng 8%), đây cũng là mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục của CTCK này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 3.244,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.231,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 84% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế cho 6 tháng đầu năm của SSI đạt 1.255 tỷ đồng, tăng 90% so với nửa đầu năm 2020 và hoàn thành 64% kế hoạch. 

Dư nợ cho vay (margin) cuối quý II đạt 15.539 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm, cũng là mức kỷ lục đối với hoạt động cho vay ký quỹ của SSI. 

Đối với MASVN, CTCK này đạt 618 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế giảm 3% xuống 151 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu hoạt động đạt 1.140 tỷ đồng, tăng 87% so với nửa đầu năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng 31% lên gần 319 tỷ đồng. Cho vay margin tại thời điểm 30/6 ở mức 13.330 tỷ đồng, tăng 28,7% so với đầu năm và tăng 11,3% so với cuối quý I. Tỷ lệ cho vay margin cuối quý II/vốn chủ sở hữu gần 90%.

Đứng thứ 3 về dư nợ cho vay là Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) với 9.302,3 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cuối quý I. Như vậy, chỉ tiêu này của VNDirect đã vượt qua công ty chứng khoán đứng trên ở quý trước là Chứng khoán TP HCM (HSC, HoSE: HCM). Dư nợ cho vay của HSC chỉ tăng 3,3% so với quý trước.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét