2 thg 5, 2021

Một số cổ phiếu trụ cột bứt phá trong tháng 4, 'tân binh' SCG tăng 326%

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh trong tháng 4, tuy nhiên với sự bứt phá của các mã như NVL, VPB, HPG hay VIC nên VN-Index vẫn giữ được đà tăng. "Tân binh" SCG gây chú ý nhất khi tăng 326% chỉ sau một tháng. Toàn bộ 8 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thị trường chứng khoán (giảm trên 40%) đều thuộc sàn UPCoM và là nhóm có vốn hóa nhỏ với thanh khoản rất thấp.

Tin liên quan: Lỗ thêm 4.900 tỷ trong quý 1, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên hơn 14.200 tỷ, nguy cơ âm vốn cận kề ; VNDIRECT: Rủi ro “Sell in May” gia tăng, VN-Index có thể về dưới 1.200 điểm trong tháng 5


VN-Index đã vượt được đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm ngày 9/4/2018 và thậm chí còn bỏ xa mức này trước sự dẫn dắt của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index đã đạt đỉnh 1.268,28 điểm vào ngày 20/4, sau đó điều chỉnh đáng kể nhưng vẫn giữ được trên mốc 1.200 điểm. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM biến động tiêu cực và giảm điểm trong tháng 4.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, VN-Index đứng ở mức 1.239,39 điểm, tương ứng tăng 47,95 điểm (4,02%) so với phiên cuối tháng 3. Trong khi đó, HNX-Index giảm 4,91 điểm (-1,71%) xuống 281,76 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,73 điểm (-0,9%) xuống 80,68 điểm.

Các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường có sự phân hóa khá mạnh trong tháng 4 và nhóm vốn hóa lớn cũng không nằm ngoài diễn biến này. Trong top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam có 16 mã tăng giá ở tháng 4, trong khi có 14 mã giảm. NVL của Novaland (HoSE: NVL) gây chú ý nhất khi tăng đến 63% chỉ sau một tháng từ mức chỉ 80.500 đồng/cp lên 131.400 đồng/cp. Với đà tăng "sốc" này, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Novaland đang sở hữu gần 217 triệu cổ phiếu NVL tương ứng tổng giá trị hơn 27.750 tỷ đồng và vượt qua bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc VJC để trở thành người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tiếp đến là VPB của VPBank (HoSE: VPB) và HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG) với mức tăng lần lượt 31% và 24%. Mới đây, VPBank đã ký thỏa thuận bán 49% vốn FE Credit cho Sumitomo Mitsui với mức định giá 2,8 tỷ USD. Trong buổi ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 mới diễn ra chiều 29/4, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPB cho biết trong thời gian tới, ngân hàng có thể sẽ tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng, từ nguồn thặng dư vốn và phát hành cho cổ đông chiến lược. Về phần Hòa Phát, doanh nghiệp này tiếp tục được kỳ vọng hoạt động kinh doanh tích cực hơn trước triển vọng giá thép liên tục bứt phá.

Cổ phiếu VIC của Vingroup (HoSE: VIC) cũng là cái tên đáng chú ý và là nhân tố chủ chốt giúp VN-Index tiếp tục giữ được đà tăng trong tháng 4. VIC tăng từ 117.900 đồng/cp lên 131.000 đồng/cp, tương ứng 11,1% chỉ sau một tháng.

Chiều ngược lại, hai cái tên ở sàn UPCoM là VGI của Viettel Global (UPCoM: VGI) và Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) chia sẻ 2 vị trí dẫn đầu mức giảm trong top 30 vốn hóa lớn với lần lượt 17% và 13,4%.

Biến động của 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường chứng khoán tháng 4 là "tân binh" SCG của Xây dựng SCG (UPCoM: SCG) với 326%. Cổ phiếu SCG mới chỉ lên sàn UPCoM từ 12/4 với giá tham chiếu chào sàn là 20.600 đồng/cp, nhưng sau đó cổ phiếu này liên tục bứt phá và leo lên mức 87.774 đồng/cp vào phiên 29/4.

20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tháng tháng 4.

Chiều ngược lại, toàn bộ 8 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thị trường chứng khoán (giảm trên 40%) đều thuộc sàn UPCoM và là nhóm có vốn hóa nhỏ với thanh khoản rất thấp như KIP của K.I.P Việt Nam (UPCoM: KIP), TBD của Thiết bị điện Đông Anh (UPCoM: TBD), GER của Thể thao Ngôi sao Geru (UPCoM: GER)...

20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất tháng 4.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét