1 thg 4, 2021

Khối ngoại mua bán như thế nào gì khi 'xả' ròng 14.600 tỷ đồng trong quý I?

Khối ngoại có quý bán ròng thứ 3 liên tiếp trên HoSE với tổng giá trị 28.800 tỷ đồng. Chuỗi bán ròng trên HNX được nâng lên thành 10 quý liên tiếp. Khối ngoại bán ròng mạnh các cổ phiếu bluechip như VNM, HPG, CTG, POW, VCB... Các chứng chỉ quỹ ETF nội gồm FUEVFVND, FUESSVFL hay E1VFVN30 đều được dòng vốn ngoại gom mạnh.


Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của quý I, VN-Index đứng ở mức 1.191,44 điểm, tương ứng tăng 87,57 điểm (7,93%) với cuối năm 2020. HNX-Index cũng tăng 83,55 điểm (41,13%) lên 286,67 điểm. UPCoM-Index tăng 6,96 điểm (9,35%) lên 74,45 điểm.

Điểm tiêu cực của thị trường đó là khối ngoại bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM. Tính trên toàn thị trường cổ phiếu trong quý đầu tiên của năm 2021, dòng vốn ngoại mua vào 2,56 tỷ cổ phiếu, trong khi bán ra 2,9 tỷ cổ phiếu. Giá trị mua vào ở mức 91.635 tỷ đồng, còn giá trị bán ra là 106.197 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức hơn 354 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 14.561 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn gần 14.200 tỷ đồng (tăng 10,4% so với giá trị bán ròng của quý IV/2020), tương ứng khối lượng hơn 338 triệu cổ phiếu. Như vậy, dòng vốn ngoại sàn này đã bán ròng trong 3 quý liên tiếp với tổng giá trị 28.800 tỷ đồng.

Trong quý I, khối ngoại tập trung bán ròng mạnh các cổ phiếu thuộc nhóm bluechip, trong đó, VNM đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị hơn 4.100 tỷ đồng. HPG và CTG đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 4.070 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng. Các mã POW, VCB, MSB và SSI đều có giá trị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, các chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND, FUESSVFL hay E1VFVN30 đều nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại, trong đó, FUEVFVND dẫn đầu với giá trị gần 3.300 tỷ đồng. Hai CCQ còn lại được mua ròng lần lượt 600 tỷ đồng và 575 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng mạnh ở sàn HoSE là VIC với gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ tính khớp lệnh thì cổ phiếu này bị bán ròng 824 tỷ đồng. KBC, MWG, NVL hay PLX cũng là các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh.

Ở sàn HNX, khối ngoại có quý bán ròng thứ 10 liên tiếp (kể từ quý IV/2018) với giá trị gấp 3,3 lần quý trước đó và ở mức 266 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 19,3 triệu cổ phiếu.

NVB là cổ phiếu được khối ngoại trên HNX mua ròng mạnh nhất với giá trị 240 tỷ đồng, tiếp sau đó là SHS với 110 tỷ đồng. Các vị trí tiếp theo thuộc về BAX, VCS, SZB... nhưng giá trị mua ròng không quá lớn. Chiều ngược lại, PVS bị bán ròng mạnh nhất sàn này với 207 tỷ đồng. SHB và BVS bị bán ròng lần lượt 146 tỷ đồng và 107 tỷ đồng.

Tại sàn UPCoM, khối ngoại cũng có quý bán ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị giảm 37% so với quý trước và ở mức 131 tỷ đồng, tuy nhiến, nếu xét về khối lượng thì dòng vốn ngoại sàn này vẫn mua ròng hơn 3 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại trên UPCoM mua ròng mạnh nhất mã BSR với giá trị 105 tỷ đồng. MCH và ABR đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 104 tỷ đồng và 93 tỷ đồng. Trong khi đó, VTP bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 450 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là MSR với 99 tỷ đồng. 

Lý do nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh thời gian qua được ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) lý giải tại buổi tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững”, thứ nhất, sau khi Chính phủ Mỹ liệt kê Việt Nam vào danh sách có biểu hiện thao túng tiền tệ khiến nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan ngại. Thứ hai, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thời gian qua không nhiều - dẫn đến lo ngại khó khăn có thể quay trở lại khi những chính sách này kết thúc. Thứ 3 đến từ việc cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ngoại. Thời điểm nhà đầu tư nước ngoài giải ngân, VN-Index chỉ hơn 600 điểm. Hiện tại, chỉ số này xung quanh vùng 1.2000 điểm, P/E của TTCK đã lên 17-18 lần. Vì vậy, đây là thời điểm để khối ngoại cơ cấu danh mục đầu tư.

Ông Sơn cho biết thêm, khối ngoại trước đây sở hữu 21-22% tổng số cổ phiếu lưu hành trên thị trường chứng khoán và hiện mới chỉ rút ra khoảng 3%, xuống 18,5%. Quan trọng hơn, khối ngoại bán ròng và để dưới trạng thái tiền mặt chứ không rút khỏi thị trường. Trong khi đó, ông Vũ Bằng - Nguyên Chủ tịch UBCKNN chia sẻ thêm lượng tiền mặt của nhà đầu tư ngoại trên tài khoản hiện khoảng 2,7 tỷ USD, trong khi con số cuối năm 2020 là 1,2 tỷ USD.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét