18 thg 7, 2020

Công nhân PouYuen xoay xở sau khi mất việc

LONG AN - Mỗi sáng, thay vì lên xe đưa đón công nhân về TP HCM, Huỳnh Thị Hoàng, 37 tuổi, rẽ một hướng khác, trên tay cầm xấp vé số.
18h30, chị Huỳnh Thị Hoàng (bìa trái) lấy vé số tại đại lý để bán sau một ngày làm việc tại công ty. Ảnh: Hoàng Nam.

5h sáng, chị Hoàng, ở xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa đạp chiếc xe cà tàng ra đầu đường lớn. Thay vì gửi xe ở nhà người quen bắt xe buýt đi hơn 50 km đến Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP HCM) làm việc như mọi khi, chị rẽ về hướng chợ xã, trên tay là xấp vé số 300 tờ. Hôm nay là ngày thứ tư chị bị công ty cho nghỉ việc vì hết hàng. Lo thu nhập giảm, Hoàng tranh thủ lấy thêm vé số bán, mong kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Đỗ chiếc xe đạp ven đường, chị ghé vào một quán nhậu. Thoáng thấy bóng người bán vé số từ xa, nhóm người xua tay liên tục, tỏ ý từ chối. "Sau dịch bệnh, nhiều người mất việc, ai cũng khó khăn nên bán cũng ế ẩm lắm. Có ngày tôi phải đạp xe mấy chục cây số mới hết vé", người phụ nữ vừa mất việc kể.

17 năm trước, Hoàng theo nhóm bạn xin vào làm tại Công ty "Bon Chen" (cách người miền Tây phát âm từ PouYuen). Hai năm sau, chị có chồng, sinh con trai đầu lòng. Gửi con cho bên nội, vợ chồng Hoàng cố gắng làm việc, tích cóp để tám năm trước xây căn nhà cấp bốn trên mảnh đất nhỏ cha mẹ cho. Nhà xây xong phần thô, anh Hiền - chồng Hoàng - vừa làm bảo vệ tại công ty, chưa kịp lĩnh lương tháng đầu tiên bị tai nạn xe máy. Sau khi bán mảnh vườn nhỏ và vay mượn khắp nơi hơn 100 triệu đồng chạy chữa thuốc thang cho chồng, hỗ trợ người bị tai nạn, gia đình Hoàng lâm vào cảnh khánh kiệt.

Bình quân mỗi tháng, tính luôn tiền tăng ca, thu nhập của chị khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này lo cho cuộc sống cả nhà, tiền ăn học hai đứa con 15 tuổi và 6 tuổi mỗi tháng 2 triệu đồng, tiền thuốc men cho chồng, trả dần số nợ 20 triệu đồng từ 8 năm trước.

Chiều tối, trong khi vợ còn bán vé số mưu sinh, anh Hiền chậm rãi ra phía sau nhà tắm cho con, dắt hai con bò nhỏ vợ chồng tích cóp nhiều năm mua được vào chuồng. Đang đi, con bò bỗng dở chứng đứng im, người đàn ông 39 tuổi, nặng chưa đến 40 kg, người gầy đét như que củi chỉ biết đứng nhìn bất lực. Sau tai nạn, một nửa ánh sáng hy vọng của đời anh đã tắt theo đúng nghĩa đen, khi một mắt đã mù hẳn, hai quai hàm bị vỡ, chệch hướng nhau và vẫn còn kẹp inox. Mỗi khi anh cố sức lôi con bò, chiếc ống nhân tạo nối từ não đến dạ dày ngăn tràn dịch hiện rõ lên sau lớp da mỏng dính.

"Nhiều khi nghĩ đời mình giờ như phế nhân, vợ chồng phải đổi vai cho nhau. Mình giờ chỉ nấu cơm nước cho con, đến cả việc chạy xe máy đưa đón con đi học cũng không làm nổi, phải nhờ ông nội", anh Hiền nói, mắt đượm buồn.

Gia đình chị Hoàng chỉ là mảnh ghép nhỏ trong bức tranh ảm đạm gần 2.800 công nhân bị Công ty PouYuen cho nghỉ việc gần một tháng trước do ảnh hưởng dịch Covid-19. Riêng tại huyện Đức Hòa có hàng nghìn công nhân làm việc cho công ty này, trong đó hàng trăm người bị thôi việc, chủ yếu tại các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, Hiệp Hòa.

Mới vài tháng trước, tại khu vực ngã ba, ngã tư đường ở vùng này, tầm ba, bốn giờ sáng đã tấp nập xe đưa rước công nhân chạy thành từng đoàn hơn 20 chiếc, tiếng còi xe, tiếng người cười nói vang cả màn đêm. Còn bây giờ, đoạn đường vắng lặng, chỉ lưa thưa vài chuyến.

Cách nhà chị Hoàng 2 cây số, bà Võ Thị Oanh (49 tuổi) sau khi mất việc mỗi sáng cùng chồng dậy sớm ra chợ mua rau, thịt về nấu bánh canh, cháo lòng bán cho những người trong xóm. Sau 13 năm làm tại công ty với mức lương hơn 8 triệu đồng mỗi tháng, bà Oanh cùng chồng dành dụm được ít vốn, sửa sang lại căn nhà, nuôi đứa con trai út đang học trường nghề. Một tháng trước, bà cùng con trai thứ hai, vừa làm bốn năm bị Công ty PouYuen cho nghỉ việc.

"Làm lâu quen nên nghỉ cũng buồn, giờ mỗi sáng bán lời hơn 100.000 đồng. Thu nhập có giảm nhưng tôi vẫn còn may mắn vì còn có việc để làm", bà Oanh nói và cho biết khoảng 100 triệu đồng Công ty PouYuen hỗ trợ sẽ được bà gửi tiết kiệm phòng khi "trái gió trở trời".

Sau khi thôi việc, do đã có tuổi nên bà Nguyễn Thị Thanh (47 tuổi), hàng xóm có cùng thâm niên làm việc với bà Oanh quay trở về với nghề chằm nón truyền thống ở địa phương. Những chiếc lá mật cật được bà Thanh đặt mua từ Tây Ninh, sau đó dùng chỉ nylon, khung tre gia công.

"Mỗi ngày làm bình quân được 10 cái, mỗi cái nón bán giá 13.000 đồng, trừ chi phí còn lời 7.000 đồng, xài tiện tặn lắm cũng chỉ đủ trang trải ăn uống cho một ngày", bà Thanh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh làm nghề chằm nón sau khi mất việc, mỗi ngày kiếm khoảng 70.000 đồng. Ảnh: Hoàng Nam.

Trong "cơn bão dịch bệnh", không phải ai cũng may mắn có việc để làm, kể cả là thu nhập thấp. Buổi chiều, anh Đinh Thành Tánh (thâm niên 16 năm tại PouYuen) ngồi trước hiên nhà hút thuốc, mắt nhìn bầu trời mây đen xám xịt rồi lắc đầu. Mất việc gần một tháng nay, trong khi công ty ở địa bàn đều gặp khó khăn, ít nhận người, mỗi ngày anh phải chạy quanh xóm xin làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh mỗi bữa hơn 200.000 đồng. Ba ngày rồi, ngày nào trời cũng mưa, không trộn hồ được nên anh đành phải ngồi nhà.

Khi đang cố gói ghém sống qua ngày, chờ công ty giải quyết tiền chế độ thâm niên dự kiến vào giữa tháng sau, con trai anh 15 tuổi hai tuần trước bị đau ruột thừa. Không có bảo hiểm, ca mổ tính hết chi phí hơn 10 triệu đồng, anh Tánh phải chạy vay mượn khắp nơi. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ gần mười năm trước, người đàn ông 40 tuổi trở nên buồn chán, làm tháng nào ăn hết tháng đó. Căn nhà nhỏ lợp bằng tôn, vách cây vì thế trống huơ không có gì ngoài chiếc xe máy cũ và chiếc quạt phun hơi nước mua trả góp để chống nắng nóng.

"Nói ra xấu hổ, chứ mấy bữa nay thất nghiệp hai cha con tui phải qua nhà mẹ ruột ở gần phụ việc lặt vặt, ăn ké cơm đỡ tốn tiền đi chợ", anh Tánh nói. "Miệng ăn núi lở", anh Tánh dự định, 138 triệu đồng được công ty hỗ trợ sắp tới sẽ dành một phần nhỏ sửa lại nhà. Phần còn lại anh sẽ để dành cho con trai, rồi cố tìm công việc có thu nhập ổn định dù lương thấp.

Anh Đinh Thành Tánh lâm vào cảnh thất nghiệp sau khi bị mất việc. Ảnh: Hoàng Nam.

May mắn hơn các đồng nghiệp cùng quê, sau bốn hôm bị cho nghỉ việc, Huỳnh Thị Hoàng được công ty gọi đi làm trở lại. Do khó khăn, công ty không còn hỗ trợ tiền xe đưa rước, mỗi tháng chị phải bỏ thêm 300.000 đồng chi phí đi lại.

Bởi vậy, mỗi ngày, Hoàng vẫn tự đặt cho mình một lịch trình đều đặn: 3h30 dậy chuẩn bị đón xe, 6h đến công ty, tranh thủ phụ bán cho căn tin, mỗi tháng được trả thêm vài trăm nghìn và được ăn miễn phí bữa sáng. Hơn 16h tan ca, 6h30 xuống xe, Hoàng đến đại lý nhận vé, sau đó đạp xe đi bán. Ngày thường, chị chỉ lấy 100 tờ, chỉ ngày chủ nhật hoặc ngày công ty cho nghỉ mới lấy thêm.

Thường 20h chị Hoàng mới về đến nhà. Khi đó cơm canh đã nguội lạnh, chị cố lùa vội cơm, tranh thủ nghỉ lấy sức chuẩn bị cho một ngày bận rộn hôm sau. 4h sáng, Hoàng lại đi bộ ra đầu đường đón xe, trên tay vẫn còn gần 50 tờ vé số hôm qua bán chưa hết. Đi được khoảng 10 phút, chị bỗng ngồi xuống, cau mặt chịu cơn đau ở hai chân do bị chuột rút vì làm việc quá sức.

Như mọi hôm, khi nào bán ế, tranh thủ lúc trên xe chị nhờ bạn bè mua ủng hộ. "Những cô chú lớn tuổi hoặc những người làm việc từ 18 năm trở lên thường sẽ bị công ty cho nghỉ trước, mà bây giờ em đã làm được 17 năm mấy tháng rồi", Hoàng nói, vừa thở dài dù đã bán hết xấp vé số.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét