25 thg 7, 2020

Các sân bay chỉ cách nhau 100 cây số đường chim bay: Lãng phí!

Trong số 22 sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) quản lý và khai thác, không kể sân bay Vân Đồn, đến nay chỉ có 6 sân bay hoạt động có lãi, cáng đáng cho 16 sân bay còn lại vẫn đang chịu lỗ.
Vị trí đề xuất xây dựng sân bay Quảng Trị cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) hơn 90km và cách sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) hơn 100km - Đồ họa: T.ĐẠT

Thậm chí một số sân bay có sản lượng khách vượt công suất thiết kế nhưng kinh doanh vẫn chưa có lãi. Vậy mà Cục Hàng không vừa đề nghị Bộ GTVT phê duyệt xây sân bay Quảng Trị với tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng.

Thông tin từ ACV cho biết nhiều sân bay vẫn đang có công suất hoạt động khá thấp so với thiết kế, doanh thu không đủ bù chi phí như sân bay Chu Lai, Tuy Hòa, Rạch Giá, Điện Biên... Chẳng hạn với sân bay quốc tế Cần Thơ, công suất 3-5 triệu khách/năm nhưng đến nay chỉ khai thác khoảng 30% công suất, doanh thu chỉ đạt 100 tỉ/năm trong khi chi phí lên đến 200 tỉ đồng, nên ACV phải bù 100 tỉ đồng cho các khoản chi phí khấu hao, sửa chữa...

Từ thực tế này có thể thấy việc đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng để làm sân bay Quảng Trị là chưa tính đến bài toán hiệu quả kinh tế, hay nói một cách khác là một sự lãng phí, dù là tiền ngân sách hay xã hội hóa. Quảng Trị nằm giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Bình, với 2 sân bay đang hoạt động hiệu quả là sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) và Đồng Hới (Quảng Bình), dễ dàng đi lại bằng đường bộ đang phát triển với khoảng cách đến các sân bay này khoảng 100km.

Một lãnh đạo của ACV cũng thừa nhận mạng lưới sân bay ở VN hiện khá dày đặc, với các sân bay chỉ cách nhau khoảng 100km nếu tính theo đường chim bay, trong đó phần lớn các sân bay đều hoạt động chưa hiệu quả. Nếu xây sân bay Quảng Trị, lượng khách ở Phú Bài và Đồng Hới sẽ bị chia ra, kéo theo 2 sân bay này sẽ vắng khách hơn, trong khi lượng khách ở đây chỉ tăng đột biến theo mùa, còn lại rất vắng. Trong khi đó nếu nhu cầu đi lại không nhiều, rất khó để các hãng mở đường bay đến.

Lãnh đạo một hãng bay cũng cho biết việc mở đường bay đến các sân bay địa phương thời gian qua rất hạn chế, nhiều đường bay phải đóng cửa sau 2-3 tháng khai thác do không đạt được tỉ lệ 60-80% số ghế, dù được địa phương hỗ trợ nhưng vẫn thua lỗ. "Có thêm 1 sân bay sẽ phong phú hơn cho hành trình khách đi lại. Nhưng việc mở đường bay đến hay không hãng bay phải căn cứ vào nhiều yếu tố, không phải sân bay nào cũng khai thác", vị này nói.

Làm sân bay hoạt động hiệu quả là tốt, nhưng các địa phương nhỏ chỉ cách nhau 100km có một sân bay quả là chẳng khác gì tâm lý nhìn nhau theo kiểu nơi khác có ta cũng phải có, với số vốn rất lớn nhưng hiệu quả không cao sẽ gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt về vốn, tài nguyên đất… Với số vốn lớn để xây sân bay mà trước mắt đã nhìn thấy hiệu quả không cao, tại sao các địa phương không dồn lực để phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt sẽ tốt hơn xây dựng sân bay?

Một đồng tiền dẫu là ngân sách hay tiền xã hội hóa cũng cần được tính đến hiệu quả, huống gì là tiền ngàn tỉ. Nếu không, tiền sẽ bay theo những cuộc đua phong trào với những hậu quả đáng tiếc để lại về sau.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét