24 thg 6, 2020

Ngân hàng đòi nợ, giám đốc muốn công ty bảo hiểm trả thay

Khi không trả được nợ ngân hàng, Giám đốc CTCP Đầu tư nghiên cứu Hóa chất công nghiệp đề nghị Tòa án xem xét trách nhiệm của đơn vị bảo hiểm khoản vay.

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa VPBank và CTCP Đầu tư nghiên cứu Hóa chất công nghiệp.

Theo đó, năm 2017, VPBank cho CTCP Đầu tư nghiên cứu Hóa chất công nghiệp vay hơn 1 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động thương mại hóa chất.

Giám đốc CTCP Đầu tư nghiên cứu Hóa chất công nghiệp là ông Hà Viết Ngọc đã ký hợp đồng bảo lãnh, đồng ý dùng toàn bộ tài sản bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.

Sau này, do Công ty không trả nợ đúng hạn, ngân hàng đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp Công ty không trả được nợ, người bảo lãnh là ông Ngọc phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay. Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền tiến hành xác minh, kê biên, thu giữ, phát mại tài sản của ông Ngọc để thu hồi khoản nợ.

Tại tòa án, ông Ngọc trình bày rằng, khi vay nợ ngân hàng thì có mua bảo hiểm khoản vay của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prevoir và đã đóng phí bảo hiểm 10,5 triệu đồng. Ông Ngọc đề nghị Tòa án làm rõ khoản tiền bảo hiểm, để trả cho ngân hàng.

Đại diện Mirae Asset Prevoir cho biết, có ký hợp đồng bảo hiểm với CTCP Đầu tư nghiên cứu Hóa chất công nghiệp, phí bảo hiểm là 10,5 triệu đồng/năm, thời hạn mua bảo hiểm là 2 năm, ông Ngọc là người được hưởng bảo hiểm. Trường hợp ông Ngọc chết hoặc thương tật vĩnh viễn thì Công ty bảo hiểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm đối với ngân hàng bằng số tiền mà Công ty Đầu tư nghiên cứu Hóa chất công nghiệp đã vay hoặc số tiền còn chưa trả hết. Số tiền còn lại sẽ được trả cho người thừa kế nếu ông Ngọc chết hoặc chi trả cho chính ông Ngọc nếu chỉ bị thương tật.

Đại diện Công ty khẳng định đây là bảo hiểm nhân thọ cho cá nhân ông Ngọc, không phải bảo hiểm cho Công ty Đầu tư nghiên cứu Hóa chất công nghiệp. Đến nay hợp đồng bảo hiểm này chưa phát sinh trách nhiệm cho đơn vị bảo hiểm.

Tại cấp sơ thẩm, Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ngân hàng, bác một phần yêu cầu về lãi suất. Tòa án cho rằng, theo Bộ luật Dân sự, đối với phần lãi suất quá hạn, áp dụng lãi suất không quá 20%. Do đó, buộc Công ty Hóa chất công nghiệp phải trả 1 tỷ đồng.

Vì vấn đề lãi suất, ngân hàng kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại và chấp nhận mức lãi suất theo hợp đồng.

Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTPTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về lãi, lãi suất, phạt vi phạm thì trong tranh chấp hợp đồng tín dụng, phải áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng Bộ luật Dân sự.

Do đó, Tòa án sửa bản án sơ thẩm, buộc Công ty Đầu tư nghiên cứu Hóa chất công nghiệp phải trả ngân hàng số tiền 1,036 tỷ đồng.

Đối với hợp đồng bảo hiểm nói trên, Tòa án nhận thấy trách nhiệm của công ty bảo hiểm chưa phát sinh, ông Ngọc cũng không có yêu cầu độc lập. Vì vậy, Tòa án không xem xét.

Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán

0 comments:

Đăng nhận xét