21 thg 4, 2020

Hàng loạt chuỗi bán lẻ lớn Golden Gate, The Coffee House, KFC... gửi thư cầu cứu lên Chính phủ và các Bộ: Nếu doanh nghiệp không được hỗ trợ kịp thời, nguy cơ phá sản rất cao!

Theo đại diện của các chuỗi bán lẻ - dịch vụ lớn nhất Việt Nam, nếu Chính phủ và các bên liên quan không hỗ trợ họ kịp thời theo những kiến nghị trên, thì nguy cơ phá sản của họ rất cao. 

Có thể nói, khi đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng căng thẳng, phức tạp và khó lường, thì các chuỗi bán lẻ - dịch vụ chính là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu nặng nề nhất. Chuỗi càng lớn mức độ ‘tàn phá’ của dịch Covid-19 càng dữ dội.

Theo chia sẻ từ đại diện các chuỗi, thì dù phải đóng cửa không kinh doanh, nhưng họ phải trả tiền mặt bằng, tiền nhân công…; trong khi dù chuyển sang bán online và mua mang đi, thì do nhu cầu của người tiêu dùng giảm, doanh thu của họ hầu như không đáng kể.

Thế nên, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi mới đây, một số chuỗi lớn tại Việt Nam như Golden Gate, The Coffee House, Aka House, Dairy Queen, Otoke Chicken, Guardian, Coffee Club, nhà hàng Hoàng Yến, 30Shine, Thế Giới Di Động, Kids Plaza… đã đứng ra làm một bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính Phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính.

Trong đó, họ nêu 3 kiến nghị về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ - dịch vụ trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, là: Xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng; hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tài chính; chấp thuận hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và mua hàng mang đi trong thời gian cách ly.


Chỉ một số ít đối tác thấu hiểu và hợp tác hỗ trợ điều chỉnh giá thuê mặt bằng
Trong Kiến nghị thư có những đoạn như thế này: Do nguy cơ lây lan của đại dịch Covid-19, người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập động người, khiến các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ hầu như không có khách hàng từ tháng 2/2020 và phải đóng cửa từ ngày 26/3/2020.

Điều này gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là tại Hà Nội – TP. HCM, khi các cửa hàng hầu như không có doanh số, song vẫn phải gánh chịu các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi nhân viên nhằm góp phần duy trì an sinh xã hội nói chung và ổn định cuộc sống người lao động nói riêng.

Ngay khi xảy ra địch Covid-19 và doanh thu từ hoạt động kinh doanh suy giảm rõ rệt, chúng tôi đã chủ động và tích cực đàm phán với các đối tác cho thuê mặt bằng về các biện pháp hỗ trợ như điều chỉnh giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ thanh toán… Tuy vậy, chỉ một số ít đối tác thấu hiểu và hợp tác hỗ trợ, còn lại phần lớn đối tác không xác định đại dịch Covid-19 là một sự bất khả kháng và yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuê, phí dịch vụ đầy đủ cho thời gian tạm dừng kinh doanh do dịch Covid-19.

Trong bối cảnh khó khăn đó, một số doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ đã linh hoạt trong kinh doanh như đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến (thông qua website TMĐT của doanh nghiệp hoặc sàn giao dịch điện tử), giao hàng tận nơi.... đã phần nào tháo gỡ khó khăn hiện tại.

Việc bán hàng trực tuyến chưa thể bù đắp được doanh thu sụt giảm của kênh truyền thống, song đây vẫn là một cơ hội, hướng đi tích cực. Tuy nhiên, một số cơ quan quản lý địa phương không xác định việc kinh doanh trực tuyến này là hoạt động được phép thực hiện trong khoảng thời gian cách ly dù doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ quy định về phòng và chống dịch bệnh.

Dịch Covid-19 còn khiến các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ đột ngột mất thanh khoản dòng tiền, rơi vào tình thế không thể thanh toán tiền mặt như điều kiện kinh doanh bình thường. Nếu không có phương án cho dòng tiền, các doanh nghiệp bán lẻ và địch vụ đứng trước nguy cơ phá sản rất cao. Điều này khiến cho không chỉ hàng triệu lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu gia đình, mà hệ lụy tới hàng ngàn doanh nghiệp là nhà cung cấp, đối tác chiến lược cũng bị suy thoái theo và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

3 kiến nghị của các chuỗi bán lẻ và dịch vụ
Đầu tiên, xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 447/QD-TTg về việc công bố dịch Covid-19.

Ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong khả năng nhưng không khắc phục được thiệt hại cho dịch Covid-19 gây ra.

Căn cứ các điều kiện trên, có thể xác định dịch Covid-19 thỏa mãn các điều kiện của sự kiện bất khả kháng đối với các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ. Tuy nhiên, để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh các tranh chấp phát sinh khi xử lý các vấn đề của thỏa thuận thuê mặt bằng kinh doanh, kính đề nghị Chính phủ xem xét và xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng.

Thứ hai, Chính phủ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về tài chính, như giảm 50% giá các dịch vụ tiện ích như điện, nước cho các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ đến 31/12/2020; miễn 50% thuế giá tịnh gia tăng thu được và hoãn nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp (50%) đến ngày 31/12/2020; hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong năm 2020 đến hết 31/12/2020; hoãn nộp các loại bảo hiểm bắt buộc phát sinh trong năm 2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Đặc biệt, Chính phủ có thể hỗ trợ chi trả: 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với các trường hợp là người lao động của doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ, tuy vẫn còn còn việc làm nhưng thu nhập sụt giảm nghiêm trọng vì thời gian làm việc đã bị cắt giảm xuống dưới 104 giờ/tháng, do dịch Covid-19.

Cuối cùng, chấp thuận hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và mua hàng mang đi trong thời gian cách ly.

Thống nhất việc cho phép thực hiện hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi, mua hàng mang đi tại tất cả các tỉnh thành phố trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 với điều kiện doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định về phòng chống dịch bệnh.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét