23 thg 4, 2020

Biển Đông: Trung Quốc “chĩa vũ khí” vào tàu của Hải quân Philippines

Philippines vừa tức giận lên tiếng phản đối việc Trung Quốc chĩa “radar điều khiển hỏa lực” vào một tàu của Hải quân Philippines ở Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines cho biết, nước này đã gửi công hàm phản đối ngoại giao cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chiều muộn ngày hôm qua (22/04/2020).
Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ sự tự do hàng hải ở Biển Đông. (Ảnh minh họa)

Trung Quốc gần đây liên tục có những động thái gây sóng gió ở Biển Đông và khiến nhiều nước bất bình.

Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Locsin cho hay, Trung Quốc hồi giữa tháng Hai đã chĩa “radar điều khiển hỏa lực” vào một tàu của Hải quân Philippines. Hệ thống radar thường khóa mục tiêu trước khi tiến hành một cuộc tấn công thực sự.

Một quan chức giấu tên của Philippines cho hay, mặc dù tàu của Trung Quốc không bắn vào tàu Philippines nhưng hành động của Trung Quốc là “rất thù địch” và “vô cớ”.

Bất chấp tình hình dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn tiến hành một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông chiến lược nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp của nước này ở trong khu vực.

Kể từ hồi tháng Một, khi tình trạng lây lan virus corona bắt đầu bùng phát nghiêm trọng ở Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc cùng với các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và các lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã liên tục hoạt động ở những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, đối đầu với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của khu vực và quấy rối các ngư dân.

Hồi đầu tháng này, một tàu tuần tra của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam.

Trước đó, hồi giữa tháng Ba, Trung Quốc đã triển khai hai trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, hôm 18/4, Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Việt Nam đã ngay lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ các động thái của Trung Quốc, khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Cũng trong tháng này, tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc - Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) đã bám sát theo một tàu khai thác của công ty dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia ở Biển Đông.

Và theo thông tin từ phía Philippines, hồi giữa tháng Hai, tàu Trung Quốc đã chĩa “radar điều khiển hỏa lực” vào một tàu của Hải quân Philippines.

“Dường như là bất chấp việc Trung Quốc phải chống lại dịch bệnh, nước này vẫn đang nghĩ đến việc thực thi các mục tiêu chiến lược lâu dài. Trung Quốc muốn tạo ra một thế nguyên trạng mới ở Biển Đông - nơi họ sẽ làm chủ và để làm điều đó họ đang ngày càng trở nên hiếu chiến”, ông Alexander Vuving – một giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, đã nhận định như vậy.

“Trung Quốc đã vạch ra một chiến lược tỉ mỉ nhằm tìm cách lợi dụng tối đa cái mà họ xem là giây phút xao nhãng và sự suy giảm năng lực của Mỹ để gây sức ép với các nước láng giềng”, ông Peter Jennings - một cựu quan chức quốc phòng Australia và hiện giờ là Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho hay.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Khi Trung Quốc leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ cũng đã gia tăng áp lực với Trung Quốc bằng những lời chỉ trích, lên án công khai cùng với các hoạt động quân sự. Mỹ liên tục cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cùng với Mỹ, các nước như Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia... cũng đã có những động thái nhất định nhằm phản đối các đòi hỏi chủ quyền và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nguồn vnmedia.vn

0 comments:

Đăng nhận xét