11 thg 3, 2020

Ngân hàng bắt đầu chịu tác động bất lợi từ Covid-19

Tín dụng giảm tốc không phải là một mối lo duy nhất, mà các nhà băng đang phải đối mặt trước những hệ lụy khác mà dịch Covid -19 gây ra.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức cuối tuần trước, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân  hàng BIDV cho biết, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19; trong đó hoạt động ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng cũng chịu ảnh hưởng.

Năm 2020, BIDV lên kế hoạch huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 9%. Tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (hiện BIDV được giao là 9%); lợi nhuận trước thuế hợp nhất kế hoạch 12.500 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2019; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng cũng nhấn mạnh, đây là kịch bản tích cực nhất khi chưa tính đến tác động của dịch bệnh Covid-19. 

“Ngân hàng sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được ĐHĐCĐ giao, nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông”, ông Tú nói.

Cũng theo Chủ tịch BIDV, 2 tháng đầu năm, ngân hàng vẫn hoạt động bình thường và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, dư nợ giảm cho vay giảm 2%, huy động giảm 1,6%.

Đây được đánh giá là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay do tác động kép của dịch Covid-19 và nhu cầu của người dân.

Còn đại diện Eximbank thì cho biết, qua thống kê từ các báo cáo của các đơn vị kinh doanh của ngân hàng, có khoảng 10% dư nợ cho vay của khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân bị tác động bởi dịch bệnh, các khó khăn này diễn ra trên diện rộng cả nước, tập trung nhiều nhất tại TPHCM; Nha Trang; Đà Nẵng và các tỉnh miền Tây Nam bộ với các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất là kinh doanh khách sạn, các homestay, nhà hàng ăn uống, các khu du lịch, giải trí và xuất khẩu nông sản/các ngành công nghiệp phụ trợ sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.

“Tính đến thời điểm hiện nay, Eximbank đã và đang khẩn trương xử lý đối với đề xuất của 515 khách hàng với tổng dư nợ tương ứng 5.400 tỷ đồng về việc hỗ trợ gia hạn, điều chỉnh lịch trả nợ…”, ngân hàng này cho biết.

Tại VPBank, đại diện ngân hàng này ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh nên không có nhiều nhu cầu vay vốn, dù các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất thấp. 

Dù vậy, tín dụng giảm tốc không phải là một mối lo duy nhất mà các nhà băng đang phải đối mặt. 

Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái cũng đặt ra lo ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu. Và nguy cơ này cũng phần nào được lượng hóa khi phần dư nợ liên quan bước đầu đã được xác định.

Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, đã có 23 tổ chức tín dụng báo cáo về cơ quan này và ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã cấp tập chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễm giảm lãi vay…

Đây là một động thái cần thiết để ngành ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, và cũng là cách để tự gỡ khó cho chính mình.

Nguồn BizLive

0 comments:

Đăng nhận xét