19 thg 3, 2020

'Năm hạn' của ngành hàng không Việt Nam: 'Bốc hơi' 30.000 tỷ đồng và kịch bản xấu

Trước những diễn biến khó lường từ dịch Covid-19, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, ngành hàng không đã thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng. Còn trên thị trường chứng khoán, vốn hoá của ngành hàng không đã mất khoảng 85.000 tỷ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và các bộ ngành, năm 2020 sẽ là năm “ác mộng” của ngành hàng không Việt sau nhiều năm tăng trưởng “hai con số".

Hủy, hoãn hàng loạt chuyến bay
Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, từ cuối tháng 1/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến nay, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.

Cụ thể, các hãng hàng không đã cắt toàn bộ chuyến bay Trung Quốc, Hàn Quốc; cắt giảm 25% số chuyến bay Đài Loan (còn 172 chuyến/tuần so với 231 chuyến/tuần), trong đó, các hãng Việt Nam cắt giảm 34% chuyến bay (còn 99 chuyến/tuần, so với 151 chuyến/tuần cuối năm 2019).

Đường bay Hồng Kông cũng đã cắt giảm tới 69% số chuyến bay (còn 36 chuyến/tuần, so với 115 chuyến/tuần cuối năm 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam gần như cắt hoàn toàn (92%), chỉ còn Vietnam Airlines bay 4 chuyến/tuần (so với 47 chuyến/tuần cuối năm 2019).

Đường bay Nhật Bản hiện chưa cắt giảm chuyến bay (vẫn giữ 160 chuyến/tuần), nhưng các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới.

Theo ước tính, thiệt hại do việc cắt giảm đường bay khiến ngành hàng không Việt thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng. Con số này đã tăng mạnh so với những ước tính trước đó: khoảng 10.000 tỷ đồng hồi đầu tháng 2 và 25.000 tỷ đồng cuối tháng 2.

Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trước tháng 4 tới, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với 2019. Trong đó, các hãng hàng không Việt vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so cùng kỳ).

Kịch bản xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so 2019 Trong đó, các hãng của Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).

"Tích luỹ của Vietnam Airlines trong 4-5 năm qua đã "bốc hơi" vì dịch"
Cơn khủng hoảng ngành hàng không không chỉ đến trong sản xuất kinh doanh mà trên thị trường chứng khoán cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh từ 25- 40 % giá trị cổ phiếu.

Điển hình là mã HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trên sàn HoSE mất 37,2% giá trị trong giai đoạn từ 30/1 đến hết phiên giao dịch ngày 16/3. Giá cổ phiếu giảm đồng nghĩa vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines cũng bay hơi 17.303 tỷ đồng.

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines cho biết: “Covid-19 đã kéo lùi ngành hàng không thế giới 4-5 năm và tích lũy của Vietnam Airlines trong 4-5 năm qua đã bốc hơi vì dịch. Hiện hãng đang thừa khoảng 40 chiếc máy bay khi nhu cầu di chuyển hàng không của hành khách giảm sốc. Tính tổng cộng, 20.000 lao động ở trong và ngoài nước của hãng đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19”.

Còn với mã VJC của Vietjet Air cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh. Mã này đã mất 31,74% giá trị cổ phiếu trong giai đoạn từ 30/1 đến 16/3. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cũng vì dịch mà hụt mất 24.358 tỷ đồng.

Thiệt hại lớn nhất về vốn hóa thị trường ngành hàng không Việt Nam vì dịch Covid-19 là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Cổ phiếu của doanh nghiệp đã mất 27,94% giá trị sau khi dịch bùng phát, khiến ACV sụt giảm 40.710 tỷ đồng vốn hóa thị trường.

Trong khi đó trên sàn OTC, mã BAV của Bamboo Airways cũng đang được giao dịch phổ biến quanh mức 30.000 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với mức trên 60.000 đồng trước khi dịch bệnh bùng phát.

Hàng loạt doanh nghiệp phụ trợ hàng không khác trên sàn chứng khoán cũng không ghi nhận biến động cổ phiếu khả quan. Các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS), Công ty Cổ phẩn Dịch vụ Hàng không Taseco (AST), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) đều bị dịch Covid-19 cuốn bay 1.000 - 1.600 tỷ đồng vốn hóa thị trường.

Làm thế nào để “giảm lỗ” cho ngành hàng không?
Trước những thiệt hại nặng nề do Covid 19 gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành chỉ thị số 11 cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hàng không. Tuy nhiên, hiện việc triển khai chỉ thị số 11 đang diễn ra khá chậm.

Để đẩy nhanh việc “giải cứu” ngành hàng không, Bộ GTVT mới đây đã đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng cho phép Bộ GTVT ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.

Theo đó, “áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa, dự kiến từ 1/3 đến hết 31/5, và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3 đến hết 31/5 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác”.

“Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, Bộ GTVT đề nghị thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Trao đổi với VietnamFinance, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho hay: "Những đề nghị của Bộ GTVT là hợp lý, kịp thời, tại những mục mà Bộ GTVT và Cục hàng không có thể thực hiện theo thẩm quyền như giảm một số loại phí, giá dịch vụ sân bay, dịch vụ cất hạ cánh… thì cần phải thực hiện nhanh để giảm lỗ cho các hãng hàng không”.

“Ngoài ra, đối với các mục thuế khác như: thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, giãn thuế hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách… không thuộc quyền hạn Bộ GTVT mà có liên quan đến các Bộ, ban ngành khác thì cần có sự chung tay vào cuộc của Chính phủ, các Bộ ngành khác tháo gỡ nhanh cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành hàng không sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, nếu không "giải cứu" kịp thời sẽ có những "kịch bản" xấu đối với hàng không”, bà Cúc chia sẻ.

Nguồn VNF

Tin liên quan:

0 comments:

Đăng nhận xét