10 thg 3, 2020

'Đại chiến' Vinasun - Grab: Vinasun không đồng ý mức bồi thường 4,8 tỉ đồng

Sáng 10-3-2020, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Ông Trương Đình Quý - phó tổng giám đốc Vinasun tại tòa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Không đồng ý mức bồi thường
Tại phiên tòa, đại diện Vinasun trình bày kháng cáo là do không đồng ý với việc bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường 4,8 tỉ đồng mà không chấp nhận phần yêu cầu đòi bồi thường hơn 36 tỉ đồng do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun.

Vinasun cho rằng bản án sơ thẩm căn cứ trên kết quả giám định của Công ty Cửu Long do tòa án trưng cầu giám định, Grab có hành vi vi phạm pháp luật, Vinasun có thiệt hại thực tế. 

Trên cơ sở đó, bản án sơ thẩm khẳng định có quan hệ giữa hành vi vi phạm pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun nhưng lại không chấp nhận thiệt hại do sụt giảm vốn hóa thị trường của Vinasun là không hợp lý. Sự sụt giảm của Vinasun tương ứng với số lượng tăng đầu xe của Grab.

Còn Grab kháng cáo về các nội dung: Tòa án không có thẩm quyền giải quyết, có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng, sai phạm trong xác định thiệt hại, TAND TP.HCM không có thẩm quyền đưa ra các kiến nghị.

Grab cho rằng tòa án không có quyền giải quyết vụ việc. Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng khi không triệu tập Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý Grab, không triệu tập người làm chứng, cơ quan giám định là Công ty Cửu Long...

Về vi phạm trong việc áp dụng pháp luật, Grab cho rằng khuôn khổ hoạt động của Grab là đề án thí điểm chứ không phải Nghị định 86 nhưng bản án tuyên Grab vi phạm Nghị định 86 là sai. Đồng thời không có căn cứ chứng minh chi phí xe nằm bãi là thiệt hại thực tế do đây là những chi phí Vinasun luôn phải chịu. Hơn nữa, bản án không chứng minh được thiệt hại này do Grab gây ra mà có thể do Vinasun thay đổi cơ cấu hoạt động của mình.

Grab cho rằng nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn với văn bản quy phạm pháp luật cao hơn thì tòa án có quyền kiến nghị hủy bỏ văn bản đó chứ không có quyền kiến nghị thay đổi các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Grab khẳng định chỉ cung ứng phần mềm

Luật sư Lưu Tiến Dũng bảo vệ lợi ích của Grab tại tòa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại tòa, đại diện Grab khẳng định Grab xây dựng phần mềm, còn hợp tác xã (HTX) là người quyết định giá cước, nhưng trước khi quyết định thì HTX bàn bạc với Grab, sau đó cập nhật giá cước đó vào phần mềm. Grab căn cứ vào Quyết định 24 để hoạt động.

Giải thích việc trong một khung giờ nhưng có nhiều mức giá khác nhau, Grab cho rằng đơn vị này không đề mức giá mà đó là ưu điểm khi áp dụng công nghệ của đề án 24 bởi Grab thu thập thông tin khách hàng.

Về bảo hiểm cho hành khách, Grab cho rằng bảo hiểm do HTX mua, tuy nhiên Grab cũng tự nguyện mua bảo hiểm cho bên thứ 3 để đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe. Khi khách hàng thanh toán bằng thẻ thì HTX ủy quyền cho Grab thu hộ cước phí, Grab giữ lại chi phí ứng dụng, còn lại Grab chuyển cho HTX. 

Grab đóng vai trò tạo ra sàn giao dịch điện tử cho các doanh nghiệp vận tải tham gia. Grab thu phí cố định 20-25% doanh thu, 75-80% doanh thu chia lại cho HTX. Grab dựa vào doanh thu được chia sẻ lại để căn cứ vào đó đóng thuế.

Về "cáo buộc" vi phạm pháp luật về khuyến mãi, Grab khẳng định 100% đã gửi thông báo đến Sở Thương mại và các khuyến mãi đều nhằm mục đích khuyến khích người dùng tìm hiểu 1 dịch vụ mới và đều có sự đồng ý của các HTX đối tác.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét