19 thg 2, 2020

Review phim Ex Machina: Nỗi ám ảnh đến từ tương lai

Nói không ngoa, Ex Machina là một trong những bộ phim hay nhất năm 2015. Phim khoa học viễn tưởng nhưng đẹp một cách rất “đời”.
Tạo hình người phụ nữ robot đầu tiên (Nguồn: The Partially Examined Life)

Các bộ phim khoa học viễn tưởng nhuốn màu sắc kinh dị thường có chung một thông điệp: sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo, lằn ranh mong manh giữa con người và máy móc, cuộc sống con người bị kiểm soát khắp mọi nơi. The Matrix và The Terminator là hai trong số các phim tiêu biểu của thể loại này. Còn tựa phim Ex Machina mà người viết đề cập trong bài này không sở hữu những cảnh hành động gay cấn như những phim vừa kể. Thay vào đó, phim Ex Machina hướng trọng tâm của mình tới sự bất an trong giao tiếp xã hội, và nỗi sợ bất kể thời đại của con người: Liệu người mà ta tiếp xúc có chân thành như ta tưởng, hay tất cả chỉ là giả dối.

1. Cốt truyện mê hoặc của phim Ex Machina
Câu chuyện bắt đầu khi Caleb (Domhnall Glesson), một lập trình viên làm cho việc cho một công ty lớn đã chiến thắng một cuộc thi mà phần thưởng là chuyến đi đến ngôi nhà hoang vắng của Nathan (Oscar Isaac) – giám đốc công ty. Đến nơi, Nathan mới thông báo cho Caleb biết ông ta đã tạo ra một con robot tên Ava, và Caleb sẽ giúp ông ta kiểm tra xem cô ta đủ khả năng hòa nhập với xã hội hay không.

Caleb bắt Ava thực hiện bài kiểm tra Turing (Thông tin bên lề: Một bài kiểm tra mức độ giống người của robot trong hành vi và nhận thức. Bài kiểm tra này lấy tên cha đẻ của nó, Alan Turing. Cũng năm 2014, bộ phim Turing Test ra mắt xoay quanh cuộc đời Alan Turing). Qua bài kiểm tra này, Caleb muốn xem liệu cô ta có đủ thông minh, đủ quyết đoán, đủ cá tính so với những chương trình trước đây hay không. Vấn đề ở đây là, tại sao Nathan lại tạo ra một Ava quá quyến rũ. Một cô gái với đôi mắt mê hoặc và đường cong hoàn mĩ. Một sinh vật ma mị nhưng thẹn thùng ngay lập tức bỏ bùa Caleb.

Nỗi băn khoăn dấy lên, nhưng không chỉ riêng về AI. Ava quan tâm đến Caleb vì cô ta được thiết kế như con người, hay chỉ vì cô ta đang lợi dụng Caleb để đổi lấy tự do? Nhưng nếu là lợi dụng đi chăng nữa, đó chẳng phải bản năng sinh tồn của con người sao? Đó là vấn đề cốt lõi của bộ phim Ex Machina, dù bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề khác dần được mở ra khi Caleb khám phá ngôi nhà của Nathan: Điều bí ẩn trong những dự định của Ava.

2. Ai đáng sợ hơn ai?
Ava chính là femme fatale (Một thuật ngữ nói về người phụ nữ có nét đẹp chết người, ví dụ: Mỹ nhân ngư tàu Argo chạm trên trên hành trình lấy bộ lông cừu vàng trong thần thoại Hy Lạp cổ), hấp dẫn và ngây thơ như những người phụ nữ đẹp nhất, nhưng khó lường.

Đó là vì cô ta được Nathan thiết kế. Đằng sau vẻ ngoài lực lưỡng của người đàn ông ấy là một mối đe dọa vô hình. Lại một vai diễn xuất sắc nữa của Isaac. Cái hay của phim Ex Machina, không nằm ở những pha hành động gay cấn, nhưng khán giả phải rùng mình khi phát hiện ra động cơ thật sự của mỗi nhân vật: Nathan tiến hành bài kiểm tra, không chỉ với Ava mà còn với cả Nathan.

Xuyên suốt bộ phim, Nathan và Caleb tranh cãi về cái gọi là “tạo ra cuộc sống” mà thông qua đó, đạo diễn Garland đặt ra những vấn đề trong tương lai. Với Nathan, bản năng giới tính là một phần quan trọng khiến robot trở nên giống người, đó chẳng phải là việc chúng ta đang làm với những con búp bê tình dục hay sao?

3. Những ẩn dụ sâu sắc
Có thể liên hệ Ex Machina với những tác phẩm khác nhau. Xét về khía cạnh giao tiếp xã hội, Caleb của Garland rơi vào hoàn cảnh gần như tương tự Bovary của Flaubert – một người phụ nữ đắm chìm trong những cuốn tiểu thuyết diễm tình, quyết bỏ cuộc sống gia đình buồn tẻ để chạy theo cuộc sống bấp bênh của hai tên cướp. Về phần Caleb, anh bất đắc dĩ tham gia một bài kiểm tra, được một cô gái đẹp như mộng rót vào tai những lời đường ngọt: “Hãy cùng nhau chạy trốn”. Rốt cuộc, Bovary của Flaubert đã uống thuốc độc tự vẫn. Nhưng ít ra, nàng cũng được tự do lựa chọn cái chết. Còn Bovary của Garlan chịu một cái kết còn cay đắng hơn thế. Bị giam trong một căn phòng, gặm nhấm nỗi đau phản bội đến khi chết dần chết mòn.

Đáng lẽ một robot xinh như vậy không được tạo ra? (Nguồn: Transhumanity)

Một hình ảnh đẹp đến phũ phàng của Garland. Cũng trong phim có đoạn, Ava đi qua một căn phòng toàn hình nộm, chọn cho mình một bộ cánh hấp dẫn để khoác lên khung “xương”. Liệu có phải Garlan muốn nhắn nhủ: Nếu cứ cam chịu làm nô lệ cho công nghệ, sẽ đến một ngày con người bị công nghệ phản bội? Giữa giá trị đạo đức với việc tạo ra robot nữ liên quan gì đến nhau? Xa hơn nữa là vấn đề nhân sinh Garland muốn trải ra cùng khán giả: Liệu ai cũng tốt đẹp như chính vẻ ngoài của họ?

Nhưng Ex Machina còn là một lời mỉa mai chua chát về thần thánh. Nếu thường xuyên tiếp xúc với văn hóa phương Tây, chắc hẳn ai cũng biết tới thuật ngữ “Deus Ex Machina”, nghĩa là “God from Machine”. Đằng này, Garland chỉ để lại “Ex Machina” và lược mất “Deus” đi, như muốn ngụ ý rằng: Chẳng có Thượng Đế nào ở đây cả. Chỉ có con người và máy móc lao vào trò chơi của sự phản bội.

Trong Kinh Thánh, Caleb là người đàn ông đi tìm Đất Hứa của Chúa và tin tưởng sẽ tới được miền Đất Hứa đó. Chúa đã tưởng thưởng cho đức tin của ông. Khi “Deus” đã không còn, Caleb của Garland thay vào tìm được Đất Hứa lại trở về với Miền Ảo Vọng. Ava có lẽ đọc trại từ Eva, người phụ nữ đầu tiên của nhân loại, vì lời dụ dỗ của con rắn mà ăn phải trái cấm, dẫn tới bi kịch bị Thượng Đế đuổi khỏi Địa Đàng.

4. Kết
Phim Ex Machinacứ lạnh lùng trải ra trước mắt người xem những góc khuất của xã hội. Về phần Garland – một tiểu thuyết gia lâu năm nhưng là một đạo diễn mới toanh, ông cho thấy khả năng xây dựng những hình ảnh đa tầng nghĩa cũng như dàn nhân vật có chiều sâu. Kể từ đây, cái tên Garland chắc chắn sẽ còn làm nức lòng những tín đồ điện ảnh.

Nguồn elleman

0 comments:

Đăng nhận xét