14 thg 11, 2019

Mục tiêu đạt điểm hòa vốn của chuỗi Bách hóa Xanh có thể bị trì hoãn

Ban lãnh đạo MWG cho biết mục tiêu đạt điểm hòa vốn trước khi tính đến chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (G&A) của Bách hóa Xanh có thể bị trì hoãn vài tháng so với ban đầu, chủ yếu do hiệu suất thấp của 2 trung tâm phân phối mới tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ mà Bách hóa Xanh đã mở rộng ra gần đây.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mới đây đã tổ chức cuộc gặp gỡ nhà đầu tư.

Liên quan đến chuỗi Bách hóa Xanh, theo tường thuật của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), ban lãnh đạo MWG cho biết mục tiêu đạt điểm hòa vốn trước khi tính đến chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (G&A) của Bách hóa Xanh có thể bị trì hoãn vài tháng so với ban đầu, chủ yếu do hiệu suất thấp của 2 trung tâm phân phối mới tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ mà Bách hóa Xanh đã mở rộng ra gần đây.

Bách hóa Xanh hiện có mặt tại 3 tỉnh trong khu vực này với tổng cộng 15 cửa hàng. Tuy nhiên, Bách hóa Xanh cần đầu tư trước cho các trung tâm phân phối để mở đường cho việc mở cửa hàng mới trong tương lai.

Theo đó, chi phí trung tâm phân phối trên doanh thu (bao gồm chi phí hoạt động trung tâm phân phối và chi phí vận chuyển hàng hóa từ trung tâm phân phối đến các cửa hàng) đã tăng lên mức khoảng 5,5% trong những tháng gần đây so với mức 4,5%-5,0% trước đây.

Theo ban lãnh đạo MWG, nếu Bách hóa Xanh giữ số lượng cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức 700 như kế hoạch ban đầu (thay vì đã mở rộng lên đến hơn 900 cửa hàng ở thời điểm hiện tại) thì chuỗi này đã có thể hoàn thành mục tiêu đã đề cập là đạt mức hòa vốn trước khi tính đến chi phí G&A trong tháng 9/2019.

Đối với sự sụt giảm doanh số trung bình tại mỗi cửa hàng của Bách hóa Xanh xuống còn khoảng 1,35 tỷ đồng trong tháng 9/2019 so với mức hơn 1,5 tỷ đồng trong tháng 8/2019 và khoảng 1,6 tỷ đồng trong tháng 6/2019 (ước tính của VCSC), ban lãnh đạo MWG cho hay, bên cạnh mùa mưa ảnh hưởng chất lượng sản phẩm tươi sống cũng như làm giảm lưu lượng khách đến cửa hàng trong giờ cao điểm, sự tập trung quá mức của ban lãnh đạo vào việc giảm bớt tỷ lệ hủy hàng tươi sống đã dẫn đến tình trạng thiếu hàng tại Bách hóa Xanh trong tháng 9.

Ban lãnh đạo MWG đã điều chỉnh vấn đề này vào giữa tháng 10 và doanh số của Bách hóa Xanh đã cải thiện kể từ thời điểm đó.

Bách hóa Xanh đặt mục tiêu sẽ đạt doanh số trung bình/cửa hàng/tháng ở mức 1,5 tỷ đồng đối với cửa hàng theo mô hình chuẩn (khoảng 150-200m2/cửa hàng) và 3 tỷ đồng cho cửa hàng mô hình lớn (khoảng 300m2/cửa hàng).

Ban lãnh đạo MWG cho rằng mục tiêu này có thể sẽ được hoàn thành ngay trong năm sau.

Biên lợi nhuận gộp của chuỗi này (đã trừ đi chi phí hàng hóa hư hỏng và mất mát) tăng lên mức gần 20% trong tháng 9/2019 so với khoảng 18% cuối năm 2018, nhờ tăng cường mua hàng trực tiếp từ nhà cung cấp và tối ưu hóa quy trình thu mua.

Phía MWG cho biết, biên lợi nhuận gộp trước khi loại trừ hàng hóa hư hỏng và mất mát đã cải thiện lên mức khoảng 24% tại thời điểm hiện tại; đồng thời kỳ vọng mức biên lợi nhuận gộp này có thể tăng lên 27%-28% vào cuối năm 2020, một phần được hỗ trợ bởi quy mô lớn hơn của chuỗi.

MWG cũng kỳ vọng số lượng cửa hàng Bách hóa Xanh đạt khoảng 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2020. Trong khoảng 1.000 cửa hàng mới dự kiến sẽ được mở trong năm 2020, theo kế hoạch sẽ có 70-80% cửa hàng được mở tại TP. HCM và miền Nam, trong khi số cửa hàng còn lại sẽ được mở tại khu vực miền Trung.

Đối với chuỗi Điện máy Xanh, tính đến ngày 13/11/2019, MWG đã có 974 cửa hàng và đang đi đúng tiến độ hoàn thành kế hoạch có tổng cộng 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2019 so với mức 750 cửa hàng cuối năm 2018.

Ban lãnh đạo MWG cho rằng tốc độ mở cửa hàng mới của Điện máy Xanh sẽ hạ nhiệt trong năm 2020 khi công ty dự định tập trung tăng chất lượng cho chuỗi cửa hàng.

MWG tin rằng vẫn còn dư địa để tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận gộp cho chuỗi Thế giới di động và chuỗi Điện máy Xanh, một phần nhờ vào cơ cấu sản phẩm tốt hơn.

Trong đó, doanh thu từ sản phẩm gia dụng và dụng cụ nhà bếp được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2019 và 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Tương tự như các sản phẩm bách hóa, MWG đặt mục tiêu mở rộng danh mục nhãn hàng riêng cho sản phẩm gia dụng và thiết bị nhà bếp trong năm 2020.

Nguồn VNF

0 comments:

Đăng nhận xét