16 thg 9, 2019

86 tỷ - điệu buồn dân sinh

Hàng loạt tiếng nói không đồng tình về việc tỉnh Bình Định quyết định tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ tại đường Võ Nguyên Giáp, TP.Quy Nhơn với số tiền 86 tỷ đồng.

Ông Vũ Hoàng Hà - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - nói không kém gay gắt, là đừng có kiểu làm tượng, làm phù điêu theo tư duy nhiệm kỳ; đây là nút giao thông rất nguy hiểm với mật độ xe cộ đông, làm phù điêu ngay vách núi đó, chỉ cần đứng lại coi là ùn tắc ngay hoặc vừa chạy vừa ngó, dứt khoát gây tai nạn.

Dân tình ca thán, Bình Định là tỉnh nghèo thứ 12 cả nước. Tiền đó dùng để xóa đói giảm nghèo, làm trường học, y tế, xây cầu cho dân đi.

Con số hộ nghèo cho thấy,  hết năm 2018, Bình Định còn 56.258 hộ, chiếm tỷ lệ 8,82% trên tổng số hộ dân; nặng nhất là các huyện miền núi, đơn cử như Vĩnh Thanh, tỉ lệ này lên đến  44,33%, hộ cận nghèo chiếm đến 16%; toàn tỉnh hiện có gần 28.000 trẻ em đang sống trong hộ gia đình nghèo và cận nghèo, trên 11.200 trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và học tập…

Điệu buồn từ dân sinh, đem ra soi rà như thế, để thấy chuyện đem 86 tỷ đồng tạc vào núi để dân chiêm ngưỡng, xem ra lay lắt hắt hiu quá. Ai đi xem, nếu biết được con số đó, nghĩ gì?

Nghĩ gì không cần biết, tỉnh cứ quyết làm.

Người dân Tuy Phước bị lũ làm sập nhà năm 2016
Họa sĩ Viết Hiền - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, sống tại Bình Định - nói: “Vớ vẩn! Ông Vũ Hoàng Hà nói đúng đó, tai nạn là chết. Tượng này quá to (từ ranh giới chân núi cắt bạt theo hình cánh cung, vị trí sâu nhất là 25m, vị trí gần nhất là 10-20m. Phía trên đỉnh, dọc theo mô hình phù điêu và đồi núi, xây dựng mương thu nước không cho nước chảy về phía mặt phù điêu. Tổng chiều dài hình cong phù điêu 80m, vị trí cao nhất của phù điêu là 36m). Muốn xem gần thì phải nằm sát đất ngóng cổ lên, còn xa thì phải cách hơn 100m, gần đầu cầu dẫn qua Nhơn Hội, thì hỏi chiêm ngưỡng cái gì"?

Một cán bộ Sở VH-TT-DL tỉnh nói, phù điêu sẽ được làm với quy mô và nghệ thuật hoàng tráng. Vậy xin hỏi, nghệ hoành tráng có phải là to không? Không, nó có ngôn ngữ của nó. Ví dụ, anh đặt một cái tượng bằng ngón tay trên bàn, thì nó sẽ hoành tráng, chứ không cứ phải to vật vã như thế. Tiếp, địa chất nơi tạc là kém, người ta mời cơ quan địa chất đến khoan, nói đất tốt, mai này đục vào đó, nó bục ra, ai chịu?”.

Nghĩ không ra, vẫn cứ làm, tỉnh đã quyết.

Tại Bình Định còn nhiều hộ nghèo cần tiền để dựng nhà, mưu sinh
Gần 20 năm qua, “dịch” tượng đài, quảng trường hàng chục đến cả ngàn tỷ đồng vẫn liên tục phát triển, nhưng chỉ có các nhà nghiên cứu văn hóa và dư luận xót tiền, chán ngán lối sáng tác lỗi thời thô kệch, được sơn phết bằng những mỹ từ rỗng tuếch ngân nga điếc tai lên tiếng, còn cơ quan quản lý nhà nước thì im; rồi chẳng thấy cấp cao hơn là Quốc hội, Chính phủ lên tiếng dứt khoát chuyện này, rằng chấm dứt làm tượng đài đi, đừng phí tiền dân đóng thuế.

Giáo dục  lòng yêu nước  khi đất nước còn nghèo, không phải bằng cách đó. Thử hỏi, bao nhiêu tượng đài được các tỉnh sốt sắng làm ra lâu nay, cái nào có giá trị mỹ thuật cao, được tôn vinh, nhớ đến, hay là chỉ được phủ bằng những giáo huấn nhàm tai?

Có thể dừng lại không? Không, Bình Định đã nhận được cái gật đầu từ Bộ VH-TT-DL rồi. Mai này, chỗ phù điêu ấy mà xảy ra tai nạn, không biết “Cha Mẹ” trên núi nhìn cháu con bể đầu gãy cẳng, có nước mắt ngắn dài không?

Không biết, chỉ biết mùa mưa lũ đã và đang về, để coi năm nay nếu nó ập vô Bình Định mà gây tang thương cho dân tình, công trình dân sinh, tỉnh Bình Định có kêu gào Chính phủ cấp gạo cấp tiền không? Nếu có, thì nhắn bà con Bình Định nhớ giùm, là đề nghị chính quyền có phát gạo tiền cứu trợ, cứ ra chỗ phù điêu đó là hay nhất.

Nguồn phunuonline.com.vn

0 comments:

Đăng nhận xét