25 thg 7, 2019

Xây lại từ đầu sau lần “ra riêng” thất bại

Nếu là doanh nhân, hãy thoải mái với khái niệm thất bại, bởi không ai có thể loại trừ khả năng này xảy ra với bạn.

Trên thực tế, có khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ không thể qua khỏi năm đầu tiên. Gần 50% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động đến ngày kỷ niệm 5 năm thành lập. Chỉ 1/3 doanh nghiệp vẫn mở cửa kinh doanh sau 10 năm.

Hãy nhớ rằng, “ra riêng” thất bại không thể kết thúc sự nghiệp của bạn. Tìm phương án đối mặt và không để nó định nghĩa bản thân chính là cách duy nhất giúp bạn tiến lên và bắt đầu lại. Cùng Career Builder Việt Nam tham khảo một số lời khuyên thiết thực của các doanh nhân và chuyên gia khởi nghiệp – những người đã tích luỹ được đôi ba bài học thấm thía sau hành trình vươn lên từ đống tro tàn.

Tập chấp nhận và tự chăm sóc


Thất bại xảy ra với cả những người tài giỏi nhất trong chúng ta, vì vậy đừng quá khắc nghiệt với bản thân. Quá trình chữa lành cần bắt đầu bằng cách cho bản thân chút thời gian “than khóc” về những mất mát sau khi kinh doanh thua lỗ, và tiếp đến là khám phá cái tôi đang “trắng tay” nhằm nhận diện lại chính mình. Đây là bài học nhiều người nghiệm được sau quá trình vượt qua cú sốc vì phải đóng cửa doanh nghiệp. Vô cùng đơn giản nhưng lại là điều khó nắm bắt nhất ngay khi vừa thất bại.

CEO của Incedo, Nitin Seth, người từng phải đóng công ty kinh doanh về sức khoẻ và lối sống trên internet trong những ngày đầu sự nghiệp đã nói: “Thừa nhận thất bại chính nó đã là điều cực kỳ thử thách, rất khó để chấp nhận rằng việc kinh doanh mạo hiểm mà bạn đặt hết trái tim, trí óc, mồ hôi và nước mắt vào đó không thể sinh hoa kết trái.”

Tuy nhiên, Seth khuyên bạn nên tiến lên phía trước bằng cách tìm sự san sẻ từ bạn bè hay người thân trong gia đình. Đừng định nghĩa bản thân chỉ qua một công việc, hãy khám phá các khía cạnh khác mà biết đâu bạn đã bỏ sót. “Nên có những mối quan tâm khác trong cuộc sống neo giữ bạn lại. Đó có thể là một môn thể thao, gia đình hoặc điều gì đó khiến bạn tin tưởng một cách nồng nhiệt.”

Dù khó có thể thừa nhận ngay thời điểm xảy ra, nhưng rõ ràng thất bại nhanh có lợi ích của nó, như khi ta mạnh tay xé nhanh miếng băng dán trên da. Bạn có thiệt hại nhưng nhanh chóng nhận ra sai lầm và giảm thiểu tối đa tổn thất để dành thời gian chuyển sang mục tiêu khác.

Karen Ellis, Giám đốc Phát triển Kinh tế của St. Louis Regional Chamber, người thường hỗ trợ các tổ chức khởi nghiệp và sát cánh với những nhà sáng lập từng thất bại, nói rằng: “Chúng tôi muốn những người sáng lập thất bại nhanh (fail fast). Điều này nghe có vẻ phản trực quan, nhưng chúng tôi có cơ sở để tin rằng các doanh nhân này là người đổi mới – họ sẽ tiếp tục sáng tạo.”

“Không lý do gì để tin rằng bởi vì dự án khởi nghiệm gần nhất của bạn không kết thúc theo cách bạn hình dung thì ý tưởng tuyệt vời tiếp theo sẽ không thúc đẩy bạn đi đến thành công,” Ellis nói thêm.

Đánh giá lại những sai sót


Khi đã dành đủ thời gian để đau buồn, hãy làm công tác “hậu kỳ” cho doanh nghiệp của bạn. Tom Scarda, chuyên gia nhượng quyền, diễn giả và tác giả, người sở hữu một doanh nghiệp có lợi nhuận cao và là một trong những người từng thất bại nói: "Thực sự ‘sáng mắt’ khi nghĩ về những gì đã xảy ra. Rất nhiều bài học để suy ngẫm.”

Bạn cần phải trung thực một cách tàn nhẫn với chính mình, chịu trách nhiệm về những hành động và lựa chọn trong lúc phân tích điều đã xảy ra với hoạt động kinh doanh, ghi nhận cả thành công lẫn sai lầm. “Nếu bạn cố bào chữa, điều này sẽ chấm dứt việc học hỏi và khiến nỗi đau kéo dài,” Scarda nói.

Một khi đã biết chính xác mình sai ở đâu, hãy cho phép bản thân buông tay và bước tiếp. “Học từ thất bại, buông bỏ chướng ngại tâm lý và tiến về phía trước,” Seth kết luận. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng, hãy kết hợp các bài học vừa lĩnh hội  vào chương mới của cuộc đời.

Giải quyết vấn đề tài chính


Tiền luôn là chủ đề nhạy cảm ngay cả trong tình huống tốt đẹp nhất, nhưng ở vào hoàn cảnh các chủ nợ đang réo gọi mà bạn lại chẳng biết kỳ lương tiếp theo của mình sẽ đến từ đâu, tiền hẳn là thứ duy nhất tồn tại trong tâm trí.

Những người nổi tiếng từng trải qua thất bại khuyên chúng ta đừng để khó khăn khuất phục. Bạn nên tiếp cận với các mối quan hệ cá nhân lẫn công việc để tìm nguồn thu nhập. Làm việc cho một nơi nào đó trước khi tiếp tục “nhảy” vào ý tưởng kinh doanh mới có lợi ích riêng của nó.

Khi đã có hợp đồng làm việc ổn định, bạn sẽ kiếm được thu nhập hàng tháng, có tiền trả nợ và “giành giật” lại cho bản thân chút thời gian để suy nghĩ về những điều sắp tới muốn làm. Trong vài trường hợp, những thứ đã khiến bạn đi đến sự kết thúc lại có thể dẫn bạn đến một ý tưởng lớn hay ho hơn trong tương lai.

Mike Sims, CEO của ThinkLions, sản phẩm giúp các doanh nhân mang ý tưởng về ứng dụng mới của họ vào cuộc sống, chia sẻ rằng: “Từ kinh nghiệm bản thân, tôi học được rằng thất bại chỉ là vấn đề nhận thức. Trong khi ai đó chỉ nhìn thấy một dự án thất bại, một doanh nhân khác với tư duy đúng đắn có thể tìm ra điểm mấu chốt giá trị hoặc cơ hội mới.”

Xây dựng mạng lưới hỗ trợ


Theo Seth, bạn bè và gia đình là những người có thể hỗ trợ, đưa ra lời khuyên khách quan, phản hồi trung thực, đồng thời cũng là gốc rễ của thành công và giúp bạn vượt qua nghịch cảnh. Luôn giữ quanh mình những người thực sự quan tâm đến sức khoẻ của bạn là điều tối quan trọng để vực dậy, đứng vững và bước tiếp. Hãy trân trọng giá trị và xây dựng các mối quan hệ ngay cả khi bạn ít cần chúng nhất. “Tôi không thể tưởng tượng ra được liều thuốc giải nào cho thất bại tốt hơn nữa,” Seth nói thêm.

Trong khi đó, Ellis khuyên bạn nên tham gia các hội nhóm để hợp tác làm việc hoặc các tổ chức giúp mở rộng mối quan hệ mang tầm địa phương lẫn quốc gia. Cô tin rằng một khi bạn đã bắt đầu kết nối với các doanh nhân khác, thành công là không giới hạn. “Những tài nguyên bạn cần sẽ tự tìm đến với bạn, đó là cách nó hoạt động.” Ellis còn nhấn mạnh rằng, “Đừng quên tận dụng mối liên hệ với các nhà phát triển kinh tế địa phương, những người luôn sẵn sàng xem xét hoạt động kinh doanh của bạn, khắc phục các rào cản và giúp bạn mở rộng quy mô một khi nó được khởi động.”

Keisha A. Rivers, nhà sáng lập kiêm Chief Outcome Facilitator của The KARS Group, thừa nhận rằng dự án kinh doanh đầu tiên của cô thất bại một phần do không kết nối với các nguồn lực quan trọng trong nghề. Hệ thống hỗ trợ của các doanh nhân khởi nghiệp thành công và việc tìm được cố vấn hẳn đã có thể giúp cô ngăn chặn các vấn đề phát sinh khi hoạt động đơn lẻ, tách rời khỏi những người khác. “Bạn sẽ thấy mình trượt dần khỏi ‘quang phổ’ nếu cứ cố gắng bước đi đơn độc. Do đó, khi bắt đầu lại, tôi đã kết nối với các doanh nhân khác và tham gia các tổ chức nghề ,” Rivers nói thêm.

Tái tạo bản thân


Khi đã sẵn sàng để bước vào chặng tiếp theo của cuộc đời, hãy tạo ra lộ trình để chạm đến thành công: nó trông như thế nào, các mục tiêu có thể đo lường và khung thời gian đáp ứng chúng ra sao.

Đối với một số người, bắt đầu lại có nghĩa là tái gia nhập lực lượng lao động trong lĩnh vực quen thuộc, trong khi một số khác sẽ theo đuổi ngành nghề hoàn toàn mới. Những với những ai không thể rũ bỏ được đam mê kinh doanh, có thể hình dung rằng không sớm thì muộn họ sẽ lại khởi động một doanh nghiệp mới.

Lời khuyên của Sims dành cho những cá nhân này là nên học hỏi thật kỹ những sai lầm trong quá khứ trước khi “nhảy vào trận chiến” mới. “Hãy dành thời gian bổ sung kiến thức trong lĩnh vực mà nó từng dẫn bạn đến thất bại. Tránh lặp lại sai lầm và sử dụng kinh nghiệm cũ với mong muốn thúc đẩy tương lai.”      

Tương tự, Rivers khuyên bạn nên nghiên cứu và chuẩn bị trước khi vào ý tưởng mới. “Bắt đầu lại sau một vận rủi, điều quan trọng là tìm được dự án phù hợp với đam mê và cho phép bạn phát triển dưới tốc độ ổn định.”

Nhưng cuối cùng hãy nhớ, dù bạn chuẩn bị tốt đến đâu, bắt đầu lại vẫn là dấn thân vào điều chưa biết. Nên đôi khi nó có nghĩa là bắt lấy cơ hội và hi vọng về lâu dài, các lợi ích sẽ vượt trội các khuyết điểm.

Scarda nhắn nhủ các doanh nhân không nên kìm nén sự sợ hãi: “Thời gian của mỗi người hạn chế trong việc góp nhặt trải nghiệm cho bản thân, tạo ra các ý tưởng kinh doanh tuyệt vời cho thế giới, hoặc đơn giản nhất là cung cấp việc làm cho vài người lao động địa phương cần chúng. Hãy nhớ rằng, bạn thường sẽ hối tiếc về những điều đã không làm, chứ không phải chuyện đã làm.”

Nguồn Career Builder Việt Nam

0 comments:

Đăng nhận xét