28 thg 9, 2018

Chúng ta đang làm gì với Sapa?

Đến Sapa lần này, tôi nhận ra những con đường quen thuộc dẫn lên đỉnh núi Hàm Rồng mấy chục năm nay không có gì lạ, chợ Sapa mới to và đẹp, nhưng hàng hóa bày bán không có gì bắt mắt. Nhìn Sapa ngổn ngang như công trường trong sương mờ, cảm thấy một sự hối lỗi dâng lên với mảnh đất, con người nơi đây...

Ông chủ khách sạn 3 sao mùa vắng khách đánh chiếc xe 16 chỗ chở nhóm nhỏ khách đi ăn sáng trong hệ thống nhà hàng của gia đình. Chớm thu, khách nội địa rút cả, nên lao động trong ngành dịch vụ du lịch cũng phải giãn theo, các ông bà chủ khách sạn sẵn sàng làm lễ tân, lái xe, làm tour tham quan cho khách lẻ. Trung tâm thị trấn như một công trường kéo dài bất tận, cùng lúc chính quyền làm đường, dân làm khách sạn, nhà hàng, dựng biển quảng cáo, Sapa màu mè như món lẩu thập cẩm thiếu kiểm soát.

Thị trấn nhỏ này chỉ khoảng 5 năm nữa có thể sẽ hết đất xây dựng và đạt ngưỡng ổn định về cảnh quan. Không phải là kiến trúc sư hay nhà bảo vệ môi trường để có thể tiên đoán số phận của Sapa, nhưng trong tim tôi từ 30 năm trước, ngôi nhà thờ đá bình dị, những con người bé nhỏ từ trên núi xuống bán hàng, và những triền núi phủ đầy thông, những biệt thự nhuốm màu phong sương đã in đậm một tình yêu.

Thật tàn nhẫn làm sao khi trên mạng xã hội năm 2017, người ta đã thấy những du khách bồng bột dấy lên phong trào "tẩy chay Sapa", kết tội nơi này với những cụm từ tiêu cực như môi trường bẩn, chặt chém, bu bám du khách... Nhưng mấy ai đặt câu hỏi ngược lại rằng, ta đã làm gì, hay để lại những gì nơi mảnh đất Sapa?

Ba mươi năm trước, một ông chủ khách sạn tại Sapa, trên 70 tuổi, nói tiếng Pháp kiểu cổ điển, mỗi sáng thường uống cà phê cùng khách để giới thiệu vẻ đẹp lịch sử và kiến trúc thuộc địa của Sapa cho khách nghe. Trong màn sương lạnh, chủ và khách bàn về tương lai thị trấn với nhiều niềm tin, nhất là Sapa sẽ là một sản phẩm du lịch trang nhã, thân thiện nhất vùng sơn cước của Việt Nam.

Khách về Pháp thỉnh thoảng lại gửi những tấm ảnh họ tìm thấy Sapa trong thư viện, những cuốn sách viết về Đông Dương, tặng ông. Tôi cũng có một người quen, tên gọi ông Hà Mèo vốn từ Phú Thọ lên đây lập nghiệp. Ông là người tiên phong xây homestay cho khách nghỉ dưới thung lũng Mường Hoa và dạy cho bà con người HMông dọn vệ sinh, khuyến khích họ đem thổ cẩm ra bán ở khu du lịch của ông. Tử tế và trân trọng nhau, đó là thái độ của lớp người kinh doanh 20 - 30 năm trước!

Lần này đến Sapa, bà chủ khách sạn chỉ lấy 600.000 đồng căn phòng chuẩn 3 sao. Mùa ế khách mới có giá vậy! Bên ly cà phê ngon tuyệt theo khẩu vị của tôi, bà chủ nói về mùa đông khách, trong khu chợ đồ nướng bên cạnh nhà thờ đá, mỗi đêm gia đình bà có thu nhập khoảng 20 đến 30 triệu đồng. Thế nên đất ở Sapa đắt vào hàng bậc nhất Việt Nam, sánh ngang các đô thị lớn, cả trăm triệu đồng mỗi mét vuông ở khu trung tâm.

Đa số  nhà đầu tư lớn nhỏ phân lô nhà ống và bảng hiệu quảng cáo đè nát khu trung tâm. Đọc bảng hiệu, du khách, kể cả người Việt cũng cảm thấy khiếp vía với những món "lẩu chó 7 món", "gà đồi", "lợn cắp nách", "cá suối" san sát nhau, cái này cố to hơn cái kia giăng khắp mặt tiền những con phố trong thị trấn. Trước khi tôi leo núi Hàm Rồng, bà chủ còn dặn dò một bài dài về các loại hàng giả đang bán trên núi, khuyên tôi đừng rước về mà bực mình.

Trên con đường đá leo dốc Hàm Rồng, san sát những hàng trái cây được rao bán là từ rừng Sapa, nhưng ai cũng biết đó là hạt dẻ, đào, lê, mận đem về từ bên kia biên giới. Ngay cạnh đó là các loại nấm, rễ cây làm thuốc được giới thiệu từ núi rừng Lào Cai, nhưng ai cũng hiểu người Việt không có đủ trình độ tổ chức khai thác, phân phối để có giá rẻ như rau của những món hàng ấy.

Rồi món thịt trâu gác bếp cũng được làm giả và bán với giá thịt heo. Hỏi giá thịt trâu gác bếp, người mua hô từ 400.000 đến 700.000 đồng một kilôgam, nói chung trả giá kiểu gì cũng "dính". Những phụ nữ người HMông, Dao Đỏ ngồi gần đó kiên nhẫn thêu những miếng thổ cẩm mong khách ghé mắt, tôi không biết họ đang nghĩ gì khi đỉnh núi Hàm Rồng của họ bị vây phủ bởi những món hàng giả bát nháo mỗi ngày!

Đến đây với chiếc máy ảnh, tôi chứng kiến tận mắt những phụ nữ vùng cao trong bộ váy đen hoặc đỏ gùi rau xuống núi,từ già đến trẻ, họ lấy bàn tay che mặt khi thấy một ống kính máy ảnh nào đó chĩa vào. Tôi nhớ đến những lời lên án, rằng người miền sơn cước bây giờ rất ghê, nếu không trả tiền khi chụp ảnh thì họ sẽ lấy tay che mặt. Ở chợ Sapa, nơi có rất nhiều phụ nữ từ núi đem măng tươi, rau củ xuống bán. Những đoàn khách cũng hăm hở vào đây.


Chính lúc ấy, tôi nhận ra một sự thật khác phía sau bàn tay che mặt của họ.Tôi thấy thật xấu hổ khi có người đối xử với những người chất phác theo cái cách vô phép, không có lời chào hỏi, xin phép nào, cứ chĩa ống kính vào tận mặt họ, lợi dụng sự khác biệt của họ để thỏa mãn cảm xúc cho chuyến đi. Đã thế đám đông vô cảm còn lên án họ không còn sự trong trẻo, hồn nhiên và đòi tiền nếu chụp ảnh họ.

Không một ai nghĩ chính hình ảnh mình với chiếc máy ảnh, cứ chĩa vào góc này góc khác, hết gương mặt này đến gương mặt khác mới là sự thô thiển, thiếu lịch sự và không coi trọng người địa phương. Rồi một cảnh tượng không lấy gì làm tự hào khi một nhóm cô cậu cứ ghé sát vào những phụ nữ trong bộ váy sặc sỡ tranh thủ làm bức ảnh "selfie" để "check in" Sapa độc đáo! Chưa kể nhiều người trẻ còn mua kẹo để nhử các em bé dân tộc thiểu số xúm lại xin để bạn bè chụp ảnh.

Tỉnh Lào Cai đang hướng đến mục tiêu 4 triệu lượt khách trong năm 2018. Nhìn vào các tour du lịch Sapa, từ cao cấp đến bình dân, nhất nhất điểm đến chỉ là hai bản Cát Cát của người HMông và Tả Phìn của người Dao có đầy đủ dịch vụ lưu trú dạng homestay và cửa hàng bán thổ cẩm.

Như những du khách khác, trong lúc ngồi cáp treo lên Fansipan, tôi ngắm rừng đỗ quyên hai màu đỏ - trắng giữa đại ngàn, thỉnh thoảng một đám mây bay vụt qua có thể thấy thêm những bản làng nằm bên sườn núi. Những Tả Van, Tả Phìn, bản Hồ nổi tiếng hút khách. Cáp treo lên đỉnh Fansipan làm cho du lịch Sapa phát triển nóng hơn bao giờ hết.

Thỉnh thoảng mùa đông, vài đêm tuyết rơi lại làm cho du lịch Sapa càng "nóng rãy". Đất đai liên tục lên giá khi mỗi mét vuông đều ưu tiên cho khách sạn. Chợ đêm Sapa vẫn họp dưới những tấm bạt, khi chúng tôi đến đây vào đêm mưa, thấy khách ngồi ăn ở những nơi nhếch nhác không kém những căn phố cổ chật chội ở Hà Nội. Hình ảnh đó thật lạ lẫm khi Sapa ở chốn núi rừng phóng khoáng và thiên nhiên rộng rãi!

Tôi hiểu cái cách con người đến nơi này kinh doanh vẫn chỉ muốn làm những việc nhẹ nhất: xây khách sạn, nhà hàng, quán ăn, thuê chỗ bày dăm cái bàn trong chợ đêm bán đồ nướng; mua thổ cẩm, trái cây, thuốc bắc từ bên kia biên giới về bán dễ kiếm lời hơn là đầu tư sản xuất những sản phẩm sâu sắc tính bản địa. Làm sao đừng để khách chỉ bó chân với núi Hàm Rồng, chỉ sung sướng ngồi trên cáp treo lên mái nhà Đông Dương, dạo bộ ở bản Cát Cát rồi về ăn đồ nướng chợ đêm, và hôm sau rời Sapa với lời chê bai. Phải thay đổi cách đến Sapa.

Tôi không có lời chê trách nào khi cô gái đưa bàn tay lên che gương mặt trẻ trung trước ống kính, mà ngược lại chỉ muốn đủ can đảm gửi đến cô lời xin lỗi chân thành. Lòng tham lam, thiếu hiểu biết trong khai thác một vùng đất trong trẻo như Sapa, những du khách xô bồ đã hủy hoại nhiều thứ, hủy hoại sự hồn nhiên của miền sơn cước.

Nguồn DNSG

0 comments:

Đăng nhận xét