22 thg 9, 2017

8 dấu hiệu của một nhân viên đáng bị đuổi việc

Phân định rõ một nhân viên cần giúp đỡ với một nhân viên đã hết cơ hội là một phần nhiệm vụ của các nhà quản lý.


Một trong những việc mà một nhà quản trị hoặc chủ doanh nghệp cần làm là không chỉ đối phó được với những nhân viên cứng đầu, mà còn phải biết để họ ra đi khi cần thiết.

Thay vì để những nhân viên như vậy lợi dụng sự dễ dãi của công ty, hãy tỏ ra thận trọng và chịu khó quan sát. Nếu bạn nhận thấy một trong số những dấu hiệu sau đây, thì tốt nhất là hãy sa thải nhân viên này ngay khi có thể.

1. Thường xuyên vắng mặt


Là quản lý, bạn cần có sự thông cảm cho nhân viên khi họ có việc bận đột xuất. Nhưng nếu hiện tượng này xuất hiện nhiều lần thì cần chấn chỉnh lại. Tình trạng thường xuyên vắng mặt của một nhân viên sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm thời gian và tiền bạc vì những thành viên khác phải làm phần việc mà người này bỏ lại.

Bạn nên đặt ra quy định về thời gian nghỉ làm và cách xử lý những trường hợp vắng mặt vào phút chót. Và quan trọng hơn là công khai các quy định này cho mọi nhân viên ngay từ khi họ bắt đầu làm việc.

2. Giảm năng suất lao động


Nhìn chung cũng có lúc năng suất lao động bị giảm, chẳng hạn khi dự án trở nên lớn hơn so với phạm vi ban đầu. Nhưng nếu bạn nhận thấy một nhân viên liên tục hoàn thành công việc chậm tiến độ thì đó là một dấu hiệu chỉ rõ năng suất lao động của họ đã giảm.

Các dấu hiệu khác có thể bao gồm: Công việc của họ sau khi hoàn thành bị chỉnh sửa nhiều lần, họ thường xuyên cầu viện sự trợ giúp từ các đồng nghiệp, hoặc làm bạn tốn quá nhiều thời gian vì các sự cố lặt vặt.

3. Làm rối tung mọi thứ


Một cá nhân có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cả tập thể khi họ không bị ai để ý sát sao. Họ tạo ra những lời đồn đại. Họ tạo cớ để các nhân viên khác chống lại nhau. Họ châm ngòi cho các cuộc nổi loạn khi coi thường các quy định hoặc nói xấu cấp trên.

Nếu bạn có một nhân viên không trân trọng các giá trị của công ty, luôn phàn nàn về các yêu cầu của dự án và luôn gây hấn với mọi người, thì đã đến lúc cần phải nói chuyện riêng với người đó.

4. Không chịu được sự thay đổi


Theo Matthew Bellows, CEO của Yesware, thì "Chúng ta cần phải phát triển các kỹ năng để luôn theo kịp với tốc độ phát triển của công ty".

Điều này thực sự khó khăn khi bạn có một nhân viên chăm chỉ, có tinh thần trách nhiệm và phù hợp với văn hóa của công ty. Không may là nếu họ không còn tỏ ra hiệu quả nữa vì tốc độ thay đổi của môi trường doanh nghiệp quá nhanh với họ, thì đã đến lúc lựa chọn một người khác có đủ khả năng để thay thế.

5. Hay tranh cãi - tính khí thất thường


Là quản lý, bạn cần khuyến khích sáng tạo và có những nhân viên đủ khả năng thay đổi chính bạn và tình trạng hiện tại. Tuy nhiên, nếu có một nhân viên luôn thích tranh cãi với bạn, với đồng nghiệp, thậm chí cả với khách hang, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần can thiệp.

Lối hành xử này không chỉ gieo rắc nỗi sợ cho mọi người mà còn tạo ra một môi trường làm việc không thoải mái. Nói cách khác, người đó cần phải ra đi trước khi mọi thứ trở nên quá tệ.

6. Họ không cố gắng cải thiện bản thân


Giả sử bạn có một nhân viên thường xuyên đi muộn hoặc sợ phát biểu trước đám đông. Thay vì cố gắng đến công ty sớm hơn hoặc tìm các lớp học dạy kỹ năng thuyết trình, thì người này lại chả có động thái gì để cải thiện những điểm yếu hoặc sai lầm của mình. Nếu vậy sẽ là tốt nhất nếu bạn để nhân viên này ra đi.

7. Họ chỉ là người giữ vị trí tạm thời

Khi bạn khởi nghiệp, bạn cần thuê bất kỳ ai cho đến khi mọi việc sáng sủa hơn. Vấn đề là nếu họ không có được kỹ năng và kinh nghiệm để giúp cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa thì đơn giản họ chỉ là một vị trí tạm thời mà thôi.

Tuy nhiên việc này có thể cực kỳ khó khăn vì nó chẳng liên quan gì đến đạo đức nghề nghiệp hay tính cách của họ cả. Hy vọng rằng họ sẽ hiểu đây là một biện pháp cần thiết để giúp doanh nghiệp lớn mạnh.

8. Khiến khách hàng và đối tác liên tục phàn nàn


Bạn có biết rằng 86% khách hàng sẽ quay lưng lại với một doanh nghiệp chỉ vì chất lượng dịch vụ khách hàng kém hay không? Và điều tồi tệ hơn là một khách hàng sẽ kể với khoảng 10 khách hàng khác về trải nghiệm tồi tệ mà họ có với doanh nghiệp của bạn. Nói cách khác, bạn phải tìm mọi cách làm khách hàng hài long.

Nếu bạn nhận được những lời phàn nàn của khách hàng về một nhân viên có chất lượng phục vụ kém, bạn chắc chắn phải nói chuyện với nhân viên đó.

Trường hợp tương tự cũng diễn ra với các đối tác, vì chắc chắn chẳng có ai muốn hợp tác với một doanh nghiệp đầy những nhân viên bất nhã và vô trách nhiệm.

Theo Cafebiz

0 comments:

Đăng nhận xét