12 thg 3, 2020

Thấy gì khi cổ phiếu ngoại rút mạnh khỏi thị trường cổ phiếu Việt Nam

Dịch bệnh tác động tiêu cực lên thị trường khiến dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài bị rút ròng trên sàn chứng khoán. Làn sóng bán ròng đang gia tăng ở hầu hết thị trường châu Á và Việt Nam không ngoại lệ.

Dữ liệu từ sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho thấy, phiên 10.3.2020, thị trường đã lấy lại sắc xanh khi tăng nhẹ 2 điểm sau cú rơi mạnh 56 điểm phiên liền hôm trước. Tuy nhiên giao dịch khối ngoại vẫn tiếp tục trạng thái bán ròng.

Cụ thể khối này mua vào 1.113 tỉ đồng cổ phiếu trên sàn HoSE nhưng bán ra hơn 1.612 tỉ đồng. Giá trị bán ròng gần 500 tỉ đồng chỉ trong phiên hôm nay đã nâng tổng mức bán ròng kể từ đầu tháng 3 lên 1.543 tỉ đồng và nối dài chuỗi bán ròng 11 phiên liên tiếp.

Nguồn: Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Kể từ thời điểm bùng phát dịch (30.1) đến nay, khối ngoại bán ròng 26 phiên trong tổng số 29 phiên giao dịch với tổng giá trị bán ròng hơn 4.539 tỉ đồng.

“Con số này sẽ còn lớn nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận mua vào của khối ngoại tại PGD và MWG,” theo báo cáo của công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam.

Tương tự, tại sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), khối ngoại cũng rút ròng vốn thời gian qua. Chỉ tính riêng các phiên giao dịch của tháng 3, tính đến ngày 9.3, khối ngoại bán ròng 565,6 tỉ đồng, gấp 2,3 lần của tháng 2 và gấp đôi tổng giá trị bán ròng của hai tháng đầu năm.   

Theo dữ liệu từ chứng khoán BSC, các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh trong thời gian gần đây bao gồm SHB, cổ phiếu họ nhà Vingroup (VIC, VHM, VRE), MSN trong khi đó mua ròng một vài cổ phiếu vốn hóa tầm trung (midcaps).  

Theo giới phân tích, dịch bệnh hoành hành đang kích thích một làn sóng rút vốn trong ngắn hạn của các nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi trên toàn cầu, không riêng tại Việt Nam. Trong khi đó, giá vàng trong cùng kỳ tăng gần 7%, USD Index cũng tăng lên sát ngưỡng 100.

Dữ liệu của SSI trong báo cáo tiền tệ vừa công bố cho thấy ngoài Việt Nam, động thái rút ròng của khối ngoại diễn ra ở nhiều thị trường châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines...


SSI nhìn nhận xu hướng này phù hợp với bối cảnh hiện tại khi tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế toàn cầu rất khó lường. “Tuy vậy vẫn có một lượng lớn tiền trên thị trường chờ đợi tái cơ cấu danh mục với kỳ vọng tốc độ lan truyền của dịch bệnh sẽ chậm lại khi thời tiết ấm hơn vào mùa hè và các gói hỗ trợ của chính phủ sau đó,” SSI nhận định.

Dưới áp lực bán ròng của khối ngoại, hầu hết thị trường chứng khoán trong khu vực đều giảm so với đầu năm, Việt Nam là một trong những thị trường ghi nhận mức độ giảm mạnh nhất. Điều này theo giới phân tích góp phần đưa định giá cổ phiếu trở nên rẻ hơn nhiều so với trước đó và so với nhiều thị trường khu vực.

P/E của VN Index hiện khoảng 13,7 lần, mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây và thấp hơn hầu hết các thị trường khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và cả Trung Quốc.

“Mức định giá này là lợi thế cho Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại trở lại và tạo sức bật hồi phục tốt cho các chỉ số thị trường một khi có tín hiệu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên toàn cầu,” SSI nhận định. Trong khi đó Mirae Asset Việt Nam cũng cho rằng "mức định giá này có thể sẽ kích hoạt dòng tiền dài hạn trở lại."

Nguồn forbes vietnam

0 comments:

Đăng nhận xét