24 thg 3, 2020

Lỗ hổng chậm cách ly bệnh nhân COVID-19 thứ 100

Ca bệnh COVID-19 thứ 100 của Việt Nam là nam, 55 tuổi, địa chỉ ở Q.8 (TP.HCM). Từ ngày 4 đến 17-3, ông đi lễ 5 lần/ngày tại thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar (số 157B/9 Dương Bá Trạc, P.1, Q.8).
Người dân khu vực cách ly trong hẻm tại đường Dương Bá Trạc, quận 8 - Ảnh: MINH HÒA

Điều đáng nói là 14 ngày sau khi bệnh nhân thứ 100 về nước, lực lượng chức năng TP.HCM mới phát hiện, hướng dẫn cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.

Ngày 23-3, ông Nguyễn Nha Kha - chánh văn phòng UBND Q.8 - cho biết tới ngày 16-3, khi thông tin ca bệnh COVID-19 thứ 61 ở Ninh Thuận được công bố, ban chỉ đạo phòng chống dịch của quận mới chủ động rà soát trên địa bàn quận người đi dự lễ hội tôn giáo tại Malaysia.

Lúc đó, quận ghi nhận 5 trường hợp nhưng không có tên bệnh nhân thứ 100. Đến ngày 17-3, quận mới nhận được danh sách đầy đủ và chỉ đạo các phường rà soát, kiểm tra sức khỏe những người liên quan.

Dù đến thời điểm nhận thông báo, bệnh nhân thứ 100 đã hết thời hạn cách ly, cơ quan chức năng Q.8 vẫn đề xuất lấy mẫu xét nghiệm gửi cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm xét nghiệm COVID-19.

Vậy trước khi có danh sách của Ban tôn giáo TP.HCM ngày 17-3, quận có nhận được chỉ đạo về rà soát người tham gia lễ hội tôn giáo tại Malaysia hay không?

Ông Kha cho biết: "Không nhận được chỉ đạo nào". Ông Kha cho biết thêm lúc bệnh nhân này về nước chưa có công bố dịch ở Malyasia và trước ngày 16-3 không có chỉ đạo nên quận không rà soát để yêu cầu cách ly.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TP.HCM cho biết từ ngày 12-3, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có công văn yêu cầu ban đại diện rà soát danh sách những người tham dự lễ hội tôn giáo tại Malaysia.

Đến ngày 14-3, ban đại diện đã rà soát và ghi nhận bệnh nhân thứ 100 có tham dự lễ hội tôn giáo tại Malaysia. Tuy nhiên, do hầu hết người dân đi dự lễ hội tự túc bằng đường du lịch, không thông qua ban đại diện nên việc rà soát toàn bộ người đi gặp khó khăn.

Mãi đến ngày 16-3, ban đại diện mới thống kê sơ bộ được 34 người trên địa bàn TP có dự lễ hội tại Malaysia và gửi cho Ban Tôn giáo Chính phủ. Đến nay, cập nhật danh sách thêm 6 người.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ xác nhận có gửi công văn cho Ban Tôn giáo và ban đại diện cộng đồng Hồi giáo các địa phương yêu cầu rà soát và hướng dẫn người đi từ lễ hội tôn giáo tại Malaysia tự cách ly, khai báo y tế và làm xét nghiệm liên quan.

Vậy lỗ hổng ở đâu dẫn đến phát hiện và cách ly chậm bệnh nhân thứ 100? Vị này nói: "Mỗi địa phương có những phương án rà soát riêng nên chỉ địa phương mới trả lời rõ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, cũng phải chia sẻ chính quyền địa phương quá áp lực, nhiều việc".

Bến Tre có ca nhiễm đầu tiên, tỉnh cách ly gần 1.600 người

Sáng 23-3, ông Ngô Văn Tán - giám đốc Sở Y tế Bến Tre - cho biết sau khi phát hiện bệnh nhân M.T.N.T. (17 tuổi, ngụ ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, Bến Tre) dương tính với virus corona, ngay trong ngày tỉnh đã ra quyết định cách ly gần 1.600 người dân quanh khu vực T. cư trú. Đây là ca thứ 123 nhiễm COVID-19 ở VN.

Ngày 17-3, T. từ Sarawak, Malaysia nhập cảnh về Việt Nam bằng đường hàng không, hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), số hiệu chuyến bay BI381. Sau khi xuống sân bay, 15h30 cùng ngày, T. đi xe khách Công Tạo mang biển số 51B-142.48 về huyện Bình Đại.

Đi cùng T. trên chuyến xe khách này có 11 người khác. Trên đường về và sau khi đến nhà, T. đã tiếp xúc với một số người, trong đó có mẹ ruột (cùng địa chỉ) và một người bạn ngụ ấp 4, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại.

Do người tiếp xúc gần F1 đã di chuyển rộng trong ấp nên các ban, ngành đã thống nhất phương án cách ly, phong tỏa phạm vi toàn bộ ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức.

Đồng thời chọn Trường THPT Thạnh Phước (xã Thạnh Phước) làm nơi cách ly tập trung của huyện Bình Đại. Ấp Thừa Lợi hiện có khoảng 700ha với 480 hộ, 1.588 nhân khẩu.

Chuyện này sẽ không xảy ra nếu T. được cách ly ngay khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Nguồn TTO

Tin liên quan:

0 comments:

Đăng nhận xét