6 thg 1, 2020

Những bộ phim siêu lãi của thế kỷ XXI

“Open Water”, “Once” hay “Paranormal Activity” chỉ tiêu tốn khoản tiền cực kỳ khiêm tốn để sản xuất, nhưng sau đó thu về số lãi khổng lồ cho nhà đầu tư.

Open Water (2004): Open Water có chiến dịch quảng bá hiệu quả. Nhà sản xuất cho biết phim sở hữu lối tiếp cận tối giản về câu chuyện cá mập giữa biển khơi và chỉ phải bỏ ra 100.000 USD cho dự án. Cuối cùng, Open Water rốt cuộc thu lại tới 55,5 triệu USD. Khán giả tại năm 2020 khi theo dõi trailer có lẽ cảm thấy đây như một bộ phim nghiệp dư. Song, Open Water trên thực tế là một tác phẩm chất lượng với tầm tiền sản xuất khiêm tốn như vậy.


Napoleon Dynamite (2004): Bộ phim hài có phần kỳ cục của đạo diễn Jared Hess là một thành công bất ngờ tại phòng vé hồi 2004. Có xuất phát điểm đáng khích lệ tại LHP Sundance, Napoleon Dynamite với Jon Heder đóng chính sau đó thu 46,1 triệu USD toàn cầu. Con số cao gấp hơn 115 lần so với kinh phí sản xuất chỉ 400.000 USD. Ban đầu, cát-xê dành cho Heder chỉ là 1.000 USD. Tuy nhiên, anh sau này nhận được khoản thù lao xứng đáng tương ứng với kết quả phòng vé.


Tarnation (2004): Cũng trong năm 2004, khán giả nhiệt liệt hưởng ứng dự án tài liệu của Jonathan Caouette. Anh đã tốn 20 năm và ghi lại hàng trăm giờ hình ảnh về mối quan hệ giữa bản thân với người mẹ ốm yếu. Caouette thậm chí không có đủ 30.000 USD để tráng một bản phim gửi tới LHP Cannes và phải nhờ cậy nhà phát hành Wellspring. Theo tính toán, anh chỉ tốn tổng cộng hơn 200 USD để thực hiện Tarnation bằng chương trình iMovie. Cuối cùng, phim thu 1,2 triệu USD và thuộc nhóm tác phẩm tài liệu lãi nhất mọi thời đại.


Primer (2004): Primer của đạo diễn Shane Carruth là tác phẩm mang đề tài du hành thời gian nhưng rất khó theo dõi. Đến giờ, vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh nội dung phim, và thành tích phòng vé của Primer chỉ là 545.436 USD. Song, đây vẫn là dự án đạt lãi lớn khi chỉ tiêu tốn đúng 7.000 USD để sản xuất. Tới nay, Primer thường xuyên nằm trong danh sách các phim du hành thời gian hay nhất.


Once (2007): Sau màn ra mắt tại Liên hoan phim Sundance, tác phẩm ca nhạc của Ireland được nhiều người ca ngợi, trong đó có cả đạo diễn Steven Spielberg. Sau đó, Once thậm chí còn nhận giải Oscar cho hạng mục Ca khúc chủ đề xuất sắc với Falling Slowly. Doanh thu 23,3 triệu USD của bộ phim chắc chắn kém xa The Greatest Showman (2017) hay A Star Is Born (2018) sau này. Song, khoản lãi đạt được là khổng lồ bởi kinh phí sản xuất của tác phẩm độc lập chỉ là 150.000 USD.


Paranormal Activity (2007): Xưởng Blumhouse ghi dấu ấn và thổi luồng gió mới cho dòng phim kinh dị mang phong cách giả tài liệu nhờ Paranormal Activity. Sự tò mò của khán giả giúp bộ phim thu 194 triệu USD tại phòng vé, cũng như 21 triệu USD từ các định dạng băng đĩa. Trong khi đó, kinh phí để thực hiện Paranormal Activity chỉ vỏn vẹn 15.000 USD. Tới nay, câu chuyện quỷ ám đã kéo dài tới 6 phần và chưa dừng lại, với tổng doanh thu lên tới gần 900 triệu USD. Có thể nói thành công vào năm 2007 đã giúp đặt nền móng vững chắc cho Blumhouse trong suốt hơn 10 năm qua.


The Devil Inside (2012): Nhiều bộ phim kinh dị tiêu tốn khoản kinh phí sản xuất rất thấp, và sau đó đem về khoản lợi nhuận khổng lồ. Lựa chọn phong cách giả tài liệu đang là trào lưu, The Devil Inside thu tới 101 triệu USD tại phòng vé. Bất chấp nhiều lời chê bai từ báo chí và chính khán giả, đây vẫn là dự án thành công lớn về tài chính bởi chỉ tiêu tốn đúng 1 triệu USD để thực hiện.


Unfriended (2015): Đổi mới dòng phim kinh dị giả tài liệu, Unfriended là màn hình Skype của một nhóm nhân vật đang phải đối diện với tên sát thủ giấu mặt. Từng người một cứ thế bị lấy mạng một cách dã man. Xưởng Blumhouse tiếp tục tỏ ra mát tay khi chỉ bỏ ra 2 triệu USD, nhưng thu về tới 64 triệu USD nhờ bộ phim. Unfriended sau đó có tiếp phần 2, nhưng tập hậu truyện chỉ còn mang lại 16 triệu USD do sự tò mò của công chúng đã giảm sút.


Escape Room (2019): Đầu năm 2019, hãng Sony giành thắng lợi đầy bất ngờ với tác phẩm kinh dị xoay quanh trò chơi phòng kín chết chóc. Chỉ được đầu tư 9 triệu USD, Escape Room đã mang về tới 155 triệu USD, một phần do phòng vé khi đó không có nhiều đối thủ lớn. Hiện Sony đã lên kế hoạch làm tiếp Escape Room 2, với thành phẩm dự kiến ra mắt vào tháng 11/2020.

Nguồn Zing

0 comments:

Đăng nhận xét