2 thg 12, 2019

Sau cú sụt giảm mạnh trong tháng 11, chứng khoán Việt Nam kỳ vọng gì trong những ngày cuối năm?

Trong tháng 12, thị trường sẽ diễn ra hoạt động cơ cấu danh mục của VNM ETF và FTSE Vietnam ETF. Thống kê cho thấy trước khi hoạt động cơ cấu ETF hoàn tất (3 tuần đầu tháng cuối cùng của quý), diễn biến thị trường thường khá giằng co.

Trái với đà tăng không ngừng nghỉ của TTCK Mỹ, diễn biến chứng khoán Việt Nam trong tháng 11 không thực sự tích cực dù có thời điểm đã chạm mốc 1.030 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong tháng, chỉ số VN-Index dừng tại 970,75 điểm, giảm 0,72% so với tuần trước và giảm 2,81% so với tháng trước.

Không có thông tin tiêu cực nào xuất hiện trong tháng 11, tuy vậy diễn biến thị trường Việt Nam lại khá "yếu" so với thế giới. Có lẽ giới đầu tư đang lo ngại đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể chậm lại khi xuất hiện nhiều thông tin như (1) PMI tháng 10 chỉ đạt 50 điểm, thấp nhất trong vòng 47 tháng hay (2) chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tính chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong năm 2019.

Bên cạnh đó, những lùm xùm về dự án Cocobay phần nào khiến giới đầu tư lo ngại đây là dấu hiệu "mở màn" cho những khó khăn của thị trường bất động sản, từ đó ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lĩnh vực khác.

Về tình hình quốc tế, việc Tổng thống Mỹ D.Trump ký đạo luật Hongkong có thể tiếp tục đổ thêm dầu vào căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vốn dĩ đã rất nóng trong hơn 1 năm qua.

Về yếu tố thị trường, dù được kỳ vọng về sự trở lại của dòng vốn ngoại khi FED đã hạ lãi suất, thương chiến Mỹ - Trung có nhiều khởi sắc nhưng khối ngoại vẫn bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên HoSE. Việc khối ngoại không ngừng bán ròng những tháng gần đây đang ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư.

Chuyển động dòng vốn ETFs trong tháng 11 khá trái chiều. Trong khi VFMVN30 ETF hút ròng hơn 140 tỷ đồng thì các quỹ như VNM ETF, iShare MSCI Frontier 100 ETF, KIM Kindex Vietnam VN30 ETF đều bị rút vốn. Thống kê cho thấy thị trường chỉ thực sự hồi phục mạnh mẽ khi có sự đồng thuận dòng vốn các quỹ ETFs.

Giá dầu cũng là điểm nhấn đáng chú ý trong tháng 11 khi có thời điểm tăng mạnh lên 58 USD/thùng (WTI). Thông tin thương chiến Mỹ - Trung tạm "hạ nhiệt", cùng việc công ty dầu lớn nhất thế giới Aramco lên kế hoạch IPO đã hỗ trợ tích cực cho giá dầu thế giới. Dù được sự hỗ trợ của giá dầu, tuy nhiên nhóm cổ phiếu dầu khí GAS, PVS, PVD…vẫn giao dịch khá ảm đạm trong xu hướng giảm giá. Giá dầu tăng thời gian gần đây sẽ gây sức ép không nhỏ trong việc kiềm chế lạm phát tháng cuối năm.

Ở chiều tích cực, trong tháng 11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật chứng khoán sửa đổi. Bên cạnh đó, NHNN cũng phát đi những tín hiệu về việc hạ lãi suất. Dù vậy, những thông tin này chưa đủ sức nặng giúp thị trường tăng điểm.

Ngoài ra, việc thành lập các bộ chỉ số mới như VN Diamond, VNFIN Select, VNFIN Lead là tiền đề ra đời cho các quỹ ETFs. Trong tuần giao dịch cuối tháng 11, tự doanh CTCK mua ròng 178 tỷ đồng, trong đó lực mua tập trung vào các cổ phiếu như TCB (106,3 tỷ đồng), MBB (51,6 tỷ đồng), VPB (31 tỷ đồng), FPT (19,5 tỷ đồng), đây là các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các rổ chỉ số ETFs mới. Sự ra đời của các quỹ ETFs mới sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Thiếu vắng thông tin hỗ trợ, thị trường tích lũy trong tháng 12?
Trong tháng 12, thị trường sẽ đối mặt với khoảng trống thông tin hiện hữu. Yếu tố tích cực nhất có lẽ là sự ra đời của các quỹ ETFs mới. Tuy vậy, điều cần lưu ý là quy mô các quỹ ETFs trong giai đoạn mới thành lập là bao nhiêu? Trong quá khứ, VFMVN30 ETF trong khoảng 3 năm đầu thành lập cũng không thực sự thu hút được sự chú ý và chỉ thực sự tăng mạnh về quy mô kể từ giai đoạn cuối năm 2017.

Dòng vốn ngoại sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn tới xu hướng thị trường. Ở chiều tích cực, các quỹ Frontier (cận biên) đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam. Ngoài ra khối ngoại cũng đẩy mạnh mua ròng VFMVN30 ETF. Tuy vậy, các quỹ ETFs ngoại khác, tiêu biểu là VNM ETF, cùng một số quỹ đầu tư lâu năm tại Việt Nam như VinaCapital, Dragon Capital lại đang có xu hướng bán ra cổ phiếu. Do đó, yếu tố dòng vốn ngoại trong tháng 12 sẽ là ẩn số khó lường.

Cũng trong tháng 12, thị trường sẽ diễn ra hoạt động cơ cấu danh mục của VNM ETF và FTSE Vietnam ETF. Thống kê cho thấy trước khi hoạt động cơ cấu ETF hoàn tất (3 tuần đầu tháng cuối cùng của quý), diễn biến thị trường thường khá giằng co.

Về mặt kỹ thuật, thị trường sau khi thủng mốc 1.000 điểm đã lao dốc mạnh và về vùng 970 điểm. Tâm lý giới đầu tư hiện khá yếu, trong khi dòng tiền ngoại vẫn chưa thực sự trở lại. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ, những rủi ro bên ngoài (tiêu biểu là thương chiến Mỹ - Trung) có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.


Sau cú điều chỉnh mạnh trong tháng 11, có lẽ thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy trong tháng 12 trước khi xác lập xu hướng mới. Điều này cũng phù hợp với chu kỳ thị trường khi mà chứng khoán Việt Nam thường điều chỉnh, tích lũy trong giai đoạn cuối năm và tăng khá tốt trong quý 1 hàng năm.

Trong bản tin nhận định thị trường, CTCK Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục tăng điểm trở lại từ vùng hỗ trợ 966-971 điểm trong tuần đầu tháng 12. Tuy nhiên, xung lực giảm điểm của thị trường hiện vẫn còn khá mạnh trong khi không có nhiều thông tin hỗ trợ cho thị trường trong những tuần đầu tháng 12. Do đó, BVSC cho rằng kể cả trong kịch bản hồi phục, thị trường có thể vẫn cần thêm thời gian dao động tích lũy trong vùng 970-985 điểm, trước khi phát đi những tín hiệu hồi phục rõ nét hơn trong ngắn hạn.

Theo Trí thức trẻ

Tin liên quan chứng khoán

0 comments:

Đăng nhận xét