4 thg 12, 2019

Ở nơi làm việc có 4 kiểu nhân viên trông thì thông minh nhưng thực ra vẫn chưa trưởng thành, rất khó có được sự tín nhiệm của lãnh đạo

Ở nơi làm việc, những biểu hiện trông thì thông minh nhưng thực ra lại thiếu chín chắn bao gồm những gì?

Ai cũng biết, thương trường như chiến trường, cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Vậy là vì muốn con đường công danh sự nghiệp của bản thân trở nên thuận lợi hơn, có những người đã "dắt túi" cho mình vài mánh khóe sinh tồn, hi vọng dựa vào những mánh khóe này, hóa nguy thành an, từ đó một bước lên mây.

Nhưng, những mánh khóe trông thì có vẻ thông mình đó, trong mắt lãnh đạo thực ra lại không hề chín chắn, thậm chí còn khiến họ bị ghét thêm.

Vậy thì, ở nơi làm việc, những biểu hiện trông thì thông minh nhưng thực ra lại thiếu chín chắn bao gồm những gì?

01. Làm người hay xử lý công việc, có thói quen nhẫn nhịn

Các cụ có câu: "Bách nhẫn thành cương, bách nhẫn thành Phật".

Nhưng ở nơi làm việc, điều này lại ngược lại, nếu ở nơi làm việc bạn vẫn kiên trì nguyên tắc "có thể nhẫn thì hãy cứ nhịn", vậy thì con đường sự nghiệp của bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới phát triển sự nghiệp của bản thân.

Tôi từng đọc qua một câu chuyện như này:

Có một cô gái mới ra đi làm, tính cách vốn dĩ rất hồn hậu, đem đến cho người khác ấn tượng rằng cô rất dễ nói chuyện.

Dần dần, đồng nghiệp nhờ cô làm rất nhiều chuyện, mọi chuyện trong phòng như lấy chuyển phát nhanh, đặt đồ ăn, photo in ấn, thậm chí đồng nghiệp tan làm vội đi hẹn hò cũng đẩy việc đưa cho cô làm.

Nhưng cô đều im lặng tiếp nhận, cô không muốn vì mấy chuyện vặt đó mà phải xung đột với đồng nghiệp.

Thành ra ở trong phòng, cô ấy là người làm việc nhiều nhất và cũng tan làm muộn nhất.

Đến ngày đánh giá hàng năm, mỗi phòng ban được đề cử hai người, do các nhân viên tự bầu chọn.

Cô ấy nghĩ rằng mình nhất định sẽ có mặt trong danh sách, dẫu sao thì cô ấy cũng giúp đồng nghiệp làm được nhiều việc như vậy.

Nhưng, trong danh sách không hề xuất hiện tên của cô, mà lại là hai đồng nghiệp rõ ràng làm không nhiều bằng cô.

Ở nơi làm việc có thói quen nhẫn nhịn, bạn cho rằng "nhiều một chuyện không bằng ít đi một chuyện", "lùi một bước chân trời càng rộng mở", bạn cho rằng mình là người biết điều nhất, bạn cho rằng như vậy thì sự nghiệp sẽ phát triển thuận lợi hơn.

Nhưng, bạn không nghĩ ra được rằng, bạn làm vậy chỉ càng bị đồng nghiệp ức hiếp, việc gì khó cũng đùn đẩy cho bạn, nhưng cái lúc cần nghĩ tới bạn thì họ lại chả bảo giờ nghĩ.

Lãnh đạo của bạn sẽ coi thường bạn, cảm thấy bạn yếu đuối, không có chủ kiến và quan điểm của riêng mình, cho rằng bạn khó mà gánh vác được những nhiệm vụ to lớn.

Cứ như vậy, ấn tượng của bạn trong mắt lãnh đạo càng ngày càng kém, lãnh đạo sẽ tán thưởng bạn không? Chắc chắn là không.

Có câu nói rất hay: chuyện nhỏ không hiểu, chuyện lớn không hồ đồ, đây mới là chính đạo.

Nói tóm lại, ở nơi làm việc, có muốn nhẫn nhịn cũng cần phải có mức độ, lãnh đạo thường thích những kiểu người làm việc có nguyên tắc hơn.

02. Như thiên lôi, bảo làm gì chỉ làm cái nấy
Làm việc hết sức và nghiêm túc là tâm lý mà mỗi một dân công sở nào cũng luôn tự nhắc nhở bản thân. Bởi chỉ khi làm việc nghiêm túc, bạn mới được lãnh đạo tán dưỡng, được trọng dụng.

Nghiêm túc, chăm chỉ làm việc không hề sai, nhưng cái tư tưởng đó là phẩm chất mà một người mới nên có, đối với những người đã lăn lội nhiều năm nơi thương trường, đó lại là một sai lầm lớn.

Trong cuốn "Thuyết uyển thần thuật" của Trung Quốc có kể một câu chuyện như sau:

Thời Xuân Thu chiến quốc, ở Tề quốc có một người tên là Cao Liêu được vị quan là Yến Anh triệu tới phủ làm việc.

Vị Cao Liêu này làm việc vô cùng nghiêm túc, bất kể Yến Anh có giao việc gì, ông cũng đều dốc hết sức đi hoàn thành.

Nhưng đối với việc ngoài chức trách của mình, ông luôn lờ đi, không muốn gánh vác quá nhiều trách nhiệm, đến ý kiến cũng không buồn đưa ra.

Cứ như vậy, Cao Liêu phục vụ trong cửa quan 3 năm.

Có một ngày, Yến Anh đột nhiên tuyên bố muốn cách chức Cao Liêu, rất nhiều người không hiểu vì sao, khuyên Yến Anh rằng Cao Liêu làm trong phủ nhiều năm như vậy, luôn rất chăm chỉ, nỗ lực, không thắng chức cho Cao Liêu lại còn cách chức người ta, có lý không vậy?

Yến Anh nói, ta là một người năng lực có hạn, cần người bên cạnh giúp đỡ thì mới có thể lớn mạnh. Cao Liêu theo ta đã 3 năm, rất "ngoan ngoãn", ta bảo việc gì thì làm việc đó, nhưng trước giờ chưa bao giờ đưa ra bất cứ một kiến nghị hay suy nghĩ nào của bản thân, cũng chưa từng chỉ ra cái sai của ta, lẽ nào không nên cách chức hắn?

Lời nói của Yến Anh khiến mọi người cảm thấy rất có lý.

Trong mắt Yến Anh, Cao Liêu thực ra chưa làm tròn chức trách của mình.

Lãnh đạo phân phó cái gì thì làm cái đó, không đưa ra ý kiến, không chủ động cống hiến kế sách thì suy cho cùng cũng chỉ là kẻ vô dụng.

Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta: Ở nơi làm việc, nhất định không chỉ chăm chỉ làm việc, mà còn phải cho thấy mình là người có năng lực làm việc, muốn làm việc và làm được nhiều việc, đừng như Cao Liêu, bảo gì làm nấy y như thiên lôi vậy.

Ở nơi làm việc, kiểu người như vậy dù có chăm chỉ hay được lòng người khác bao nhiêu thì cũng khó mà có thể trụ lại lâu dài.

03. Quá thẳng thắn, cái gì cũng nói tuồn tuột ra hết
Rất nhiều người ở nơi làm việc, khi đối diện với đồng nghiệp và lãnh đạo, họ thường sẽ hỏi gì đáp nấy, không hề lảng tránh hay tỏ ra "uyển chuyển".

Đối diện với đồng nghiệp và lãnh đạo mà quá thật thà, thực ra là biểu hiện của chưa trưởng thành, chưa trải mùi đời.

Đã không biết thì im lặng, nhưng một khi biết cái gì là sẽ nói tuồn tuột ra hết, không có ý thức tự bảo vệ bản thân, điều này rất nguy hiểm.

Ở nơi làm việc, sai một lời, đi ngàn dặm.

Hôm qua, bạn của tôi, T. nói với tôi, lãnh đạo của cô ấy dạo gần đây hay lạnh nhạt với một cậu nhân viên rất thẳng thắn, không giao cho cậu ấy rất nhiều hạng mục quan trọng.

Cậu nhân viên đó thẳng thắn ra sao?

Trong cuộc họp bộ môn, lãnh đạo ngoài việc tổng kết những thiếu sót trong công việc ra còn yêu cầu nhân viên trong mỗi cuộc họp phải nói ra ý kiến của mình, đồng thời cũng có thể chỉ ra lỗi sai của lãnh đạo.

Các đồng nghiệp khác đều chỉ ra những điểm còn tồn tại của mình trong công việc, đồng thời đề xuất ra ý kiến của mình.

Đến lượt cậu nhân viên kia, câu cửa miệng của cậu luôn là "sếp làm sao làm sao...", "sếp làm thế này, tôi cảm thấy...", "tôi cảm thấy còn có thể cải tiến như này..."

Mặc dù đúng là cậu ấy có chỉ ra được những sai xót của lãnh đạo, có điều cách cậu ấy thể hiện ra lại quá trực tiếp và thẳng thắn.

Lúc đó, mọi người không ai dám thở mạnh, còn cậu ấy thì cứ thao thao bất tuyệt.

Kể từ sau đó, mọi người phát hiện ra lãnh đạo không còn quá trọng dụng cậu nhân viên đó, rất nhiều hạng mục quan trọng đều không giao cho cậu.

Rất nhiều bạn trẻ có thói quen thật thà, thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ của bản thân, nhưng họ lại quên để ý tới cảm giác của người khác.

Dale Breckenridge Carnegie, nhà văn và nhà thuyết trình người Mỹ từng nói: "Đối với thành công của một người, tri thức và năng lực giao tiếp đều rất quan trọng. Người chỉ có năng lực mà không giỏi giao lưu thì sẽ chẳng thể nào có thể tươi cười một cách đầy tự hào khi đối mặt với mọi người ở nơi làm việc."

Ở nơi làm việc, bất kể bạn có giỏi tới đâu, nhưng không biết cách ăn nói, quá thẳng thắn, không để ý tới cảm nhận của người khác, vậy thì cũng rất khó có thể được lãnh đạo trọng dụng.

Ở nơi làm việc, biết điều một chút cũng không có gì là không tốt.

Đôi khi, nói gì nói 3 phần thôi là đủ rồi, 7 phần còn lại một là không nói ra, hai là tìm địa điểm và thời gian thích hợp để nói.

04. Phàm là chuyện gì cũng không cầu người, sĩ diện
Sĩ diện, yêu thể diện là bản tính của rất nhiều người.

Lỗ Tấn, văn sĩ nổi tiếng của Trung Quốc từng viết một đoạn mang tên "Nói "thể diện"".

Bên trong có nhắc tới: "Thể diện là cương lĩnh tinh thần của người Trung Quốc, chỉ cần nắm lấy cái này thì sẽ giống như nắm được sợi dây cứu sinh vậy, toàn thân cứ theo vậy mà được kéo đi."

Thiết nghĩ, vấn đề thể diện không chỉ là "cương lĩnh tinh thần" chỉ của riêng người Trung Quốc.

Ở nơi làm việc có rất nhiều người như vậy, yêu thể diện, nói trắng ra là sĩ diện.

Khi đồng nghiệp đưa ra phương án tốt hơn, dứt khoát vì sĩ diện mà không chấp nhận.

Cái của anh nhưng tôi không thích, anh làm vậy là đang làm mất thể diện của tôi, nên tôi không thích anh.

Những người sĩ diện sẽ rất khó có thể hòa nhập vào đoàn thể.

Công việc không giống như lúc đi học ở trường, nó không phải là vấn đề đúng sai, là nó là vấn đề của sự hợp tác, chỉ khi tinh thần làm việc nhóm tốt thì công việc mới có thể được hoàn thành.

Nếu chuyện gì cũng không hợp tác được với nhau, vì sĩ diện mà ngăn cản bước đi tiến bộ, vậy thì lãnh đạo liệu có tán thưởng những người như vậy?

Hai ngày trước, có một cậu bạn làm về IT tâm sự với tôi.

Cậu ấy nói lãnh đạo mấy hôm trước đem công việc của cậu ấy giao cho một đồng nghiệp khác. Cậu ấy trách móc lãnh đạo sao có thể làm vậy.

Sau đó, khi nghe cậu ấy chia sẻ, tôi chỉ có một cảm xúc duy nhất, tôi mà là lãnh đạo của cậu ấy tôi cũng sẽ làm vậy.

Cậu ấy nhận được công việc mới, có rất nhiều chỗ còn chưa hiểu, nhưng lại không thèm đi hỏi các nhân viên lâu năm khác, chỉ biết vùi đầu vào làm.

Tăng ca suốt mấy ngày nhưng một chút thành quả cũng không có, lãnh đạo chỉ có thể giao công việc cho người khác.

Tôi hỏi cậu ấy không hiểu sao không đi hỏi người khác?

Cậu ấy nói: tôi cần thể diện, phải đi hỏi người khác, tôi không làm được.

Tôi: …....

Cổ nhân nói, trong ba người, nhất định có một người là thầy của ta. Không biết thì phải hỏi, muốn giỏi thì phải học, đây hoàn toàn không phải chuyện gì quá mất mặt.

Thừa nhận mình còn thiếu sót, năng đi học hỏi, đi bổ sung cho sở đoản, phấn đấu tiến bộ, đây mới là điều mà một dân công sở nên làm.

Ở nơi làm việc, đừng để sĩ diện cản trở bước đi của bạn.

Tóm lại, ở nơi làm việc, nhất định phải làm một nhân viên chín chắn, đừng để mình bên ngoài trông thì nguy hiểm nhưng bên trong lại rỗng tuếch, cố gắng làm sao để con đường sự nghiệp của mình dễ đi một chút.

Nguồn Bilaoshishuo

0 comments:

Đăng nhận xét