28 thg 9, 2019

Muôn kiểu lừa tiền online

Công nghệ thông tin bùng nổ, mọi thỏa thuận và giao dịch đều được thực hiện trực tuyến (online).

Chỉ cần có chiếc smartphone trong tay và thực hiện vài thao tác là mọi việc được diễn ra nhanh lẹ. Đi kèm với đó là các bẫy lừa luôn rình rập mọi người.

Những chiêu mời chào kiếm tiền trên mạng xã hội
Chỉ cần gõ cụm từ “chỉ ngồi nhà xem video cũng kiếm được tiền” “kiếm tiền bằng click quảng cáo” trên google, bạn sẽ thấy có hàng trăm nghìn kết quả, khiến nhiều người nháo nhào tìm cách tham gia. Tuy nhiên, hình thức kiếm tiền này chứa đựng đầy rủi ro.

Có khẳng định rằng đây là hình thức “kiếm tiền nhanh, đơn giản”, thu nhập mang đến hàng trăm triệu đồng/tháng mà chỉ mất 10 phút mỗi ngày. Theo người chơi cho hay, hoạt động theo hình thức này hiện nay có thể kể tới một số kênh đầu tư nổi cộm như: workmines, perfect money, futurenet hay alladswork... Những kênh này thường xuyên chạy quảng cáo, mời chào người chơi theo kiểu “ngồi nhà xem clip cũng có tiền”, “Bạn chỉ cần bỏ chút thời gian xem vài lượt trên youtube và đầu tư một khoản tiền tùy vào khả năng tài chính là có thể thu lại vốn sau một tháng, còn những tháng tiếp theo chỉ việc thu lời”. Cơ chế phát sinh lợi nhuận được diễn giải như sau: Nguồn thu của youtube đến từ các đoạn quảng cáo được chèn khéo léo giữa các clip. Do đó, càng nhiều người xem clip thì nguồn thu của youtube cũng tăng. Workmines sẽ cung cấp các lượt xem cho youtube, còn youtube sẽ đổ tiền về trả. Số tiền này sau đó sẽ phân phối về cho từng tài khoản cá nhân tùy theo sự đóng góp.

Tuy nhiên, dù được giới thiệu đây là một Công ty dịch vụ quảng cáo workmines.com với quy mô toàn thế giới, thế nhưng theo quan sát của PV, thông tin nhận tiền lại là một cá nhân người Việt, có tài khoản tại ngân hàng ở Việt Nam, nên đã khiến nhiều người cảnh giác nghi ngờ, đây chính là chiêu lừa tiền kiểu mới.

Theo những cá nhân am tường trong lĩnh vực thương mại điện tử cho biết, về bản chất nếu làm đúng luật, đây chính là hình thức chia sẻ doanh thu, lợi nhuận từ quảng cáo cho người dùng. Theo đó, người tham gia chỉ việc xem clip và click các quảng cáo xuất hiện là được sinh lợi. Tuy nhiên muốn được thu tiền về thì cũng phải bỏ ra một khoản đầu tư. Số tiền nhận được tỉ lệ thuận với mức đầu tư ban đầu. Để được nhận tiền lãi, người tham gia sẽ phải mua một gói quảng cáo tối thiểu với giá 10 USD (khoảng 230.000 đồng) có thời hạn hoạt động trong 120 ngày. Nghe qua thì hình thức kiếm tiền này có vẻ rất đơn giản và hấp dẫn nhưng xét ở góc độ kinh tế, thì hoàn toàn không dễ dàng. Bởi với mức đầu tư 10 USD, người tham gia sẽ không được quyền tham gia xây dựng chuỗi hệ thống và các tiện ích, kèm theo đó là khoản lợi nhuận tượng trưng rất ít ỏi. Do đó, theo diễn biến tâm lý thông thường, người chơi sẽ từ từ nâng mức đầu tư lên để được hưởng nhiều quyền lợi hơn và cũng mong nhận được nhiều lãi hơn. Đó chính là cái bẫy. Con số sẽ gia tăng liên tục cho đến khi chính người chơi cảm thấy mệt mỏi và tự bỏ cuộc. Xác định chơi là có thể rủi ro, bởi một ngày nào đó bỗng nhiên hệ thống giao dịch mất tích thì biết tìm ai? Về việc này, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, đầu tư trên những trang mạng không rõ nguồn gốc được coi là công cụ để thực hiện việc rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài bất hợp pháp. Thời gian gần đây, nhiều người tham gia đầu tư tiền thật trên mạng nhưng sau đó mất trắng nên có thể coi đây là hình thức lừa đảo đang ngày càng biến tướng.

Các mô hình dạy làm giàu, kinh doanh online, "bẫy" tuyển dụng có việc làm
Nếu tìm hiểu kỹ, các mô hình dạy làm giàu, kinh doanh online, kiếm tiền “việc nhẹ, lương cao” thực chất là chiêu trò, mập mờ để lừa người tham gia. Nếu theo dõi các clip đăng tải một khóa học làm giàu, sẽ thấy những diễn thuyết gia rất giỏi đưa ra các mô hình kinh doanh một vốn nhiều lời, những gương cá nhân đã thành đạt bởi các loại hình kinh doanh này, với mục đích chính là để thu được tiền từ khóa học và dụ mọi người cùng tham gia. Họ dùng kỹ thuật diễn thuyết, chiêu trò làm cho nhiều người bị cuốn hút, mất cảnh giác, tin một cách mù quáng vào tương lai sẽ giàu nhanh, còn làm gì để có thu nhập cao thì lại rất mơ hồ. Vì sao những mô hình kinh doanh, học làm giàu online thu hút nhiều người tham gia? Bởi ngay lời quảng cáo đã đánh vào tâm lý muốn có nhiều tiền nhưng làm việc nhẹ nhàng của nhiều người. Hiện có rất nhiều mô hình kinh doanh đa cấp trá hình, dưới dạng khóa học, dạy làm giàu, kinh doanh bất động sản, đánh vào lòng tham, làm cho người tham dự khóa học bị lôi kéo, thậm chí “phát cuồng” bỏ cả tiền đầu tư ban đầu, mua sản phẩm.

Trên mạng xã hội cũng nhan nhản các thông báo tuyển dụng việc làm với những lời lẽ ngon ngọt “việc nhẹ, lương cao”, “Không đa cấp, không thế chấp mà vẫn có việc làm đều, thu nhập cao”...Thực chất, nếu các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng để làm sale (nhân viên bán hàng), trả lời điện thoại... sẽ không thu phí đầu vào, phí đào tạo hoặc thu nhưng sau đó trả lại. Với mô hình của công ty ban đầu giới thiệu “việc nhẹ, lương cao”, sau đó mở khóa học online để thu hút, chiêu dụ người tham gia tuyển dụng và cuối cùng là trở thành nhân viên với điều kiện mua sản phẩm ban đầu, bán hàng đa cấp là không ổn. Công ty sẽ được rất nhiều từ thu tiền dạy học, bán sản phẩm, chiêu dụ mời mua sản phẩm, thậm chí cả bán tài liệu... Ở đây, các công ty này dùng chiêu mới là “tuyển dụng, có việc làm” chứ nếu chỉ mời tham gia bán hàng đa cấp bởi không dễ dụ người tham gia. Đây thực chất là một cái “bẫy” mà mọi người phải cảnh giác. Mập mờ ở đây là mượn quảng cáo “việc nhẹ, lương cao”, rồi mời tham gia khóa học để được tuyển dụng, sau đó mới đến bán sản phẩm kinh doanh đa cấp.

Các chuyên gia lưu ý, hiện luật pháp không cấm mở các lớp dạy làm giàu, người tham gia không bị ép buộc nên cơ quan quản lý rất khó can thiệp, xử lý những trường hợp trên. Nếu những công ty này huy động vốn từ người tham gia rồi trả lãi suất cao, mời gọi người tham gia lôi kéo người khác để hưởng hoa hồng thì mới là vi phạm. Do đó, những người có nhu cầu kiếm thêm thu nhập cần tìm hiểu rõ công ty đó hoạt động ra sao, kiếm tiền bằng cách nào... trước khi tham gia. Bản thân người có nhu cầu việc làm, đóng tiền tham gia các khóa học cần tìm hiểu rõ học cái gì, kinh doanh lĩnh vực nào, có hợp lý, hợp pháp và được cấp phép không...

Làm thêm tại nhà có thu nhập cao
Có không ít cơ hội việc làm cho sinh viên, cho các bà nội trợ muốn tăng thêm thu nhập được quảng cáo trên mạng xã hội, từ xâu hạt, ghép tranh đá, lắp bút bi, đến làm shipper. Tất cả đều là những cái bẫy vô hình. Bởi không ai dễ gì giao hàng cho làm mà không thu tiền cọc. Đồng thời nếu đọc kỹ những dòng thông tin việc làm, mới thấy ảo đến mức nào: “Do tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường, nên công ty cần người làm gấp lượng hàng lớn. Lắp bút bi, tiền công 800.000đ/1kg, cọc trước 300.000đ/kg. Có người mang hàng đến tận nhà cho làm. Làm xong lại có người đến tận nơi nghiệm thu và trả tiền. Tiền cọc và tiền công giao dịch banking nhanh lẹ...” Chị N.B. ở quận Hà Đông kể lại sự việc đau lòng, là chị đã chuyển khoản cọc để nhận 3kg bút bi lắp tại nhà. Sau đó có người đến giao bịch hàng dán kín cho chị và bảo: hiện tại lượng hàng công ty làm ra không đủ giao cho khách nhận việc, nên chị đặt 3kg, bây giờ mới chỉ giao tạm 1kg. Chị làm xong sẽ giao nốt số lượng còn lại. Khi chị mở gói hàng, thì thấy bên trong toàn là nhựa vụn và mấy đồ linh tinh. Chị biết mình đã bị lừa thì gọi điện vào số điện thoại đã cho không thể liên lạc được. Ngẫm lại, chị thấy mình dại, bởi 1 kg bút bi hàng gia công lắp xong trong 1 buổi, đem bán ngoài thị trường không nổi 800.000đ, vậy sao người ta trả công 800.000đ. Đây rõ là có dụng ý lừa để chiếm đoạt tiền cọc mà không những chị N.B., mà còn nhiều người mắc bẫy.

Mua sắm online, dễ bị lừa
Mua sắm online đã rất phổ biến bởi tính tiện ích. Tuy nhiên, không ít đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này để lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Hà Nội đã bắt 2 đối tượng về hành vi sử dụng mạng viễn thông, internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua việc lập facebook mạo danh người kinh doanh túi xách có tiếng trên mạng. Thông qua facebook, hai đối tượng này mời chào mua hàng theo chương trình giảm giá, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền đặt cọc trước rồi chiếm đoạt gần 100 triệu đồng của nhiều người.

Thực tế cho thấy, mua hàng online tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Thời gian qua, những vụ lừa đảo vài chục triệu đồng hay vài trăm triệu đồng thông qua bán hàng trực tuyến không ít. Những vụ lừa đảo có giá trị kinh tế nhỏ hơn diễn ra khá nhiều. Đơn cử, chị N.T.L. ở phường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), chia sẻ: “Ngày nào mở facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Tôi đã thử mở một số trang để xem sản phẩm, thấy có số điện thoại, gọi thì người bán cho biết có thể đổi trả nếu mua sản phẩm nhưng không ưng. Vì thế nên tôi đặt mua quần áo và giày, nhưng về mở gói hàng ra thì hoàn toàn không đúng màu sắc và chất lượng như hình ảnh và lời giới thiệu trên facebook...".

Tuy phát triển nhanh và bùng nổ, nhưng hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến. Đáng lưu ý, các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh, khó kiểm soát, do vậy hành vi lừa đảo bán hàng qua online khó ngăn chặn, kiểm soát triệt để.

Để không bị mắc lừa khi mua hàng online, khách hàng phải nâng cao cảnh giác, trong đó lưu ý các vấn đề sau: Hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, cần hạn chế việc nhận và chuyển hàng qua các dịch vụ vận chuyển. Cần trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Kiểm tra kỹ các thông tin như website bán hàng, tài khoản rao vặt, nguồn gốc hàng hóa xem có nhiều khiếu nại về các thông tin này hay không? Bên cạnh đó, nếu chẳng may là nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên, cần thông tin cho các cơ quan chức năng và các diễn đàn thương mại điện tử để cảnh báo cho mọi người.

Nguồn Internet

0 comments:

Đăng nhận xét