9 thg 9, 2019

Cổ phiếu BSR có đang rơi vào ngõ cụt?

Lợi nhuận “bốc hơi” hơn 170 tỷ đồng sau kiểm toán, nhà máy nhiên liệu sinh học 1.800 tỷ đồng bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, cổ phiếu rơi về dưới mệnh giá là những gì đang diễn ra tại Lọc hóa dầu Bình Sơn.

CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) vừa có văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế (LNST) 6 tháng đầu năm 2019 trước và sau khi đã soát xét. Theo đó, LNST hợp nhất sau soát xét là 704 tỷ đồng, giảm 173 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó (877 tỷ đồng). Trên báo cáo tài chính (BCTC) riêng, LNST sau soát xét là 729 tỷ đồng, giảm 177 tỷ đồng.

Mù mờ số liệu
Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết nguyên nhân của sự chênh lệch là do việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại BCTC sau soát xét tăng 119,7 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho (dầu thô, thành phẩm) tại thời điểm kiểm toán thấp hơn so với thời điểm công ty tự lập báo cáo (tháng 7/2019).

Bên cạnh đó, một số chi phí của tháng 6/2017 nhưng nhận được hồ sơ muộn sau ngày chốt số liệu báo cáo trước soát xét dẫn đến ghi nhận thiếu chi phí và đã được ghi nhận bổ sung khi lập báo cáo sau soát xét.

Đáng chú ý, tại BCTC soát xét, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc đánh giá, xác định giá trị tổn thất của khoản đầu tư vào CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF), tương đương giá trị dự phòng đầu tư tài chính dài hạn đã trích lập vào 30/6/2018 và quyết định sử dụng toàn bộ giá trị khoản dự phòng đã trích lập để bù đắp tổn thất tại thời điểm chuyển thành CTCP với số tiền 536 tỷ đồng.

Giá trị này có thể thay đổi tùy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. “Chúng tôi không thể thu thập đầy đủ bằng chứng soát xét thích hợp về giá trị tổn thất của khoản đầu tư này. Do đó, chúng tôi không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu này hay không”, kiểm toán nêu rõ.

Báo cáo sau soát xét còn nhấn mạnh tại ngày 30/6/2019, lỗ luỹ kế và thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn của BSR-BF dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty này.

Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn, cho biết khoản tổn thất đầu tư vào BSR-BF theo số lỗ lũy kế tương ứng tỷ lệ góp vốn góp, vì vậy toàn bộ khoản dự phòng này được sử dụng để bù đắp tổn thất.

Do BSR-BF đã tạm ghi tăng nguyên giá các tài sản của Nhà máy Bio – Ethanol Dung Quất với số tiền 1.790 tỷ đồng, giá trị nhà máy sẽ được điều chỉnh (nếu có) khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.

Kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn thời gian qua cũng ghi nhận sự sụt giảm so với năm 2018. Trước đó, tại BCTC quý II/2019, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của công ty chỉ đạt 300 tỷ đồng, giảm hơn 86% so với cùng kỳ.


Mịt mờ cổ phiếu
Không chỉ những con số thiếu hụt trong BCTC mà thị giá cổ phiếu của công ty trên sàn chứng khoán cũng giảm sút nặng nề, gây thất vọng cho các nhà đầu tư.

Sau một thời gian dài giao dịch trồi sụt, cổ phiếu BSR đã chính thức rơi xuống dưới mệnh giá tại những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, hiện đang giao dịch tại mức giá 9.300 đồng/cp (phiên 22/8).

Nhìn vào diễn biến này của BSR, nhiều nhà đầu tư đã phải lắc đầu ngán ngẩm. Còn nhớ, hồi đầu năm 2018, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã có một phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công rực rỡ với hơn hơn 242 triệu cổ phần, tương đương 7,79% vốn điều lệ đã được bán hết với giá bình quân 23.043 đồng/cp, cao hơn 57,8% so với giá khởi điểm.

Tháng 3/2018, công ty chính thức đưa cổ phiếu BSR lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 22.400 đồng/ cp, cổ phiếu ngay sau đó tăng lên 31.800 đồng/cp. Điều này phản ánh kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng của đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, trước những biến động của thị trường chứng khoán cùng những khó khăn đến từ chính tình hình kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn đã khiến thị giá của BSR liên tiếp điều chỉnh.

Ở mức giá 9.300 đồng/cp hiện nay, BSR đã “đánh rơi” gần 71% giá trị so với đỉnh và gần 60% so với giá của phiên IPO. Góp phần vào đà giảm của BSR là động thái bán ròng liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài.

Lật lại phiên IPO của Lọc hóa dầu Bình Sơn để lý giải sự thành công vang dội có thể thấy doanh nghiệp đã lựa chọn đúng thời điểm “bung hàng”. Hồi cuối năm 2017, đầu năm 2018, thị trường chứng khoán “hừng hực” khí thế khi Vn-Index liên tiếp chinh phục các mức đỉnh 1.100 – 1.200 điểm.

Bên cạnh đó là kết quả kinh doanh đột biến của năm 2017 – trước thời điểm IPO, càng thêm động lực cho các nhà đầu tư xuống tiền. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, trước những chênh lệch về những con số trước IPO và sau IPO, sự nghi ngờ về kết quả kinh doanh được làm đẹp nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia IPO đã bắt đầu nhen nhóm.

Giới phân tích cho rằng sở dĩ lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn kém khả quan đến từ một vài nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giá xăng và dầu diesel biến động mạnh.

Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết các nhà đầu tư mua cổ phiếu BSR khi công ty IPO cho đến nay đều “thủng túi” và chưa có bất cứ một tín hiệu nào đảm bảo giá cổ phiếu BSR sẽ biến động thuận lợi hơn trong tương lai.

Nguồn Thời Báo Chứng Khoán

0 comments:

Đăng nhận xét